HSC: FPT có thể thu lợi nhuận 1.380 tỷ từ bán 52% vốn FPT Trading và 40% vốn FPT Retail
HSC ước tính lợi nhuận từ bán tối đa 52% cổ phần tại FPT Trading vào khoảng 490 tỷ đồng và tổng lợi nhuận từ thoái 40% vốn cổ phần tại FPT Retail khoảng 890 tỷ đồng.
- 12-09-2017Sau nhiều đồn đoán, đối tác nước ngoài mua FPT Trading đã lộ diện
- 07-09-2017Ngày càng khó bán điện thoại cho các cửa hàng, FPT Trading đang phải chật vật tìm đường sống như thế nào?
- 30-08-2017Lần đầu công bố báo cáo tài chính, FPT Shop đang ở đâu so với Thế Giới Di Động?
Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) vừa bán xong 47% cổ phần FPT Trading cho Tập đoàn Synnex Technology International với giá 35 triệu USD. FPT có kế hoạch bán tiếp tối đa 5% cổ phần của FPT Trading cho người lao động để giảm tỷ lệ sở hữu tại đây về 48%.
Trước đó, FPT cũng đã bán 30% cổ phần FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital nhưng chưa công bố giá trị thương vụ.
Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), việc FPT giảm sở hữu xuống dưới 50% tại FPT Trading là để tránh hợp nhất kết quả kinh doanh của FPT Trading với FPT.
HSC ước tính lợi nhuận từ bán tối đa 52% cổ phần tại FPT Trading vào khoảng 490 tỷ đồng. FPT sẽ có thể ghi nhận toàn bộ lợi nhuận từ chuyển nhượng cổ phần là lợi nhuận tài chính trong BCTC quý IV nếu kế hoạch trên được hoàn tất.
Về việc FPT đã bán 30% cổ phần tại FPT Retail (6 triệu cổ phiếu) cho Dragon Capital và VinaCapital, HSC cho rằng hai quỹ này đã trả khoảng 39 triệu USD cho thương vụ. Ước tính lợi nhuận từ bán 30% cổ phần tại FPT Retail là khoảng 660 tỷ đồng.
Tiếp đó, FPT sẽ bán thêm 10% cổ phần tại FPT retail thông qua IPO trong quý IV để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 45%. HSC ước tính lợi nhuận từ thoái vốn này khoảng 230 tỷ đồng.
Theo đó, tổng lợi nhuận từ thoái 40% vốn cổ phần tại FPT Retail là khoảng 890 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HSC lưu ý phương pháp hạch toán lợi nhuận từ thương vụ này là phức tạp hơn so với trường hợp của FPT Trading. Do mức cổ phần chuyển nhượng nhỏ hơn. Và do đó, không rõ ràng liệu FPT có thể ghi nhận lợi nhuận từ bán 30% cổ phần này là tăng vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối hay là lợi nhuận tài chính trên báo cáo KQKD.
FPT chờ tư vấn của kiểm toán về liệu thương vụ bán 30% cổ phần này có thể xem là một phần trong thương vụ bán tổng cộng 40% cổ phần tại FPT Retail hay không, theo đó Công ty có thể ghi nhận lợi nhuận từ thương vụ này là lợi nhuận tài chính trong báo cáo KQKD quý IV/2017.
Nếu không, việc bán 30% cổ phần sẽ được xem là động thái giảm tỷ lệ sở hữu riêng và do đó chỉ được hạch toán là tăng vốn chủ sở hữu.
HSC đánh giá việc thoái vốn giúp FPT thu về nguồn tiền mặt lớn và từ đó FPT sẽ trở thành công ty thuần về công nghệ. Do đó, thương vụ này sẽ là động lực hỗ trợ lớn nhất đối với giá cổ phiếu trong ngắn đến trung hạn.
Bên cạnh đó, HSC nhận thấy tiềm năng tăng trưởng lớn của Công ty ở tất cả các mảng kinh doanh có lợi thế cạnh tranh cao nhờ: (1) chi phí thấp; (2) cung cấp độc quyền nhiều dịch vụ; (3) mô hình kinh doanh tổng hợp tham gia phần lớn các phân khúc chính trong lĩnh vực CNTT; (4) vị thế áp đảo trong nước và (5) ban lãnh đạo có tầm nhìn.
Tuy nhiên, do room đã đầy và ít có khả năng FPT sẽ sớm nới room nên việc tiếp cận cổ phiếu từ lâu đã trở nên khó khăn.