HSC ước lãi Vietnam Airlines năm 2017 đạt hơn 1.650 tỷ
Theo HSC ước tính, thị phần của HVN chiếm 42% thị trường, trong khi của VJC là 43%. Dự kiến cuối năm, HVN sẽ đạt 1.654 tỷ lãi ròng và vượt 15% kế hoạch năm.
- 06-07-2017Vietnam Airlines báo lãi trước thuế 830 tỷ đồng trong 6 tháng
- 22-06-2017Vietnam Airlines nói hàng không giá rẻ khó tồn tại dài hơi, nhưng thực tế họ đã "đè bẹp" các hãng truyền thống như thế nào?
- 22-06-2017Vietnam Airlines: "Hạch toán doanh thu từ Sale & leaseback là đẩy rủi ro về tương lai"
Cuộc chiến thị phần, HVN tiếp tục “thất thế”
Trong nửa đầu năm 2017, Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (mã: HVN - HOSE) ước đạt doanh thu 42.758 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế dự kiến đạt 830 tỷ đồng, giảm 59%, tương đương 51% chỉ tiêu năm.
Dựa trên thông tin từ HVN, báo cáo của CTCP Chứng khoán TPHC(HSC) ước tính HVN ghi nhận lỗ tỷ giá khoảng 1.480 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Do đó, nếu không tính đến khoản lỗ tỷ giá này, lãi trước thuế sẽ là 2.310 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Riêng trong qúy 2/2017, HVN ước tính doanh thu thuần là 21.805 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ) nhưng ghi lỗ 23 tỷ đồng. Nếu không tính đến khoản lỗ tỷ giá, lãi trước thuế sẽ là 1.160 tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ).
Theo HSC, doanh thu tăng nhờ lượng hành khách tăng 6% ở mức 9,95 triệu lượt và giá vé bình quân tăng 15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận giảm do chi phí nhiên liệu tăng 28% so với cùng kỳ.
So với đơn vị khác trong ngành là Vietjet Air (mã VJC - HOSE), trong 5 tháng đầu tiên, số lượt hành khách của VJC tăng 29% so với cùng kỳ, nhờ hãng này mở thêm nhiều đường bay mới. Giá vé VJC rẻ hơn khoảng 30% HVN đối với các chuyến bay nội địa. Do đó, VJC đã giành được phần lớn lượng hành khách gia tăng. Sự chênh lệch này cũng cho thấy HVN tiếp tục mất thị phần cho VJC trong 6 tháng đầu năm. HSC ước tính trong 6 tháng đầu năm, thị phần của HVN là khoảng 42% và của VJC là khoảng 43%.
Năm 2017, dự báo HVN lãi ròng 1.654 tỷ đồng, kỳ vọng từ chiến lược bán và thuê lại máy bay
Năm 2017, HSC dự báo doanh thu thuần của HVN đạt 81.526 tỷ đồng, tăng trưởng 16% và lãi ròng đạt 1.654 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch năm; EPS đạt 1.147 đồng. Nếu không tính lỗ tỷ giá thì HVN có thể lãi trước thuế đạt 3.063 tỷ đồng, giảm 6%. Dự báo của HSC, dựa trên giả định lượng hành khách chuyên chở cao hơn 2% so với kế hoạch của HVN còn tỷ giá USD/VND thấp hơn 1%.
Cũng theo HSC, việc chuyển từ mua đứt bán đoạn máy bay sang bán và thuê lại là động thái tích cực của HVN. Trong năm 2017, HVN dự kiến nâng số lượng máy bay lên bình quân 91,2 chiếc trong năm (tăng 5,7%) và máy bay mới (gồm 4 chiếc A350 và 1 chiếc B787) được đầu tư theo hình thức bán và thuê lại (SLB).
Với sự thay đổi trong chiến lược mua máy bay, HVN kỳ vọng vốn đầu tư cơ bản sẽ giảm từ 544 triệu USD xuống còn 128 triệu USD (năm 2016 là 385 triệu USD). Đồng thời, rủi ro tỷ giá cũng được hạn chế. Năm ngoái, do vay USD để mua máy bay, HVN đã ghi nhận lỗ tỷ giá là 666 tỷ đồng.
Mặt khác, HVN cũng sẽ giảm nhu cầu vay nợ của Công ty. Tại thời điểm 31/3/2017, vay nợ thuần bằng USD của HVN ở mức 1.980 triệu USD; thấp hơn mức 2.170 triệu USD tại thời điểm cuối 2015.
Một điểm tích cực khác của SLB là HVN sẽ có được nguồn doanh thu mới. HVN ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp của các giao dịch SLB khoảng 1%; thấp hơn nhiều so với một số đối thủ trong khu vực (có tỷ suất lợi nhuận gộp của các giao dịch SLB sẽ khoảng 11%).
Những hãng hàng không mới gia nhập ngành thường mua máy bay theo số lượng lớn và được hưởng chiết khấu lên tới 20-30% so với giá chào bán. Trong khi đó, những hãng hàng không lâu đời hơn như HVN thường nhận được chiết khấu thấp hơn do mua số lượng nhỏ hơn.
Theo đó, chênh lệch giá mua máy bay mới giữa HVN và VJC là khoảng 10-15%. Điều này phần nào cũng ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận khi bán và cho thuê lại máy bay.
NDH