MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HTX "đốt đuốc" đi tìm vốn

18-04-2019 - 14:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Đi tìm nguồn vốn cho HTX hiện nay là việc hết sức khó khăn...

Tại Diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã Quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhận định kinh tế hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng, nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường đã gặp nhiều lúng túng nhất định.

Một trong những vấn đề mà HTX gặp khó là tiếp cận tín dụng dù chẳng thiếu chính sách. Cụ thể, hiện nay có quy định HTX có thể vay tín chấp ngân hàng đến khoảng 400 triệu đồng, nhưng rất ít các HTX có thể tiếp cận được, Phó Thủ tướng chia sẻ. Dù vậy, theo Phó Thủ tướng, điều này cũng không thể trách các ngân hàng, vì liên quan đến những rủi ro hệ thống và các khoản vay quá rủi ro.

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, kinh tế hợp tác, HTX đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động, khi doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm. Đến năm 2018, cả nước có hơn 22.000 hợp tác xã đang hoạt động, hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên.

Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 đến 2.500 hợp tác xã ra đời với tốc độ, quy mô ngày càng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt hạn chế trong vấn đề nguồn vốn. Hiện tại chỉ có 0,04% số HTX được vay vốn, theo con số mới nhất được Liên minh HTX Việt Nam công bố.

Nguồn vốn chủ lực hiện nay là các quỹ thuộc hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Năm 2018 dư nợ cho vay tăng 10% so với năm 2017, số lượt HTX được vay vốn tăng 29%, đa phần tập trung xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, hay nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn là chưa đủ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, các thủ tục giấy tờ vay vốn của HTX còn phức tạp hơn cả doanh nghiệp, bộ máy cồng kềnh hay chính sách không đủ để triển khai. Thêm nữa, bản thân các HTX làm việc chưa hiệu quả và có tình hình tài chính chưa minh bạch, không thể đáp ứng điều kiện vay chặt chẽ.

Trong khi đó, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp Hữu cơ, cho biết các HTX hiện nay nếu có tiếp cận được thì cũng chỉ là các nguồn vốn nhỏ phục vụ hoạt động thường xuyên, chứ chưa thể tiếp cận nguồn vốn lớn phục vụ cho tái cấu trúc cây trồng hay vật nuôi. Điều này dẫn đến việc các hợp tác xã hoạt động thiếu đột phá và hiệu quả không cao.

Theo ông Lê Thành, việc thiếu vốn cũng dẫn đến một vấn đề khác là các hoạt động logistic của hợp tác xã còn đang bỏ ngỏ. Từ việc cung ứng các đầu vào, lưu kho, xử lý và bảo quản sau thu hoạch cho đến vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng đều không chủ động và hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác nhỏ lẻ, không đảm bảo được sự ổn định cả đầu vào lẫn đầu ra cho quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, đại diện cho các HTX cho rằng yếu tố quan trọng là các tổ chức tín dụng ngại tiếp cận với HTX.

Đại diện cho ngân hàng, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP SCB, cho biết các ngân hàng từ trước đến nay ngại cho vay xã viên nông nghiệp nói riêng và HTX nói chung không chỉ vì những rủi ro về mặt tài chính, tài sản đảm bảo, mà còn vì chưa có niềm tin vào cách thức hoạt động của mô hình HTX hiện tại, hay cách mà xã viên tham gia vào hợp tác xã.

Tuy nhiên, ông Văn cũng cho biết thêm, trên thực tế cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam là rất tiềm năng với các tổ chức tín dụng. Và ngân hàng này sẽ thâm nhập sâu vào lĩnh vực cho vay nông nghiệp thông qua việc ký kết hợp tác chiến lược bốn bên vừa được ký gồm SCB, Công ty Cổ phần Lavifood, cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ nhằm thu hút nguồn lực, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chế biến xuất khẩu.

Theo đó, các bên sẽ đồng hành, thống nhất huy động các nguồn lực tài chính, hỗ trợ tín dụng, thúc đẩy các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, nhà máy chế biến, hệ thống phân phối, logistic, vùng trồng tiêu chuẩn để hỗ trợ nông dân, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao ngành rau quả định hướng thị trường quốc tế trên nền tảng Logistics tại 16 địa phương bao gồm Hậu Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Đắc Nông, Sơn La, Cao Bằng, Hải Phòng, Hà Nam, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Văn, chuỗi giá trị bao gồm tổ chức sản xuất hỗ trợ người nông dân, cho đến khâu chế biến và tiêu thụ (bao tiêu đầu ra). Trong quá trình này, đơn vị bao tiêu đầu ra và hỗ trợ kĩ thuật cho nông dân đóng vai trò rất quan trọng, vì đầu ra là vấn đề quan ngại nhất của ngành nông nghiệp thời gian qua. Đồng thời, ngân hàng cũng có thể mời một đơn vị bảo hiểm hàng hóa và giá cả để tham gia quá trình đó.

 "Với cách tổ chức như thế, tôi tin là rủi ro cho ngân hàng sẽ rất là hạn chế. Bởi vì chúng ta đã đảm bảo được đầu ra, tức là nguồn trả nợ cho xã viên", ông Văn nhận định, đồng thời cho biết thêm ngân hàng sẵn sàng tham gia cho vay nếu doanh nghiệp đã đảm bảo được đầu ra cho xã viên. Các khoản vay trực tiếp tới từng xã viên với lãi suất sẽ ưu đãi hơn 1,5%-2% so với thị trường.

Chuỗi giá trị nông nghiệp được đánh giá là rất có tiềm năng tại Việt Nam, bởi tiềm năng về nông nghiệp là có, nhưng chưa làm tốt ở khâu tìm thị trường, bảo quản, phân phối và tiêu thụ. Đặc biệt là chuỗi giá trị rau củ quả có giá thành thấp nhưng bán được giá rất cao. 

Báo cáo thường niên 2018 của Liên Minh HTX Việt Nam cho biết có khoảng 15% số HTX nông nghiệp và 60% HTX phi nông nghiệp sản xuất gắn liền với chuỗi giá trị. Với mô hình sản xuất mới, có sự bắt tay giữa các bên sẽ giúp các ngân hàng tự tin tham gia vào chuỗi giá trị.

Ngọc Hùng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên