Huawei và tham vọng số một thế giới vào năm 2020
Đi dạo qua bất kỳ thành phố lớn nào ở Trung Quốc, bạn sẽ thấy các cửa hàng và biển quảng cáo của Huawei ở mọi nơi. Đó là bởi Huawei đang giữ vị trí số một tại Trung Quốc và đang trở thành ứng viên đáng gờm khi vươn ra quốc tế.
- 04-11-2018Samsung, Huawei và cuộc chiến tranh giành ngôi vương
- 06-09-2018Nhìn thấu bản chất: Samsung đang cố tình để Huawei, Xiaomi, Oppo vươn lên chiếm thị phần?
Cuối quý II, Huawei đã vượt qua Apple để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, dựa trên thị phần, và đang đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ soán ngôi bá chủ của Samsung.
“Năm tới, chúng tôi sẽ tiến rất gần với vị trí số một và có thể sánh ngang với Samsung. Ít nhất là trong một năm sau đó, tức năm 2020, chúng tôi sẽ có cơ hội chạm tới vị trí số một”, Richard Yu, CEO Huawei, cho biết.
Tăng trưởng nhanh
Huawei đang chuẩn bị cho dòng điện thoại có khả năng gập mở, công nghệ di động 5G và kính thực tế ảo (AR). Tuy nhiên, không phải lúc nào công ty cũng trong tình trạng bận rộn như vậy. Thực tế, Huawei không có bất kỳ dòng điện thoại thông minh nào mang thương hiệu riêng cho đến tận năm 2010, tức 3 năm sau khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên.
Hiện tại, Huawei đã trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc nhờ sự phát triển của thiết bị mạng di động và là một trong những nhà cung cấp thiết bị mạng di động lớn nhất trên thế giới. Huawei từng sản xuất thiết kế gốc (ODM), chuyển thiết kế và chế tạo thiết bị cho các công ty khác.
CEO Huawei Richard Yu tại sự kiện công bố sản phẩm mới của hãng ở Le Grand Palais, Paris, Pháp, ngày 27/3. Ảnh: Getty Images.
Năm 2010, lần đầu tiên, Huawei ra mắt dòng điện thoại thông minh mang thương hiệu riêng, có tên gọi là IDEOS, chạy hệ điều hành Android. Chiếc IDEOS này có giá khoảng 60 euro (67,5 USD). Năm 2018, công ty đang phát hành các thiết bị cầm tay có chip trí tuệ nhân tạo với các tính năng lần đầu tiên được ra mắt trên thế giới. Giá của dòng sản phẩm này là hơn 1.000 USD.
Richard Yu là người tiên phong trong bước chuyển từ ODM sang sản xuất điện thoại thông minh của Huawei vào năm 2012. Vào thời điểm đó, một vài xu hướng đã tác động lên tầm nhìn của Yu, khiến ông tin tưởng vào tiềm năng của Huawei trong thị trường điện thoại thông minh, bao gồm việc chuyển từ sản xuất điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh, và cuối cùng là sự ra mắt của dịch vụ 4G.
Ông quyết định Huawei sẽ dừng sản xuất điện thoại phổ thông, thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào điện thoại thông minh dòng cao cấp với pin khỏe hơn và màn hình lớn hơn theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Mâu thuẫn với hội đồng quản trị
Yu là bộ mặt của bộ phận tiêu dùng tại Huawei, là đại diện cho các buổi ra mắt sản phẩm mới – một sự kiện marketing lớn của công ty. Có thể, ông không rõ về các vòng xoay công nghệ nhưng Yu là một người rất thẳng thắn.
Vị CEO này nói rằng ông khuyến khích sự mạo hiểm, điều đã giúp Huawei phát triển nhanh chóng.
“Tôi khuyến khích bộ phận tiêu dùng trau dồi khả năng đổi mới, để tạo ra những thay đổi táo bạo, để làm những điều một số người cảm thấy hơi điên khùng, để thách thức bản thân và toàn bộ ngành công nghiệp”, Yu nói.
Trong quá khứ, Huawei từng tập trung vào B2B, tức Business to Business - loại hình giao dịch qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, hơn là với khách hàng (B2C). Điều này có nghĩa là Yu từng mâu thuẫn với quản lý cấp cao khi ông cố gắng thúc đẩy việc kinh doanh tiêu dùng (B2C).
“Thách thức lớn đối với tôi là tôi đang làm việc cho một công ty và toàn bộ công ty đang hoạt động dựa trên mô hình B2B. Các nhà quản lý, giám đốc điều hành đều là những người thiên về B2B trong khi họ lại đang điều hành một doanh nghiệp B2C. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận, rất nhiều trở ngại bởi vì mọi người bảo rằng ‘bạn đang làm điều này một cách sai lầm’. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi đã làm điều này một cách đúng đắn. Và đó là rào cản lớn nhất”, Yu chia sẻ.
AI, màn hình gập
Huawei đã đẩy mạnh các sản phẩm tiêu dùng. Cho đến nay, phần lớn thành công của công ty đều được tận dụng để phát triển các dòng điện thoại thông minh sở hữu nhiều công nghệ mới với giá cả phải chăng. Điều này góp phần hạ bớt rào cản giá cả và mang lại những tính năng tiên tiến. Ví dụ, dòng P20 Pro với camera 3 ống kính được ra mắt vào đầu năm nay có giá bán lẻ chỉ hơn 1.000 USD.
Điện thoại Huawei cũng được trang bị các chip trí tuệ nhân tạo (AI) như Apple.
Đối với Yu, AI sẽ là công nghê then chốt đưa điện thoại thông minh lên một tầm cao mới và giúp công ty tăng trưởng trong tương lai.
“AI đang phát triển và sẽ là động cơ cho tất cả dịch vụ trong tương lai. AI sẽ là nền tảng để làm việc trên nhiều thiết bị, nó sẽ kết nối tất cả ứng dụng và bạn có thể nhận được tất cả dịch vụ. 10 năm sau, thay đổi lớn nhất có lẽ là điện thoại hỗ trợ AI”, Yu nói.
Huawei đang nghiên cứu một chiếc điện thoại có thể gập mở, sẽ ra mắt vào năm tới, và là chiếc điện thoại hỗ trợ 5G đầu tiên của công ty. Kính thực tế ảo (AR) cũng đang được nghiên cứu, Yu cho biết thêm. Huawei đã không ngại nhảy vào các dòng sản phẩm tiêu dùng mới bao gồm cả máy tính xách tay và loa thông minh. Những công nghệ mới này có thể là động cơ tăng trưởng của Huawei trong tương lai.
Bên cạnh đó, Huawei cũng nhìn thấy tiềm năng trong việc phát triển phần mềm.
Công ty sở hữu các dịch vụ như lưu trữ đám mây, phát nhạc trực tuyến và video nội dung – những dịch vụ rất phổ biến tại Trung Quốc. Cụ thể, Huawei Music, nền tảng phát nhạc trực tuyến, có 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Một con số ấn tượng khi đặt lên bàn cân với ứng dụng nghe nhạc nổi tiếng toàn cầu, Spotify, với 191 triệu người dùng.
Dịch vụ là một khía cạnh đầy khó khăn của doanh nghiệp bởi các ứng dụng thường làm hỏng điện thoại của người sử dụng. Trong khi Apple đang cố gắng trở thành một doanh nghiệp hàng tỷ USD từ phần mềm và dịch vụ nhờ việc sở hữu iOS – hệ điều hành của iPhone, thì các đối thủ như Samsung, Huawei,… đang phải vật lộn vì phải “sống nhờ” vào Android của Google.
Đối với Huawei, đây sẽ là một trận chiến khó khăn, đặc biệt là nếu nó muốn quốc tế hóa mọi dịch vụ, như Spotify và Netflix.
“Về cơ bản, Huawei đang định hướng trở thành một nhà cung cấp phần cứng uy tín trong mắt người tiêu dùng, trước khi chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ”, Ben Wood, trưởng nhóm nghiên cứu tại CCS Insight, nói.
“Với rất nhiều dịch vụ như Spotify, Netflix,… vốn đã sở hữu số lượng người dùng lớn, thật khó để Huawei giành lại thị phần trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy Huawei đã tồn tại rất kiên cường, vì vậy tôi không loại trừ khả năng Huawei từ từ mở rộng đối tượng người dùng ra quốc tế, rồi dần dần củng cố mảng dịch vụ của họ. Dù vậy, đó vẫn là một hành trình dài”, Wood nói thêm.
Chính trị và cạnh tranh
Huawei phải đối mặt với một vài khó khăn trong tham vọng toàn cầu của họ.
Huawei đã bị cuốn vào vòng xoáy chính trị từ vài năm trước. Năm 2012, Mỹ đã chặn Huawei khỏi thị trường thiết bị mạng của nước này bởi vì Washington cho rằng công ty là nguy cơ với an ninh quốc gia. Cụ thể Mỹ lo ngại Huawei có thể cung cấp đường truy cập cửa hậu (backdoor), gây rò rỉ thông tin nhạy cảm với Trung Quốc. Tuy nhiên, Huawei đã phủ nhận cáo buộc này.
Đầu năm nay, 6 quan chức tình báo hàng đầu Mỹ đã cảnh báo người dùng nước này không nên mua điện thoại của Huawei.
Richard Yu giới thiệuHuawei Balong 5G01, một loại chip 5G, tại Barcelona, Tây Ban Nha, hồi tháng 2. Ảnh: CNBC.
Nói về điều kiện khó khăn cho Huawei tại Mỹ, ông Yu tự tin rằng hãng công nghệ không cần thị trường Mỹ để phát triển.
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra rào cản lớn hơn cho chúng tôi. Lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng rất rộng lớn, tôi nghĩ chúng tôi có thể tập trung vào thị trường khác thay vì Mỹ”, ông nói.
Đồng thời, ông Yu cũng bày tỏ quan điểm tích cực rằng khi rút khỏi Mỹ, Huawei có thể dồn sức lực mở rộng thị trường toàn cầu. Yu cũng nói thêm rằng Huawei hy vọng sẽ quay trở lại Mỹ, tuy nhiên điều này cần “phải kiên nhẫn”.
Bên cạnh chính trị, Huawei còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường điện thoại thông minh đang phát triển từng ngày.
Các nhà cung cấp khác của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo là những đối thủ cạnh tranh chính, trong khi Samsung cũng sẽ không bị loại khỏi vị trí dẫn đầu một cách dễ dàng.
DJ Koh, CEO của Samsung Mobile, hồi tháng 9cho biết công ty đang chuyển đổi chiến lược điện thoại thông minh tầm trung nhằm mang lại nhiều tính năng cải tiến hơn cho dòng điện thoại giá rẻ, một động thái có thể giúp chống lại mối đe dọa từ Huawei. Chiến lược đó đã được minh chứng ở Galaxy A9, chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới có 4 ống kính ở camera sau, ra mắt vào tháng 10.
Samsung sẽ không dễ bị đánh bại. Samsung trượt khỏi vị trí số một chỉ 3 lần trong 5 năm qua và điều này chỉ diễn ra trong một quý, theo số liệu từ Counterpoint Research.
Neil Shah, một giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint, ước tính Huawei sẽ cần phải bán ra thêm khoảng 30 đến 40 triệu chiếc điện thoại thông minh mỗi quý nếu muốn vượt qua Samsung.
“Huawei phải chinh phục được các thị trường như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ - những nơi Samsung hoạt động rất mạnh”. Shah nói thêm rằng chinh phục Ấn Độ sẽ rất khó khăn do việc sản xuất, phân phối và thương hiệu của Samsung ở đây là quá lớn, còn thị trường Mỹ, đối với Huawei hiện tại là “bất khả xâm phạm”.
Tuy nhiên, Shah cho rằng Samsung có thể nhận thức được rằng lượng hàng bán ra của họ đã giảm đi đáng kể trước sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường điện thoại thông minh trên thế giới. Điều này sẽ giúp Huawei “thừa thắng xông lên”.
Tham vọng của Yu không chỉ dừng lại ở điện thoại thông minh. Với các dòng sản phẩm mới như loa, những thiết bị có thể đeo được, Yu đang hướng tới việc tạo ra một hệ sinh thái các thiết bị thông minh.
“Trong 10 năm tới, chúng tôi muốn đóng vai trò tiên phong, trở thành nhà cung cấp giải pháp toàn diện cho cuộc sống thông minh”, Yu nói.
Người đồng hành