MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hủy đấu thầu vàng, bình ổn thị trường ra sao?

28-05-2024 - 21:40 PM | Thị trường

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước nên nhập khẩu vàng nguyên liệu và xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có khả năng bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua các ngân hàng được chỉ định.

Trao đổi với PV Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương cho biết, để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã dùng biện pháp đấu thầu vàng miếng, nhưng lượng vàng đưa ra thị trường chưa đủ lớn, giá vàng trong nước vẫn neo ở mức cao và khoảng cách với thế giới lên đến 17-18 triệu đồng/lượng.

Ông Phương cho rằng, giải pháp để bình ổn thị trường cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng, nếu triển khai sẽ có lợi cho cả vàng trang sức. Có hai phương án để tăng nguồn cung vàng nguyên liệu cho thị trường, đó là cấp hạn mức cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập vàng hoặc Ngân hàng Nhà nước nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho doanh nghiệp.

Với phương án cấp hạn mức cho vàng nhập trực tiếp, các doanh nghiệp phải báo cáo việc nhập khẩu vàng cho Ngân hàng Nhà nước để nơi này quản lý, giám sát.

Việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch sẽ giúp triệt tiêu được vàng lậu và làm cho thị trường vàng thông suốt hơn. Từ đó có thể tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho các doanh nghiệp vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây.

Hủy đấu thầu vàng, bình ổn thị trường ra sao?- Ảnh 1.

Giải pháp hiệu quả vừa nhập khẩu vàng vừa xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC (ảnh: Như Ý).

Ông Phương cho biết thêm, việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, trên thị trường sẽ có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác nên sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau. Khi nguồn cung nguyên liệu tăng lên, có nhiều sự lựa chọn và không còn cơ chế độc quyền nữa, giá vàng miếng SJC không thể cao vô lý như hiện nay.

Nếu thực hiện đồng loạt các giải pháp trên, Công ty SJC sẽ chủ động nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng SJC, tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường.

Thị trường vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông nhiều hơn. Khi đó, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới sẽ rút ngắn đáng kể, có thể về mức 3-5 triệu đồng/lượng. "Đó là biện pháp triệt để nhất để bình ổn giá vàng", ông Phương nói.

Ông Phương cho biết có một giải pháp trước mắt và khả thi là Ngân hàng Nhà nước sẽ cung trực tiếp vàng ra thị trường. Theo đó, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) bán vàng trực tiếp cho người dân.

"Trước đây, giá đấu thầu xong doanh nghiệp có thể bán giá thế nào là quyền của doanh nghiệp vàng và ngân hàng kinh doanh vàng. Nhưng giờ Ngân hàng ấn định giá công khai mua vào - bán ra sẽ làm cho giá thực tế hơn. Tất nhiên, thời điểm này không quá kỳ vọng vào giá sẽ giảm mạnh nhưng từng bước một sẽ giá giảm", ông Phương cho hay.

Một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, để bình ổn thị trường phải vừa sửa Nghị định 24 để xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC vừa cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng.

Cũng theo vị này, không nên quá lo ngại việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến "vàng hóa" nền kinh tế, vì bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay rất khác so với hơn 10 năm trước.

Vào lúc 14h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 88,5 - 90,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 600.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu bán quanh ngưỡng 90 triệu đồng/lượng.

Giá nhẫn trơn cũng nhích nhẹ. Mỗi lượng nhẫn tại SJC tăng 150.000 đồng/lượng lên 75-76,6 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên