Huy động 500 tấn vàng trong dân: “Phải là việc đương nhiên”
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung (ĐH Ngân hàng Tp.HCM) cho rằng, không có câu chuyện nên hay không nên trong việc huy động vàng mà phải khẳng định rằng việc tìm cách huy động nguồn vốn trong nền kinh tế nói chung và trong tay người dân nói riêng là một việc đương nhiên.
Tìm cách huy động vàng trong dân là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Mới đây, tại phiên họp của Chính phủ trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong dân, gồm cả tiền và vàng, và báo cáo Chính phủ trong phiên họp sau.
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi nhận được ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM và xin đăng tải để bạn đọc cùng tham khảo.
500 tấn vàng trong dân- tương đương 20 tỷ USD (hay 13,3 triệu lượng vàng) là vấn đề được giới tài chính ngân hàng quan tâm trong thời gian gần đây. Được biết, 500 tấn vàng là con số do Hiệp hội Kinh doanh vàng Thế giới công bố. Mặc dù vẫn có những ý kiến cho rằng con số này chưa hẳn đã chính xác- dĩ nhiên là như vậy vì rằng sẽ không có một con số nào chỉ ra số vàng dự trữ trong dân có thể chính xác được. Tuy nhiên Tôi cho rằng đây là một con số đáng tin cậy vì số liệu công bố dựa trên nguồn số liệu nhập vàng của Việt Nam thời gian qua.
Tìm cách huy động vốn trong dân là việc đương nhiên
Có quan điểm cho rằng bây giờ “chưa phải thời điểm phù hợp để NHNN đứng ra huy động vàng". Tôi không đồng tình với quan điểm này mà cho rằng không có cái gọi là “thời điểm thích hợp” cho việc huy động vàng trong dân. Không có câu chuyện nên hay không nên trong trường hợp này mà phải khẳng định rằng việc tìm cách huy động nguồn vốn trong nền kinh tế nói chung và trong tay người dân nói riêng là một việc đương nhiên, là một chức năng của thị trường tài chính.
Tại sao vậy? Cả trong lý thuyết và thực tế đều cho thấy rằng một trong những chức năng quan trọng của thị trường tài chính là tạo ra và duy trì dòng chảy không ngừng về vốn trong nền kinh tế thông qua việc kết nối giữa cung và cầu vốn.
Điều đó có nghĩa rằng một khi trong nền kinh tế còn vốn tồn đọng ở đâu đó trong khi vẫn có những nhu cầu về vốn đề đầu tư, sản xuất kinh doanh nhưng không tìm ra nguồn đáp ứng thì thị trường tài chính đã không làm tròn chức năng và bổn phận của nó đối với nền kinh tế- đó là một thị trường kém năng động và phát triển.
Như vậy, tình trạng một lượng vốn lớn đang hiện hữu được người dân cất giữ, trong khi các doanh nghiệp đang khát vốn là một sự thật minh chứng cho sự kém phát triển, thiếu năng động của thị trường tài chính Việt Nam. Tất cả sự thật này đang hiện hữu- con số vàng trong tay dân tương được 20 tỷ USD được Hiệp hội Kinh doanh vàng Thế giới công bố và bên cạnh đó là tỷ lệ không tìm được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên đến 70% cũng là kết quả khảo sát của Viện Quản trị Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ công bố đầu năm 2016.
Huy động vàng trong dân bằng cách nào?
Vấn đề hiện đang được trao đổi, bình luận là nên hay chưa nên thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia và đây cũng là kiến nghị của BIDV năm 2010, kiến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia năm 2011.
Xoay quanh kiến nghị này có nhiều ý kiến khác nhau, mặc dù mỗi người bảo vệ quan điểm của mình bằng những lý do khác nhau nhưng chung quy lại có hai nhóm ý kiến: nhóm ý kiến đồng thuận và nhóm ý kiến không đồng thuận.
Tôi ủng hộ quan điểm thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia và đồng tình với tất cả các lý do mà các chuyên gia đã nêu để bảo vệ quan điểm này, cụ thể như: (i) chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế; (ii) thị trường vàng minh bạch hơn, nhà nước dễ quản lý; (iii) hạn chế tình trạng buôn lậu vàng; mua bán chứng chỉ vàng; (iv) tăng nguồn thu cho nhà nước qua thuế; kiểm soát vàng ra vào; (v) đây cũng là một trong những biện pháp chống vàng hóa; và (vi) bản thân người dân cũng hưởng lợi từ việc này.
Những ý kiến trái chiều khoăn về điều gì? hầu hết đều cho rằng còn quá sớm để bàn đến việc thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia. Vậy là vấn đề còn băn khoăn ở đây không phải nên hay không nên thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia mà là vấn đề thời gian, vấn đề chọn thời điểm nào cho phù hợp. Và điều đó có nghĩa là mọi người đều đồng thuận và cho rằng việc thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia là cần thiết.
Vấn đề thời gian? Phải chăng vẫn còn quá sớm hay chưa cần thiết để bàn về việc thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia? Tôi cho rằng, cần phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này ngay từ bây giờ. Đúng như TS. Bùi Quang Tín có nói: “theo kinh nghiệm của thế giới, để thành lập được một Sở giao dịch vàng kiểu như vậy phải mất khoảng 10 năm, thậm chí tới vài chục năm”, tuy nhiên điều này cho thấy là nếu muốn có Sàn giao dịch vàng quốc gia khoảng 10 năm nữa thì phải bắt đầu suy nghĩ, lên kế hoạch ngay từ bây giờ chứ không phải đây là lý do để phải chờ thêm “những điều kiện chín muồi” nữa.
Nếu nhìn lại chặng đường để có được sự ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh sẽ nói cho ta biết để trong tương lai (5 đến 10 năm sau) có được Sàn giao dịch vàng quốc gia thì sự bắt đầu từ bây giờ là cần thiết và không bao giờ sớm cả.
Quá trình ra đời của Công ty TNHH Một thành viên-Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE)
Ngày 29 tháng 6 năm 1995 , Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 361/QĐ-TTg thành lập Ban Chuẩn bị tổ chức TTCK giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng TTCK ở Việt Nam. Ban Chuẩn bị tổ chức TTCK có nhiệm vụ: (i) Soạn thảo các văn bản pháp luật về chứng khoán và TTCK; (ii) Soạn thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; (iii) Chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý thị trường, kinh doanh về chứng khoán; (iv) Hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế trong việc tổ chức TTCK ở Việt Nam;
Ngày 28 tháng 11 năm 1996 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập theo nghị định 75/cp của Chính phủ Việt Nam .
Ngày 11/07/1998 Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (TTGDCK TP.HCM) được thành lập theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg và chính thức đi vào hoạt động thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000. Tuy nhiên từ khi phiên giao dịch đầu tiên bắt đầu cho đến năm 2007, Giá trị vốn hóa thị trường chỉ tương đương 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Ngày 29/6/2006 Luật Chứng khoán được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007
Ngày 11/05/2007 Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (SGDCK TP.HCM), tiền thân là Trung Tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, được chuyển đổi theo Quyết định 559/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 7/1/2008, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Công ty TNHH Một thành viên cho Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE).