MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huy động công ty tài chính "dập" tín dụng đen

06-08-2022 - 09:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỉ đồng sẽ được triển khai ngay trong tháng 8 này với lãi suất bằng 50% thị trường.

Tín dụng đen là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua, nhất là đối với một bộ phận công nhân, người lao động (NLĐ) ở các KCN-KCX; người thu nhập thấp ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các cơ quan chức năng thường xuyên nhận được đơn kêu cứu của người dân về tình trạng vay tiền qua app với lãi suất "cắt cổ", lãi mẹ đẻ lãi con, bị "khủng bố" đòi nợ khắp nơi.

Lãi suất chỉ bằng 50% hiện tại

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 11 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết bên cạnh nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tín dụng đen, NHNN đã chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng có ngay gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất bằng một nửa lãi vay hiện tại để công nhân, NLĐ có thể dễ dàng tiếp cận.

Huy động công ty tài chính dập tín dụng đen - Ảnh 1.

Gói tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất cho vay giảm 50% so với lãi suất vay tiêu dùng thông thường sẽ hỗ trợ rất lớn cho người lao động trong bối cảnh ứng dụng cho vay nặng lãi bủa vây .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cụ thể, theo yêu cầu của NHNN, gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỉ đồng sẽ được 2 công ty tài chính là Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) và Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON) triển khai (mỗi công ty 10.000 tỉ đồng) để cho công nhân, NLĐ ở các KCN có nhu cầu vay tiêu dùng. Thời hạn vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày.

Đại diện FE Credit cho hay đang phối hợp cùng NHNN, Tổng LĐLĐ Việt Nam để tiến hành các thủ tục cần thiết và sớm triển khai gói vay ưu đãi này. FE Credit đã lên kế hoạch để ngay trong tháng 8 này đi khảo sát thực tế nhu cầu vay, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ tại các cụm KCN lớn trên toàn quốc như Bắc Ninh, Đồng Nai, Long An, Nghệ An… Từ đó, sẽ có những sản phẩm phù hợp để NLĐ tiếp cận gói vay dễ dàng, thuận tiện nhất trong bối cảnh tín dụng đen hoành hành. "Dự kiến, gói vay sẽ tiếp cận tới NLĐ có nhu cầu vay đang làm việc tại các KCN có thời gian làm việc lâu dài, ổn định. Hạn mức và thời hạn khoản vay cũng sẽ linh hoạt cho từng đối tượng với mức lãi suất của gói tín dụng bằng 50% lãi suất thị trường mà các công ty tài chính đang cho vay hiện nay. Quy trình phê duyệt tín dụng sẽ tuân thủ quy định của NHNN và thỏa với các điều kiện FE Credit ban hành" - đại diện công ty nêu rõ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện dao động 25%-40%/năm tùy khoản vay, mức độ rủi ro của từng khách hàng, vay trả góp tiêu dùng hay vay tiền mặt qua thẻ. Trong khi đó, nếu vay tín dụng đen, khách hàng phải trả lãi suất lên tới vài trăm %, thậm chí cả ngàn % nếu không trả được, vay app này nhưng trả app khác… Do đó, khi gói tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất cho vay giảm 50% so với lãi suất vay tiêu dùng thông thường được tung ra sẽ hỗ trợ rất lớn cho NLĐ.

Kiểm soát cho vay bằng công nghệ

Bên cạnh việc ứng phó với nạn cho vay nặng lãi qua app đang nở rộ, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (sandbox cho fintech), để có hành lang pháp lý, bảo đảm hoạt động cho vay ngang hàng hay vay qua app (P2P lending) phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả.

Theo ghi nhận, một số fintech như Công ty ATM Online, Money Cat… đã nộp hồ sơ xin vào sandbox. Để triển khai gói tín dụng 20.000 tỉ đồng hiệu quả cũng như cho vay online - P2P lending đúng nghĩa, ông Đỗ Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty ATM Online, góp ý lĩnh vực fintech, với việc áp dụng sâu về công nghệ và không ngừng cải thiện các thuật toán "Chấm điểm xếp hạng tín dụng" sẽ góp phần triển khai quy định thủ tục vay nhanh gọn, dễ dàng nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát nợ xấu.

Theo ông Hải, hiện nay khá nhiều app cho vay không áp dụng công nghệ trong việc chọn lọc và thẩm định khách hàng mà bắt khách hàng tải app, rồi truy cập thông tin cá nhân trong điện thoại của khách hàng. Trong khi đó tại ATM Online, khách hàng muốn vay phải đăng ký trên website và hiện tỉ lệ khách hàng đủ điều kiện vay chỉ ở mức 6%-7%. Nhu cầu vay rất lớn nhưng xác suất nợ xấu cũng cao nên ATM Online phải dùng công nghệ để thẩm định khách hàng, kiểm soát rủi ro. "NHNN cần sớm có cơ chế thông qua sandbox thí điểm đưa các đơn vị fintech trên thị trường có thể cung cấp thông tin về các khoản cấp tín dụng được quản lý bởi Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) hay các công ty xếp hạng tín nhiệm cá nhân… Từ đó, thị trường có thông tin về các khoản vay của khách hàng minh bạch, qua đó góp phần kiểm soát dòng vốn vay" - ông Đỗ Minh Hải nói.

Đại diện fintech Money Cat nhấn mạnh sandbox là một công cụ hiệu quả có thể hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái fintech, bảo vệ các công ty fintech khỏi những đối tượng lừa đảo, trốn nợ công khai. Đồng thời, sandbox có thể làm rõ các yêu cầu về điều khoản cho vay, quy định lãi suất theo từng bước, cấp quyền truy cập CIC cho công ty fintech, giới hạn giải ngân, chính sách giám sát fintech, nghĩa vụ của fintech phải báo cáo cho CIC về các khoản vay đã giải ngân và tình trạng nợ hiện tại. Đồng thời, báo cáo về các chính sách thu hồi nợ, hành lang pháp lý thu hồi nợ quá hạn, chính sách xử lý các công ty fintech không tuân thủ quy định của NHNN… từ đó sẽ kiểm soát dần các app cho vay online, giảm dần tín dụng đen. "Với kinh nghiệm trong việc vận hành một nền tảng cho vay P2P lending tại Liên bang Nga, đề xuất cho vay trực tuyến chỉ nên cho phép thực hiện đối với các công ty có đủ điều kiện và nền tảng công nghệ phù hợp. Như vậy, các đối tượng tín dụng đen sẽ khó đáp ứng được yêu cầu để hoạt động, thị trường có thể tách bạch được giữa đâu là công ty hoạt động P2P thực sự và đâu là tín dụng đen" - đại diện Money Cat nói.

Để hạn chế tín dụng đen, ông Đỗ Minh Hải đề xuất ứng dụng công nghệ và phục vụ những phân khúc mà NH, công ty tài chính chưa đáp ứng hết. Cụ thể, phân khúc cho vay ngắn ngày từ 3-6 tháng với số tiền từ 3-15 triệu đồng góp phần tăng độ phủ trong phục vụ của các tổ chức tài chính phi NH. Đồng thời, tăng độ minh bạch, tính tiện lợi trong quá trình cho vay, khi khách hàng thấy vay vốn chính thống lãi suất thấp hơn, tiện hơn sẽ không tìm đến tín dụng đen.

Đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống

Để hạn chế tín dụng đen, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu đời sống. NHNN đang rà soát, sửa đổi để có thể cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay trong việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay; ban hành một thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rõ các vấn đề đòi nợ, lãi suất... NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải đa dạng hóa sản phẩm, triển khai chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên