Huy động USD, vàng trong dân: Làm sao để “hút” được nguồn vốn “chôn giấu” cực lớn?
“Để người dân lấy đồng tiền của mình chắt chiu, tiết kiệm bao nhiêu năm để đưa ra không phải là dễ. Mình phải có những kênh đầu tư, với sự công khai minh bạch như thế nào để họ yên tâm đầu tư”, TS. Nguyễn Văn Thuận cho biết.
- 22-07-2017Huy động USD trong dân: Lãi suất bao nhiêu là hợp lý?
- 20-07-2017Huy động USD bằng cách nào?
- 29-03-2017Lãi suất huy động USD bằng 0 nhưng vì sao các ngân hàng lại tăng lãi suất cho vay liên tục?
Nhận định trên được TS. Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM chia sẻ với BizLIVE xoay quanh vấn đề được quan tâm hiện nay là việc Chính phủ chỉ đạo NHNN tìm cách huy động USD , vàng trong dân.
TS Nguyễn Văn Thuận cho rằng vấn đề huy động vốn trong dân là tốt nhưng để đưa được tiền trong dân ra ngoài thì phải tạo một kênh đầu tư cho tốt, mới khuyến khích và hút được dòng vốn đó.
Rõ ràng nguồn vốn đó ở trong dân hiện ở dạng cất trữ, chôn giấu với lượng cực kỳ lớn. Thực tế ở những năm 2006, 2007 thì nguồn vốn trong dân đã được đưa ra để đầu tư, nhất là thị trường chứng khoán và vàng.
Theo TS. Thuận, nếu đứng ở góc độ huy động thông qua các kênh ngân hàng thì bây giờ vấn đề là lãi suất. Trước đây chúng ta đã huy động vốn có thời kỳ ngoại tệ cũng có lãi suất, vàng cũng có lãi suất. Quay trở lại tăng lãi suất huy động USD như vậy liệu vấn đề USD hóa, vàng hóa quay trở lại không? Tất nhiên bây giờ mình đã có kinh nghiệm, sẽ đi từng bước với việc mở lãi suất ở mức độ nào để tránh trường hợp rơi lại USD hóa và vàng hóa.
Nhưng vấn đề nữa là huy động USD, vàng trong dân qua ngân hàng cũng chỉ là kênh gián tiếp. Nếu bây giờ mình đi theo kênh trực tiếp đó là thông qua thị trường chứng khoán mà trước đây đã có thời kỳ rất dài thị trường đã hút nguồn tiền rất lớn.
“Chúng ta đã thành lập thị trường chứng khoán, khuyến khích doanh nghiệp niêm yết, như vậy tại sao không dùng nguồn vốn này thông qua kênh thị trường chứng khoán gọi là kênh huy động trực tiếp để đầu tư vào đó. Trong khi doanh nghiệp của mình rất thiếu vốn và nguồn vốn từ ngân hàng đi ra vẫn là nguồn vốn chính”, chuyên gia tài chính nhận định.
Ông cũng cho rằng, chúng ta đã tạo ra môi trường khởi nghiệp mà Chính phủ gọi là kiến tạo khởi nghiệp. Như vậy phải tạo những kênh đó để cho dòng tiền đi ra.
Và theo ông các kênh hiệu quả đó là đồng thời sử dụng kênh gián tiếp thông qua hệ thống ngân hàng và trực tiếp qua thị trường chứng khoán. Quan trọng là cơ chế điều hành và vận hành ở từng kênh này như thế nào để mà khuyến khích được dòng vốn trong dân đổ vào.
Đối với thị trường chứng khoán, TS. Thuận nhìn nhận qua nhiều năm cũng đã tốt lên nhưng hiện vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Đó là tính minh bạch, công khai còn kém, doanh nghiệp nhiều khi ăn xổi ở thì.
“Như vậy rõ ràng không tạo được niềm tin cho người dân hay cách khác là nhà đầu tư đưa vốn vào. Phải tạo cho người dân thấy sự kinh doanh bền vững, để 1 năm 2 năm giá trị doanh nghiệp tăng gấp đôi gấp ba chẳng hạn... Do đó bây giờ kênh đó phải đi bài bản hơn, hoàn thiện nó tốt hơn”, TS. Thuận bày tỏ.
Còn đối với kênh gián tiếp là huy động qua ngân hàng thì ông nhận định sẽ có mức độ, bởi nâng lãi suất cũng ở mức độ vì còn chống USD hóa và vàng hóa.
“Ngân hàng thu hút nguồn vốn đó để làm gì? Cũng là để cung ứng cho sản xuất kinh doanh. Với lãi suất như vậy thì rõ ràng không hấp dẫn lắm so với kênh thị trường chứng khoán”, chuyên gia đánh giá.
Ông cũng nhận định chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều vào FDI. GDP, xuất khẩu của mình phụ thuộc vào FDI quá nhiều. Gần cả chục năm nay chưa thấy những thương hiệu Việt lớn mới xuất hiện, toàn là những thương hiệu cũ. Cũ mà cuối cùng đi xuống chứ không đi lên. Vậy còn lại bao nhiêu thương hiệu cũ có thể phát triển tốt, thực tế thấy rằng không nhiều. Bài toàn doanh nghiệp Việt nhỏ mãi không muốn lớn nó là như vậy.
Theo TS. Thuận, Chính phủ kiến tạo phải làm sao tạo điều kiện cho doanh nghiệp muốn lớn, kích thích nó để nó lớn. Phải tạo hành lang pháp lý, tạo những kênh để doanh nghiệp có thể huy động vốn để có thể phát triển, chứ đừng để tạo ra những tư duy hình thành những đại gia ăn xổi ở thì, về mặt lâu dài không tạo cho kinh tế phát triển bền vững.
“Tóm lại để người dân lấy đồng tiền của mình chắt chiu tiết kiệm bao nhiêu năm để đưa ra không phải là dễ. Mình phải có những kênh đầu tư, với sự công khai minh bạch như thế nào để họ yên tâm đầu tư”, TS. Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
BizLive