MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huy động vàng trong dân, nên chăng?

23-05-2016 - 07:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiệp hội Kinh doanh vàng VN vừa gửi kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để góp phần huy động vàng hiệu quả. Các chuyên gia nói gì về kiến nghị này?

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
53 bài viết

Theo lý giải của Hiệp hội Kinh doanh vàng VN thì thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.

Lưu động hóa số vàng trong dân

Trao đổi với TTO, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho biết hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, nghiên cứu và nếu được chấp thuận về mặt chủ trương thì những vấn đề về kỹ thuật tiến hành sẽ tiếp tục được đề xuất, bàn bạc thêm.

“Việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia cũng chỉ nhằm mục đích lưu động hóa số vàng trong dân, hoàn toàn không vì mục đích buôn bán số lượng lớn vàng miếng, vàng cục… để vàng hóa hoặc làm mất giá trị thị trường” - ông Nguyễn Thành Long chia sẻ.

Trong kiến nghị, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN cho biết Sở giao dịch vàng quốc gia cũng sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng, loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui), giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, thông qua Sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước…

Không nên mở rộng đối tượng tham gia

TS kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia là cần thiết nhưng phải tính đến các điều kiện, tác động cụ thể, đảm bảo việc vận hành thành công.

Những vấn đề cần lưu ý, theo TS Nguyễn Minh Phong là xu hướng, luật quốc tế và các công cụ chống rủi ro.

Mặt khác, ông Phong cho rằng không nên mở rộng việc tham gia cho tất cả các đối tượng.

“Chỉ nên cho những nhóm, đơn vị, ngân hàng được cấp phép, đủ năng lực, uy tín kinh doanh vàng (đặc biệt là vàng quốc tế) như Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng lớn tham gia vào sàn giao dịch. Hình thức huy động cũng cần được nghiên cứu kỹ để đảm bảo sự an toàn cho nguồn vốn của người dân” - TS Nguyễn Minh Phong nói.

Về vấn đề giảm thiểu rủi ro, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cần có những chính sách về bảo hiểm, bảo đảm, “nếu không có thể sẽ vét rỗng kho vàng của dân hoặc khi kinh doanh thua lỗ thì người dân phải chịu” - ông Phong lưu ý.

Một vấn đề khác là việc huy động vàng chỉ nên hướng tới một số nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm, cụ thể, không nên xem như một hoạt động mua bán theo kiểu đầu cơ vì sẽ làm lệch đi mục đích thành lập ban đầu.

Hãy tạo kênh đầu tư hiệu quả

Lý giải vì sao người dân lại mua và trữ một lượng vàng đến 500 tấn như con số mà Hiệp hội Kinh doanh vàng VN nêu ra trong bản kiến nghị, TS chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh kể ra hai lý do.

Thứ nhất, người dân do lắng lạm phát sẽ làm đồng tiền mất giá. Thứ hai, người dân chưa tìm ra kênh đầu tư nào hiệu quả, an toàn nên phải mua vàng và cất trữ, dù biết đó là “vàng chết” - tức là chỉ găm giữ tài sản ở đó, không phát sinh lợi do nhiều yếu tố trong nước lẫn quốc tế.

TS, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói: “Vấn đề không phải là huy động vàng trong dân, vấn đề là làm sao để người dân không tập trung vào vàng. Huy động vàng trong dân có thể kéo theo những hệ lụy khác. Nếu chúng ta cứ trao cho vàng chức năng như một loại tiền tệ hay công cụ tài chính thì có thể sẽ lại quay về tình trạng vàng hóa nền kinh tế”.

Theo TS Vũ Đình Ánh, điều cần làm là tạo ra một môi trường đầu tư để thay vì mua vàng, người dân sẽ đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, làm tài sản sinh sôi nảy nở thông qua các kênh đầu tư khác.

“Lựa chọn hình thức nào thì lựa chọn, mục tiêu quan trọng vẫn là làm sao để người dân có kênh đầu tư hiệu quả hơn việc tích trữ vàng. Từ đó, họ sẽ không tích trữ vàng mà sử dụng nguồn lực tiền tệ của mình cho các mục tiêu đầu tư, phát triển, sinh lợi kể cả trực tiếp hay gián tiếp” - TS Vũ Đình Ánh nói.

Với những mục tiêu đã nói, TS Vũ Đình Ánh cho rằng thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia là không cần thiết.

Theo Võ Hương - Lê Thanh - An Nhiên

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên