Huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp: Từ thương vụ nghìn tỷ của PAN
Trong khi lãi suất đầu vào tại nhiều ngân hàng còn đang ở quanh mức 7% thì một doanh nghiệp là The PAN Group vừa huy động thành công 1.135 tỷ đồng qua kênh trái phiếu với lãi suất chỉ 6,8%.
Kế hoạch huy động công bố đầu tháng 9 đã nhanh chóng thu được thành công khi The PAN Group vừa thông báo đã hoàn tất đợt chào bán với sự bảo lãnh của CGIF - quỹ tín thác của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và thu xếp phát hành bởi Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Lượng đặt mua đối với lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm này, theo một số nguồn tin thân cận, thậm chí đã vượt hơn 30% so với quy mô chào bán.
Đây được xem là ví dụ mới nhất chứng minh cho nhận định của Bộ phận đầu tư Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) nêu trong báo cáo gần đây, với kỳ vọng về một sự tăng trưởng đáng kể của thị trường vốn Việt Nam 5 năm tới. Trong đó, trái phiếu dự báo sẽ đảm nhiệm vai trò động lực chính để kéo giảm thực trạng mất cân đối nguồn vốn hay phụ thuộc quá nhiều tín dụng ngân hàng.
"Để Việt Nam bắt kịp mức trung bình tại Đông Á vào năm 2023, tổng giá trị trái phiếu lưu hành cần tăng gấp 4 lần lên 200 tỷ USD, còn thị trường cổ phiếu tăng gấp đôi lên 173 tỷ USD", báo cáo của UBS ước tính.
Tiềm năng vậy nhưng sự cải thiện trước đó mới chỉ được nhìn thấy rõ ở nhóm trái phiếu Chính phủ. Dù có nhiều thay đổi nhưng những cuộc phát hành thành công như của The PAN Group nêu trên đến nay vẫn còn là "hàng hiếm". Thực tế, quy mô thị trường này hiện chỉ tương đương 1,4% GDP, thấp hơn nhiều so với con số 130% của tín dụng ngân hàng hay 79% với thị trường cổ phiếu.
Lý do khiến kênh huy động vốn trên bị đánh giá tăng trưởng "chậm hơn kỳ vọng" đã được chỉ ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, với chủ đề mở rộng thị trường vốn và tài chính gần đây. Trong đó, việc thiếu vắng các tổ chức xếp hạng hoặc bảo lãnh tín nhiệm là nguyên nhân quan trọng. Do sự vắng bóng này, các trái chủ không có được bên thứ 3 đủ uy tín để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, không có căn cứ cân nhắc lựa chọn mức rủi ro/lợi nhuận theo khẩu vị.
Trong trường hợp của The PAN Group nêu trên, vấn đề này đã được giải quyết với sự tham gia bảo lãnh thanh toán của CGIF - một định chế tài chính thuộc ADB và được Standard & Poor’s xếp hạng tín nhiệm ở mức AA. Với "dấu bảo đảm" này, lãi suất mà PAN phải chi trả khá thấp, ngang ngửa thậm chí thấp hơn mức mà các ngân hàng đang áp dụng cho tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn.
Điều này có được là nhờ trái chủ trong những đợt phát hành có sự tham gia của CGIF thường là nhà đầu tư với khẩu rủi ro thấp, có thể lựa chọn mức sinh lời thấp hơn nhưng đòi hỏi cao về việc bảo toàn vốn. Bản thân các tổ chức khi đứng ra bảo lãnh cũng phải "chọn mặt" mà gửi uy tín.
Như CGIF, các doanh nghiệp được lựa chọn cần đạt tiêu chuẩn về xếp hạng đầu tư thấp nhất là BBB-, không hoạt động sản xuất trong danh mục cấm, đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và an toàn xã hội. Với các quốc gia chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Việt Nam, họ cũng phải sử dụng cách thức khác để đánh giá các doanh nghiệp. Do đó đến nay, cũng mới chỉ 4 doanh nghiệp Việt Nam được CGIF bảo lãnh trái phiếu.
Một điểm khá đặc biệt là CGIF chưa từng bảo lãnh cho doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nào trước PAN. Thực tế đây là lĩnh vực thường được đánh giá dễ tổn thương và rủi ro do phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh...
Với PAN, nông nghiệp là một mắt xích trong chuỗi mô hình từ trang trại tới bàn ăn. Các công nghệ mới tiết kiệm tài nguyên cũng được nhiều đơn vị thành viên của PAN áp dụng. Hơn nữa, định hướng mà Tập đoàn này theo đuổi là tạo ra những giá trị bền vững với những sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chất lượng. Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm lên tới gần 80% trong 5 năm qua, các yếu tố này đã thuyết phục được CGIF "chọn" PAN.
Thành công của thương cũng phản ánh một thực tế rằng, để trở thành doanh nghiệp được lựa chọn, yếu tố quyết định khả năng huy động vốn vẫn nằm ở nội lực. Đây cũng là lý do 65% giá trị trái phiếu trên thị trường Việt Nam hiện được phát hành bởi các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn và ngân hàng thương mại. Niềm tin để gây dựng với các trái chủ cần xuất phát từ nền tảng tài chính tốt, kinh doanh hiệu quả hay chính việc sẵn sàng minh bạch thông tin của chính doanh nghiệp.
Từ phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính đến nay đã nghiên cứu Đề án thành lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng đầu mối trung tâm thông tin… Khi khung pháp lý được hoàn chỉnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ rộng mở hơn. Tuy vậy, từ trường hợp của The PAN Group, có thể thấy cửa huy động vốn từ trái phiếu chỉ thực sự rộng mở nếu bản thân doanh nghiệp luôn ý thức tự tăng cường nội lực, khẳng định vị trí và gây dựng niềm tin của mình trên thị trường thông qua sự minh bạch và định hướng phát triển dài hạn, bền vững.
Nhịp sống kinh tế