MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hủy lắp đặt camera nhà riêng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, kiểm điểm trách nhiệm

01-10-2019 - 09:40 AM | Xã hội

Trước phản ứng của dư luận, Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định hủy việc lắp đặt và thu hồi kinh phí lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của các cán bộ lãnh đạo tỉnh, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm

Chiều 30-9, kết thúc cuộc họp Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Sóc Trăng ra thông cáo báo chí về việc xử lý việc lắp camera an ninh nhà riêng của cán bộ trong BTV Tỉnh ủy.

Thu hồi cho ngân sách Đảng

Theo đó, Tỉnh ủy đã thảo luận và kết luận việc lắp đặt camera an ninh góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn là chủ trương đúng đắn. Trong đó, việc giám sát có khu vực nhà riêng các ủy viên BTV Tỉnh ủy gắn với giám sát an ninh lối xóm, cộng đồng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện là sai về quy mô, số lượng, nguồn kinh phí lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của các ủy viên BTV Tỉnh ủy.

Vì thế, BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định hủy quyết định về việc cấp kinh phí lắp camera an ninh nhà riêng cán bộ trong BTV Tỉnh ủy. Thu hồi số tiền đã chi lắp đặt camera nhà riêng của 12 cán bộ là trên 882 triệu đồng.

 Hủy lắp đặt camera nhà riêng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, kiểm điểm trách nhiệm  - Ảnh 1.

Một camera an ninh được lắp đặt hướng vào nhà của một cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng Ảnh: TÂM QUÂN

BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể BTV Tỉnh ủy và các cá nhân liên quan đã để xảy ra sai sót này; báo cáo đầy đủ sự việc và xin ý kiến chỉ đạo của trung ương. Với tinh thần cầu thị, BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng cảm ơn các cơ quan báo chí, nhân dân luôn quan tâm theo dõi và kịp thời thông tin, góp ý nhằm giúp BTV Tỉnh ủy phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Trước đó, ngày 23-4, ông Huỳnh Văn Sum, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, đã ký quyết định về việc cấp kinh phí lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của các cán bộ trong Ban Thường vụ theo tờ trình của Văn phòng Tỉnh ủy (có 16 người nhưng 4 người không đồng ý lắp là Bí thư Thành ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Quận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu và Giám đốc Công an tỉnh Lê Minh Quang). Quyết định giao dự toán kinh phí không tự chủ từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng Tỉnh ủy và được bảo mật, với tổng kinh phí gần 982 triệu đồng. Ông Sum cho biết việc lắp đặt camera đã thực hiện từ 2-3 tháng trước. Dự toán kinh phí gần 1 tỉ đồng vì ngoài camera còn có màn hình, đầu thu... đều được thẩm định giá.

Trả lời với báo chí, đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận Công an tỉnh từng kiến nghị cấp trên lắp camera tại trụ sở các cơ quan Đảng, nhà nước và cán bộ trong BTV Tỉnh ủy vì mục đích bảo đảm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là phòng chống khủng bố của cơ quan công an.

Làm trái quy định

Liên quan đến vụ việc gây xôn xao dư luận này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 30-9, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng đây là việc làm chưa có tiền lệ, không có quy định nào cho phép sử dụng ngân sách của Đảng để phục vụ cho việc tư dưới danh nghĩa "bảo đảm công tác bảo vệ chính trị nội bộ". "Chúng ta phải rạch ròi việc lắp camera ở nhà cán bộ BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng là việc tư, mà việc tư thì không thể dùng ngân sách, đặc biệt là một số tiền lớn như vậy" - ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh.

Tại quyết định do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum ký, nêu rõ việc lắp đặt camera cho các cán bộ BTV Tỉnh ủy căn cứ vào Thông tư 1539/2017 của Bộ Tài chính. Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định việc quản lý và sử dụng ngân sách đối với các cơ quan của cấp tỉnh ủy chịu sự điều chỉnh của Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư 1539. Tuy nhiên, dựa theo điều 10 của Thông tư 1539, việc lắp đặt camera tại nhà cán bộ ở Sóc Trăng là không đúng quy định. "Không thể tùy tiện đưa nhà riêng các ủy viên BTV tỉnh ủy vào diện bảo vệ như vậy được. Khi họ hết nhiệm kỳ hoặc về hưu thì số camera này xử lý như thế nào, thu hồi để lắp ở nơi khác hay "tặng" luôn cho họ. Khi đó, ngân sách lại tốn thêm cả tỉ đồng để lắp đặt mới cho các cán bộ khác" - ông Ứng nhấn mạnh.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM), Luật Phòng, chống khủng bố và các văn bản pháp luật hiện hành không bắt buộc, không nhắc cụ thể đến việc bắt buộc lắp camera an ninh ở nhà riêng lãnh đạo tỉnh, TP với mục đích phòng, chống khủng bố. Vì thế, Tỉnh ủy Sóc Trăng hủy quyết định về việc cấp kinh phí lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng của 12 ủy viên BTV Tỉnh ủy, thu hồi gần 1 tỉ đồng tiền kinh phí là việc làm cần thiết, hợp lý.

Ông Lê Quang Thưởng cho rằng qua vụ việc này, Tỉnh ủy Sóc Trăng phải nghiêm túc kiểm điểm, các địa phương khác cũng phải lấy đó làm bài học kinh nghiệm. "Việc chi tiêu ngân sách cần được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ. Trong trường hợp phát hiện có vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định để không xảy ra các sự việc tương tự" - ông Thưởng đề nghị.

Không có chuyện nhà nước mua tài sản cho công chức

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho rằng theo Luật Cảnh vệ năm 2017, chỉ có các lãnh đạo cấp cao được bảo vệ theo quy định của luật này mới được áp dụng các biện pháp bảo vệ tại nhà riêng. Ngược lại, theo pháp luật hiện hành, không có chuyện nhà nước đứng ra mua tài sản cho gia đình công chức như vụ việc lắp đặt camera ở Sóc Trăng.

Luật sư Lê Thanh Thuận, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau, cho biết thêm rõ ràng việc chi mua camera này là trái quy định. Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng dựa vào Luật Phòng, chống khủng bố để giải thích cho việc lắp đặt camera nhà riêng các vị thường vụ là không thuyết phục, phải nghiêm túc sửa sai. "Việc BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng thống nhất hủy quyết định và thu hồi số tiền đã lắp camera cho 12 cán bộ là hợp lòng dân".

Bỏ tiền túi ra hoàn trả...

Xuất gần 1 tỉ đồng tiền ngân sách để lắp đặt camera ở nhà riêng cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng là việc làm trái pháp luật.

Theo Luật Phòng chống khủng bố và các văn bản liên quan quy định về các biện pháp phòng ngừa khủng bố, chống khủng bố thì không có nội dung nào thể hiện nhà riêng của lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy được sử dụng ngân sách để lắp đặt camera.

Việc lắp đặt camera này cũng không phù hợp với quy định của Luật Cảnh vệ. Theo điều 3 Luật Cảnh vệ, "đối tượng cảnh vệ" gồm: người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng. Điều 10 Luật Cảnh vệ liệt kê chi tiết "đối tượng cảnh vệ", theo đó, những người đang giữ chức vụ chính quyền từ Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ trở lên; đối với người giữ chức vụ trong Đảng là từ Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị trở lên; đối với những vị đã nghỉ hưu phải là nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, với quy định này thì ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy không thuộc diện "đối tượng cảnh vệ"; Ban Thường vụ Tỉnh ủy lại càng không phải đối tượng thuộc diện này.

Việc tỉnh Sóc Trăng sử dụng gần 1 tỉ đồng từ ngân sách để chi phí lắp đặt camera cho các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trong các khoản chi đầu tư của cơ quan Đảng cũng không có khoản nào chi lắp đặt camera như Sóc Trăng "vận dụng".

Sóc Trăng là một trong 3 tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp nhất ĐBSCL. Kinh phí hoạt động hằng năm còn phải xin từ "bầu sữa" trung ương. Đơn cử năm 2018, Sóc Trăng thu ngân 3.803 tỉ đồng, chi ngân sách gần 9.800 tỉ đồng, bội chi tới gần 6.000 tỉ đồng. Nói thế để thấy kinh phí chi của Sóc Trăng phần lớn là dựa vào nguồn phân bổ của trung ương, tức là tiền thuế của doanh nghiệp và người dân cả nước. Trong khi cả nước, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước cũng chưa có "đặc quyền" đó thì Sóc Trăng lại tự cho mình "đặc quyền" được dùng ngân sách để lắp đặt camera. Nếu địa phương nào cũng tùy tiện như Sóc Trăng thì kỷ cương phép nước không còn.

Đã sai thì phải sửa sai. Những cá nhân được lắp đặt camera từ kinh phí nhà nước nên chủ động xuất tiền túi ra để hoàn trả cho ngân sách nhà nước, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân đã tham mưu, ký duyệt văn bản trái luật này.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên