MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hủy niêm yết và trở lại: “Mỗi nhà mỗi cảnh”

Vừa qua, sàn UPCoM đã đón chào sự trở lại của vua tôm Minh Phú sau 2 năm “vắng bóng”. Và không chỉ riêng Minh Phú, thị trường cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp khác từng “rời bỏ” chứng trường để rồi quay trở lại với nhiều hình ảnh khác nhau.

Với trường hợp của CTCP Tập đoàn Minh Phú (HOSE: MPC), cuối tháng 3/2015, gần 2 năm sau khi đưa ra bàn bạc trước ĐHĐCĐ, Công ty chính thức hủy niêm yết trên sàn HOSE với mức giá đóng cửa là 122.000 đồng/cp.

Ở thời điểm đó, phía MPC cho biết, giá trị cổ phiếu trên thị trường hiện không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp, trong khi Công ty đang có nhu cầu tăng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này gây khó khăn trong việc phát hành thêm cổ phiếu của MPC. Do đó, rời sàn HOSE, MPC sẽ tìm đối tác chiến lược, tái cơ cấu tập đoàn và đảm bảo nguồn vốn cho sự phát triển của Công ty.

Kế hoạch là vậy, nhưng trong hơn 2 năm MPC vẫn chưa kịp thực hiện việc tăng vốn và tìm đối tác chiến lược thì đã phải “bất đắc dĩ” quay lại sàn do cơ chế luật của UBCKNN.

Dù không cho thấy sự tăng vốn và tái cấu trúc cổ đông trong suốt 2 năm rời sàn, nhưng MPC ít nhất cũng đã tránh cho cổ phiếu không bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian “giông bão” với kết quả kinh doanh tụt dốc của Công ty.

Năm 2015, năm đầu tiên sau khi rời sàn, MPC báo doanh thu giảm 18% và bất ngờ lỗ ròng gần 7 tỷ đồng. Năm 2016, kết quả kinh doanh của MPC mặc dù có chuyển biến nhưng vãn rất “lẹt đẹt” với doanh thu chỉ 12.064 tỷ đồng và lãi ròng 82 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm ngành tôm nói chung và doanh nghiệp tôm nói riêng bị ảnh hưởng chung bởi giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá tôm lại giảm mạnh.

Vừa qua, MPC thông báo sẽ trở lại sàn UPCoM vào ngày 16/10 với giá tham chiếu 79.000 đồng/cp. Về kế hoạch kinh doanh, năm 2017, Minh Phú đặt kế hoạch kinh doanh đột biến với doanh thu thuần hợp nhất là 15.781 tỷ đồng, lãi ròng là 841 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm trước.

Cũng tương tự MPC, một doanh nghiệp khác cũng “bỏ” HOSE nhằm tái cấu trúc là Beton 6 (BT6). Doanh nghiệp này hủy niêm yết từ cuối tháng 11/2015 với giá 5.500 đồng/cp. Thời điểm đó, BT6 xin hủy niêm yết tự nguyện với lý do tập trung tái cơ cấu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, mặc dù tình hình thời điểm bấy giờ vẫn hết sức khả quan.

“Theo quy định, nếu tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp BCTC trong 3 năm liên tiếp thì chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết”.

Cũng cần lưu ý là BT6 đã từng rơi vào diện có thể bị hủy niêm yết đầu năm 2015 vì chậm nộp BCTC kiểm toán 2012, 2013. Hơn nữa, BT6 cũng tiếp tục chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2014.

Đầu tháng 3/2017, BT6 chính thức được chấp thuận giao dịch trở lại trên UPCoM với giá 9.000 đồng/cp, cao hơn 1,6 lần so với thời điểm hủy niêm yết. Tương tự như MPC, sự tái cấu trúc của BT6 trong hơn 1 năm hủy niêm yết cho thấy đã không thực sự xảy ra.

Cơ cấu cổ đông của BT6 không có sự thay đổi lớn ngoài việc thiếu 1 cổ đông lớn nước ngoài là Mutual Fund Elite từng nắm hơn 5% vốn. Tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của BT6 cũng không có nhiều thay đổi rõ rệt so với trước khi hủy niêm yết. Năm 2016, BT6 ghi nhận lãi ròng giảm mạnh 68% xuống chỉ còn gần 8,7 tỷ đồng.

Cũng theo đuổi giấc mơ tái cấu trúc như 2 doanh nghiệp trên, nhưng những gì diễn ra tại Bao bì Nhựa Tân Tiến (TTP) lại cho thấy một diễn biến khác. Với TTP, câu chuyện tái cơ cấu của TTP dường như đã thành công theo sự kỳ vọng của doanh nghiệp khi rời sàn.

Giữa tháng 10/2015, TTP quyết định hủy niêm yết tự nguyện với giá đóng cửa phiên cuối cùng là 53.000 đồng/cp.

Vào thời điểm TTP thông báo hủy niêm yết, những dấu hiệu của một đợt tái cơ cấu cổ đông của Công ty đã bắt đầu xuất hiện. Khởi đầu của sự thay đổi đó là sự thoái vốn của hàng loạt cổ đông lớn Đại Tân Long hay Thương mại Việt Siêu và xuất hiện loạt cổ đông lớn cá nhân khác.

Sau hủy niêm yết, TTP cho thấy sự tái cấu trúc cơ cấu cổ đông mạnh mẽ. Đến cuối 2015, TTP chỉ còn 3 cổ đông lớn là 2 cá nhân Nguyễn Tấn Bảo và Lê Thanh Hải, cái tên mới là Dongwon Systems Corporations nắm giữ đến 42,36% vốn.

Cho đến cuối năm 2016, Dongwon Systems Corporations được chấp thuận nâng sở hữu tại TTP lên tới 88,16% vốn điều lệ thực góp và 97,83% lượng cổ phiếu lưu hành và trở thành công ty mẹ - cổ đông lớn duy nhất của TTP.

Khác với sự ảm đạm của MPC trong 2 năm rời sàn, năm 2015,2016, TTP đạt kết quả khởi sắc. Trong năm 2015, lãi ròng TTP tăng 81% so với năm trước, đạt 60 tỷ đồng và tiếp tục tăng trưởng 74% đạt 105,5 tỷ đồng.

Mặc dù, đạt những kết quả ấn tượng nhưng sự trở lại trên UPCoM vào đầu năm 2017, với mức giá 47.000 đồng/cp lại không tạo nên nhiều sự hào hứng cho thị trường. Với việc cổ đông mẹ Dongwon Systems Corporations nắm tới gần 98/5 lượng cổ phiếu lưu hành, cổ phiếu TTP giao dịch hầu như không có thanh khoản và hiện đang dừng ở mức 33.000 đồng/cp (phiên 05/10).

Một cái tên khác cũng cần phải kể tới trong câu chuyển hủy niêm yết và trở lại của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là CTCP Thực phẩm Quốc Tế (IFS)- đơn vị sở hữu thương hiệu vang tiếng một thời Wonderfarm.

“Không được” tự nguyện hủy niêm yết như các MPC, BT6 hay TTP, “ông chủ” trà bí đao Wonderfarm phải chịu án hủy niêm yết vào cuối năm 2012, do lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu. Ở thời điểm phải rời HOSE, IFS có khoản lỗ lũy kế lên tới 495 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 381 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là trong suốt thời gian niêm yết, mặc dù ghi nhận thua lỗ mỗi năm nhưng doanh thu của IFS vẫn liên tục tăng trưởng không hề kém so với thời điểm trước khi lên sàn.

Nguyên nhân gây ra thua lỗ chủ yếu đến từ vấn đề kiểm soát chi phí mà điều này xuất hiện kể từ khi IFS rơi vào tay của Kirin Holdings Singapore Pte. Limited (KIRIN) (nắm 95,66% vốn của IFS). Điều này khiến nhiều nhà đầu tư thời điểm đó đặt câu hỏi liệu có hay không IFS đang chuyển giá?

Đầu tháng 11/2016, sau gần 3 năm hủy niêm yết, IFS đã trở lại trên sàn UPCoM với mức 3.000 đồng/cp. Tính đến ngày 05/10/2017, thị giá IFS đã tăng gấp 4 lần và dừng ở mức 12.100 đồng/cp.

Kết quả kinh doanh của IFS cũng có những chuyển biến tích cực khi năm 2016, IFS đạt doanh thu 1.330 tỷ đồng, tăng 4% nhưng đã có lợi nhuận lên tới 43,4 tỷ đồng sau 6 năm thua lỗ liên tiếp.

Năm 2017, IFS đặt mục tiêu doanh thu 1.432 tỷ đồng tăng 8% nhưng lãi ròng dự kiến giảm 63% chỉ đạt 16 tỷ đồng.

Theo Thế Nhất

NDH

Trở lên trên