MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huyện có 2/3 diện tích nằm trên 'kho báu' lớn nhất Việt Nam tương lai khởi sắc nhờ dự án 25.000 tỷ đồng

2/3 diện tích nằm trên "mỏ vàng" nhưng chưa được khai thác đúng mức, huyện miền núi Tây Nguyên quyết tâm khai mở để "hóa rồng".

Sở hữu trữ lượng bô xít "khủng", huyện miền núi Đắk Nông sẽ thành trung tâm công nghiệp nhôm Quốc gia

Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866, Đắk Nông tiếp tục đứng đầu cả nước với tổng trữ lượng quặng bô xít gần 1,8 tỷ tấn (chiếm hơn 57% trữ lượng).

Bô xít là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiềm năng quặng bôxít rất lớn và có chất lượng tốt của vùng Tây Nguyên là lợi thế rất lớn của Việt Nam trong việc tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp khai thác, chế biến bô xít phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Huyện có 2/3 diện tích nằm trên 'kho báu' lớn nhất Việt Nam tương lai khởi sắc nhờ dự án 25.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Đắk Nông tăng tốc giải phóng mặt bằng ở dự án khai thác bô xít. Ảnh: Báo Đắk Nông

Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông trong thời kỳ này khoảng 179.600 hecta, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh và rộng nhất cả nước. Đáng chú ý, Đắk R'lấp - huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Đắk Nông và của Tây Nguyên là nơi có 2/3 diện tích nằm trên mỏ bô xít. Vì vậy, tỉnh này đang triển khai dự án khai thác quặng bô xít, chế biến Alumin ở huyện Đắk R'lấp.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông, Đắk R'lấp là địa phương duy nhất đến thời điểm này của tỉnh Đắk Nông được khai mở "kho báu" bô xít. Nhờ khai thác bô xít, những năm qua kinh tế địa phương phát triển rất mạnh trên mọi lĩnh vực.

Hiện nay, huyện này đang nỗ lực giải phóng mặt bằng để khai thác bô xít hiệu quả hơn. Dự kiến thời gian tới, huyện sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn khoảng 965 ha.

Huyện có 2/3 diện tích nằm trên 'kho báu' lớn nhất Việt Nam tương lai khởi sắc nhờ dự án 25.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Hình ảnh Đắk R'lấp tương lai phát triển thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Với dự án trọng điểm khai thác quặng bô xít, chế biến Alumin, huyện Đắk R'lấp được định hướng đến năm 2030 trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững ở vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa địa phương này trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm và sau nhôm của Việt Nam.

Tỉnh Đắk Nông cũng đặt mục tiêu xây dựng Đắk R'lấp thành thị xã vào năm 2025. Ngoài việc hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của cả nước, quỹ đất sạch sau khai thác bô xít cũng là nguồn tài nguyên thuận lợi để huyện này kêu gọi thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế khác.

Huyện Đắk R'lấp chuẩn bị đón thêm tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia

Với việc Quốc hội thông qua chủ trường đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành quy mô 25.540 tỷ đồng vào ngày 28/6, tương lai phát triển của huyện Đắk R'lấp ngày càng rộng mở.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) tại km1.915 + 900, thuộc địa phận huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8km. Trong đó: chiều dài đường cao tốc khoảng 126,8km; chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa khoảng 2km.

Huyện có 2/3 diện tích nằm trên 'kho báu' lớn nhất Việt Nam tương lai khởi sắc nhờ dự án 25.000 tỷ đồng- Ảnh 3.

Ảnh minh họa cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành bằng ứng dụng AI ChatGPT

Dự án có 27,8km qua địa phận tỉnh Đắk Nông, còn lại 101km đi qua tỉnh Bình Phước. Đầu tư phân kỳ giai đoạn 1, Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng bao gồm 12.770 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đã quyết định áp dụng nhiều chính sách và cơ chế đặc biệt cho dự án trọng điểm quốc gia này, trong đó có việc kéo dài thời gian giải ngân ngân sách được phân bổ từ nguồn thu ngân sách trung ương năm 2022 cho đến hết năm 2026.

Một khi tuyến cao tốc này hoàn thành, việc vận chuyển sản phẩm của các dự án khai thác quặng bô xít, chế biến Alumin ở huyện Đắk R'lấp về TP.HCM, Đông Nam Bộ và các trung tâm công nghiệp khác trên cả nước sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn.

Huyện có 2/3 diện tích nằm trên 'kho báu' lớn nhất Việt Nam tương lai khởi sắc nhờ dự án 25.000 tỷ đồng- Ảnh 4.

Ảnh minh họa cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành chạy qua mỏ bô xít bằng ứng dụng AI ChatGPT

Với việc là điểm đầu của tuyến cao tốc trọng điểm trong Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây, huyện Đắk R'lấp sẽ được liên kết với khu vực kinh tế trọng điểm là Đông Nam Bộ, mở ra khoảng không gian mới và động lực cho sự phát triển ngành công nghiệp khai thác bô xít cũng như sản xuất nhôm.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc này cũng hỗ trợ phát triển ngành du lịch và các ngành công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, qua đó định hình lại bộ mặt kinh tế của huyện Đắk R'lấp, của tỉnh Đắk Nông và của toàn vùng Tây Nguyên.

Theo báo Đắk Nông, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là niềm mơ ước, sự khao khát của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Trong suốt thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã phối hợp tích cực với tỉnh Bình Phước và các bộ, ngành Trung ương để xúc tiến cho dự án này sớm triển khai.

Huyện có 2/3 diện tích nằm trên 'kho báu' lớn nhất Việt Nam tương lai khởi sắc nhờ dự án 25.000 tỷ đồng- Ảnh 5.

Ảnh: Báo Đắk Nông

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) Trần Công Dũng cho biết trên báo Đắk Nông rằng khi có cao tốc sẽ nâng cao vai trò cạnh tranh của cả vùng Tây nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng. “Cao tốc là mơ ước ấp ủ của chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đắk R’lấp nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung nên nhận được sự đồng thuận cao”, ông Dũng nhấn mạnh.

Còn ông Trịnh Đình Đông (người dân trú tại bon Buzarah, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp) chia sẻ: "Có đường cao tốc người dân chúng tôi rất mong chờ, rất mừng. Được cao tốc thì đường trên đất nước Việt Nam mình sẽ giàu mạnh".

Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên