MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huyện đông dân nhất Hà Nội dự kiến ‘cất cánh’ lên quận

Với quy mô dân số hơn 437.308 người, đây là huyện đông dân nhất trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Huyện đông dân nhất Hà Nội dự kiến ‘cất cánh’ lên quận- Ảnh 1.

Huyện Đông Anh, Hà Nội (Ảnh: Báo Người Lao động)

Căn cứ Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên hơn 3.359 km2.

Về phương án phát triển hệ thống đô thị Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 12 quận hiện hữu, định hướng đến năm 2030, TP. Hà Nội dự kiến thành lập 6 quận, thành phố. Trong đó, huyện Đông Anh được dự kiến lên quận.

Bên cạnh đó, Quyết định 1569/QĐ-TTg cũng chỉ rõ, hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị gồm: Đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô.

Huyện đông dân nhất Hà Nội dự kiến ‘cất cánh’ lên quận- Ảnh 2.

Huyện Đông Anh dự kiến lên quận theo Phương án phát triển hệ thống đô thị Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: VPG)

Đông Anh là huyện ngoại thành, cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp huyện Gia Lâm và thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Đông Anh ở phía Tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng; phía Nam tiếp giáp quận Long Biên, quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm; phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn.

Huyện Đông Anh có diện tích tự nhiên là 185,68 km2 và quy mô dân số hơn 437.308 người. Đây là huyện có số dân đông nhất trên địa bàn Thủ đô.

Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án xây dựng vùng huyện Đông Anh được xây dựng như sau: Phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng hiện đại, đẳng cấp quốc tế; trung tâm văn hóa thể thao; phát triển công nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản khu vực Cổ Loa và đầm Vân Trì.

Vùng huyện Đông Anh có vai trò chủ đạo trong việc liên kết với chuỗi đô thị Vĩnh Phúc - Thái Nguyên - Bắc Ninh gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ phía Bắc sông Hồng. Phát triển các đô thị thông minh gắn với mô hình TOD, xây dựng các công trình kiến trúc hiện đại là biểu tượng, điểm nhấn cho không gian đô thị gắn với trục sông Hồng, Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân - Nội Bài. Hình thành các tổ hợp công trình văn hóa, các công viên sinh thái và các hoạt động vui chơi giải trí dọc sông Hồng.

Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hà Nội, ngày 7/1 vừa qua, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết các nhiệm vụ thuộc khối kinh tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Theo báo cáo tại Hội nghị, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện năm 2024 tiếp tục được phát triển, tốc độ giá trị sản xuất các ngành kinh tế đều duy trì tăng trưởng cao hơn năm 2023, cao hơn so với tăng trưởng của Thủ đô và cả nước.

Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn năm 2024 ước tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước; cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành Thương mại - Dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp, phát huy vai trò chủ lực của ngành Công nghiệp - Xây dựng.

Năm 2025, Đông Anh đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 10,1%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 18.211 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 11.383 tỷ đồng.

Huyện phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 ở mức cao nhất; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch Thành phố giao; hoàn thành dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030…

Hà Giang

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên