Huyện nghèo nhất nước thoát nghèo nhờ loại cây này
Từng là một huyện nghèo nhất cả nước, những năm qua, người dân huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã chú trọng phát triển cây đào thành sản phẩm hàng hóa.
- 14-04-2023Một loại cây giúp Việt Nam kiếm nửa tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2023
- 06-02-2023Làm giàu với loại cây 'đếm lá tính tiền' trong dịp rằm, lễ tết
Do giá trị kinh tế từ trồng cây đào mang lại khá lớn nên hiện nay, huyện Ngân Sơn là một trong những địa phương của tỉnh Bắc Kạn có diện tích trồng đào lớn nhất với gần 37ha. Trong đó, thị trấn Nà Phặc có hơn 20ha, xã Vân Tùng hơn 10ha, một số diện tích khác được người dân trồng tại các xã Đức Vân, Bằng Vân…
Thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/hộ
Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, du khách thường đến Ngân Sơn mua cành đào, cây đào hoặc du xuân chụp ảnh lưu niệm tại các vườn đào được người dân trồng tập trung như ở khu vực Pác Ả, thuộc tổ dân phố Bản Mạch, thị trấn Nà Phặc và thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng…
Ông Hoàng Văn SLín, Trưởng thôn Đèo Gió cho biết, khu vực đèo Gió thường có khí hậu mát mẻ vào mùa hè, mùa đông thì hay có sương mù, mưa phùn và nhiệt độ thường thấp hơn so với các nơi ở vùng thấp từ 2 - 3 độ C nên cây đào trồng ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Nhiều năm trở lại đây, các hộ dân của thôn sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 3 đoạn qua thôn Đèo Gió đều đầu tư, bỏ công trồng và chăm sóc đào để bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Nhiều hộ gia đình áp dụng khoa học kỹ thuật tạo cành đào, cây đào thế đẹp bán được giá, mang lại nguồn thu cả chục triệu đồng mỗi vụ.
Hằng năm, vào dịp trước Tết Nguyên đán hơn một tháng, người dân bắt đầu bán những gốc đào to, đẹp, có tuổi đời trên 5 năm cho các thương lái tại các tỉnh miền xuôi.
Còn đào cành chơi Tết sẽ được người dân bán từ đầu tháng 12 âm lịch, nhộn nhịp, sôi nổi nhất là từ mùng 10 đến 25 âm lịch. Đào trồng được hơn 10 năm tuổi thường được bán với giá từ 2 - 2,5 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Còn những gốc trồng từ 1 - 2 năm tuổi có giá khoảng 300.000 - 800.000 đồng/gốc.
Đào đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân huyện Ngân Sơn. Nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng vào dịp Tết.
Đa dạng sản phẩm từ trái đào
Đáng chú ý, hết vụ thu hoạch hoa đào, Ngân Sơn đẩy mạnh phát triển, chế biến quả đào đem về giá trị cao. Vụ đào năm 2023 được thu hoạch với diện tích khoảng 15ha, năng suất 48 tạ/ha; sản lượng 700 tấn; giá bán dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/kg.
Một trong những HTX mạnh dạn chọn đào làm sản phẩm chủ lực để làm thương mại là HTX đào tiên Pác Ả. Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX cho biết, HTX thành lập tháng 9/2022 với 11 thành viên, hiện nay có 10ha đào cho thu hoạch, trồng mới khoảng 20ha. HTX đang tìm hiểu một số quy trình để chế biến quả đào như trà đào, đào sấy dẻo, rượu đào…
Bên cạnh đó, HTX tập trung phát triển du lịch trải nghiệm mùa hoa đào và mùa thu hái quả đào, hiện nay nhiều diện tích đào của thành viên HTX được chú trọng trong chăm sóc. Mọi năm quả đào thường có giá khoảng 30.000 đồng/kg, năm nay do chăm sóc tốt, chất lượng quả to đều, mẫu mã đẹp, nên giá bán đạt 50.000 đồng/kg.
Theo ông Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn: Hiện nay, huyện đang phối hợp với Viện Rau quả Trung ương để phục tráng, bảo tồn giống đào. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận cây đầu dòng, là cơ sở để Ngân Sơn bảo tồn giống đào. Theo đề án bảo tồn, huyện sẽ phát triển thêm 13ha đào, tập trung tại thị trấn Nà Phặc và các xã Vân Tùng, Đức Vân.
Cùng với đó, huyện Ngân Sơn còn định hướng phát triển du lịch trải nghiệm như lễ hội hoa đào; trải nghiệm hái quả đào khi đến vụ. Huyện từng bước xây dựng, phát triển một số HTX theo hướng kinh doanh dịch vụ du lịch như: HTX Đào tiên Pác Ả, HTX du lịch Tiến Thịnh...
Giúp nhiều hộ dân thoát nghèo
Để nâng cao giá trị quả đào, huyện Ngân Sơn tổ chức cho các HTX đi học tập kinh nghiệm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Thời gian tới, huyện định hướng các HTX phát triển thêm những sản phẩm như: Trà đào, rượu đào, đào sấy dẻo...Đặc biệt huyện tập trung chuẩn bị cho lễ hội hoa đào năm 2023. Đây sẽ là điểm nhấn giúp nâng tầm giá trị cây đào Ngân Sơn, đồng thời góp phần phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm của địa phương.
Đồng thời, UBND huyện Ngân Sơn đã ban hành kế hoạch bảo tồn hơn 20ha đào ta đã trồng từ nhiều năm trước và sẽ nhân rộng để người dân thực hiện, bởi ngoài hoa đào nổi tiếng của huyện thì quả đào cũng là một đặc sản của địa phương với vị ngọt, thơm đặc trưng, quả giòn ngon được nhiều người ưa chuộng.
Nhờ những nỗ lực trên, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Ngân Sơn giảm 3,45%, hộ cận nghèo giảm 0,85%.
VTC