Huyền thoại bán khống 'The Big Short': Đồng USD bị cảnh báo 40 năm vẫn giữ nguyên vị thế thống trị, không lý nào khủng hoảng tài chính sắp nổ ra
Nhà quản lý quỹ kỳ cựu nói rằng toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu đang vận hành và hoạt động liên quan đến đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ. Muốn phá vỡ một hệ thống như vậy cần rất nhiều yếu tố.
- 10-09-2024Giữa khủng hoảng kinh tế, một quốc gia tìm thấy ‘kho báu’ khổng lồ, trữ lượng ước tính lớn thứ 4 thế giới, mở ra hy vọng thay đổi vận mệnh đất nước
- 10-09-2024Triệu phú U30 gây ngạc nhiên vì không mua đất tậu nhà: Đây mới là lựa chọn đầu tư tôi đổ của cải vào để ‘tiền đẻ ra tiền’
- 10-09-2024Fed cắt giảm lãi suất 0,5% có thể khiến thị trường rung chuyển: Nhà phân tích lắc đầu “chưa chắc”
Trong lĩnh vực tài chính, có những giao dịch chỉ thực hiện một lần trong đời.
Chẳng hạn như nhà đầu tư siêu giàu Steve Eisman đã kiếm được bộn tiền khi dự đoán trước được bong bóng nhà đất nổ tung. Nhưng ông thừa nhận có thể sẽ không bao giờ làm được như vậy nữa.
Giám đốc điều hành Steve Eisman của quỹ Neuberger Berman trao đổi với Business Insider rằng sẽ không có cuộc khủng hoảng tài chính nào khác xảy ra. Không phải năm nay, không phải năm sau, không phải năm 2026 và cõ lẽ cũng không phải trong thập kỷ tới.
Eisman nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi không còn lo lắng về hệ thống tài chính nữa. Rất nhiều người hoang mang và dường như cho rằng có một cuộc khủng hoảng đang cận kề”.
Steve Eisman từng đưa ra những quyết định bán khống được ghi lại trong cuốn sách nổi tiếng “The Big Short”. Việc bán khống thành công vào giữa những năm 2000 đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Nhưng bên cạnh danh tiếng, sự giàu có và sự tôn trọng, ông cũng gặp phải đôi chút phiền toái. Đó là Eisman luôn nhận được loạt câu hỏi mong muốn ông dự đoán bong bóng tiếp theo sẽ xuất hiện thế nào hoặc khi nào nền kinh tế sẽ sụp đổ.
"Mỗi khi tôi tham gia những chương trình, tôi cảm thấy như họ đang cầu xin tôi hãy dự đoán ngày tận thế một lần nữa", Eisman nói,
Mặc dù nhà quản lý danh mục đầu tư này đã chán ngán khi bị hỏi về bong bóng, ông cho biết ông thích thú hơn là khó chịu. Sự tiêu cực có thể bán được, nhưng Eisman từ chối rao bán nó.
Bong bóng tiếp theo sẽ không xuất hiện?
Các nhà đầu tư sẽ khó có thể theo dõi thị trường mà không bắt gặp những dự đoán bi quan. Những chuyên gia này đưa ra những dự đoán gây chú ý, gây sợ hãi và bám vào chúng cho đến khi chúng thành sự thật. Những cảnh báo này thỉnh thoảng mới được cập nhật dựa trên một số dữ liệu minh chứng cho lập luận của họ.
Một trong những câu chuyện phổ biến nhất của những chuyên gia bi quan là gánh nặng nợ của Mỹ sẽ đè bẹp nước này, gây ra thảm hoạ kinh tế toàn cầu. Trong kịch bản này, đồng USD sẽ bị mất niềm tin, mất đi vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới. Bên cạnh đó, trái phiếu kho bạc Mỹ có thể sẽ mất giá.
Eisman lưu ý rằng những người bi quan đã đưa ra những cảnh báo này trong khoảng 4 thập kỷ qua và chưa có ý định thay đổi quan điểm. Ông tin rằng kịch bản đó là không thực tế. Ông không thể tưởng tượng được yếu tố nào đủ nghiêm trọng để gây ra thảm hoạ như vậy.
Ông nói rằng toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu đang vận hành và hoạt động liên quan đến đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ. Muốn phá vỡ một hệ thống như vậy cần rất nhiều yếu tố. Ông nhận định riêng nợ liên bang không đủ để làm điều đó.
Đồng bạc xanh và nền kinh tế là xương sống của hệ sinh thái tài chính toàn cầu. Nếu tất cả nổ tung, tiền trên thế giới cần đổ đi đâu đó mà Eisman không thể đoán định được.
“Chúng ta sẽ cần một loại trái phiếu chính phủ thay thế cho trái phiếu kho bạc Mỹ. Không phải Trung Quốc, không phải châu Âu, cũng không phải Brazil”. Ông cũng cho biết thêm rằng tiền kỹ thuật số cũng chưa sẵn sàng trở thành một giải pháp quy mô lớn.
Eisman nói thêm: "Bạn không thể xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên một loại tiền tệ lên xuống hàng ngày như một con yo-yo".
Nhà quản lý quỹ kỳ cựu cho biết suy thoái kinh tế cũng không dễ xảy ra. Ông cho biết suy thoái kinh tế thường do một trong ba yếu tố sau gây ra: khủng hoảng ngân hàng; chi tiêu tiêu dùng (chiếm 2/3 GDP của Mỹ) yếu và đầu tư quá mức, đặc biệt vào thiết bị công nghiệp hoặc công nghệ.
Ông chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng tài chính khó có thể xảy ra vì các quy định của ngân hàng hiện đã có hiệu lực, người tiêu dùng cũng không bị gánh nặng nợ nần lớn.
Trong khi đó, một số người so sánh làn sóng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay lớn như làn sóng đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông trong thời kỳ bùng nổ dot-com. Nhưng Eisman cho rằng đó là sự so sánh khập khiễng. AI có thể không còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng ông cho rằng AI còn lâu mới đạt đến đỉnh cao.
Theo BI
Nhịp Sống Thị Trường