Bất chấp áp lực cạnh tranh, "huyền thoại" Pin Con Thỏ vẫn đứng vững sau 6 thập kỷ, mỗi năm báo lãi hàng chục tỷ đồng
Ngày nay, công nghệ hiện đại xuất hiện đồng nghĩa với nhu cầu của xã hội thay đổi, chuyển qua các sản phẩm thay thế như pin sạc, pin ngoại khiến mức độ ưa chuộng cho pin Con Thỏ không còn mạnh mẽ như trước. Tuy nhiên, bất ngờ là việc pin Con Thỏ vẫn không đánh mất thị trường của mình, vẫn sống tốt trong hơn 60 năm qua.
Thương hiệu Pin Con Thỏ từ lâu đã rất đỗi quen thuộc với mọi người, đặc biệt là các thế hệ 7x, 8x. Trong thời kỳ bao cấp trước đây, không ai có thể phủ nhận về độ phủ sóng cũng như sức ảnh hưởng của mặt hàng "công nghệ cao" này. Hình ảnh pin Con Thỏ được xếp vào danh sách các sản phẩm "huyền thoại thời bao cấp", là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Pin Con Thỏ là sản phẩm của CTCP Pin Hà Nội mà tiền thân là Nhà máy Pin Văn Điển – nhà máy công nghiệp hiếm hoi thành lập từ đầu năm 1960, chuyên cung cấp các sản phẩm pin thông dụng phục vụ quốc phòng và dân sinh.
Lãi kỷ lục trong năm 2020, đẩy mạnh xuất khẩu mạnh vào thị trường Braxin
Ngày nay, công nghệ hiện đại xuất hiện đồng nghĩa với nhu cầu của xã hội thay đổi, chuyển qua các sản phẩm thay thế như pin sạc, pin ngoại khiến mức độ ưa chuộng cho pin Con Thỏ không còn mạnh mẽ như trước. Tuy nhiên, bất ngờ là việc pin Con Thỏ vẫn không đánh mất thị trường của mình, vẫn sống tốt trong hơn 60 năm qua.
Cụ thể, năm 2020, doanh thu đạt hơn 357 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 40 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 4,5% và 88% so với năm trước. Năm 2020 cũng được ghi nhận là năm có lợi nhuận lớn nhất của Pin Hà Nội từ trước tới nay.
Nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động của Pin Con Thỏ vẫn đến từ giá nguyên liệu đầu vào là kẽm và mangan điện giải. Theo đó, chủ yếu lãi thu được năm 2020 là từ việc hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng với đại dịch Covid-19, giá kẽm và mangan điện giải giảm, từ đó giảm giá thành sản xuất.
Đóng góp lớn vào doanh thu còn đến từ hoạt động xuất khẩu thông qua sự hỗ trợ từ cổ đông lớn là tập đoàn GP, doanh thu tiêu thụ tại chỗ và qua GP đạt lần lượt 59.223 USD và 3,1 triệu USD. Tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Braxin ấn tượng, tăng 50,6% so với năm 2019. Tuy nhiên dự án xuất khẩu thị trường đầy tiềm năng là Ấn Độ đã phải dừng thực hiện do ảnh hưởng của Covid-19; đồng thời thị trường Lào và Campuchia cũng gặp khó khăn do các hạn chế xuất nhập cảnh và chính sách cách ly.
Trong năm, công ty đã tiến hành chia cổ tức 2 lần với tỷ lệ mỗi lần là 15%, tới đây sẽ trình ĐHĐCĐ về việc chi trả cổ tức đợt 3 là 7%. Tổng mức cổ tức chi trả trong năm 2020 là khá cao với tỷ lệ là 37%.
Đặt mục tiêu lãi gần 35 tỷ đồng trong năm 2021
So với nhiều huyền thoại thời bao cấp khác như Mỳ Miliket, xe đạp Thống Nhất, giày Thượng Đình...kết quả sản xuất kinh doanh của Pin Hà Nội khởi sắc hơn rất nhiều. Bước sang năm 2021, lãnh đạo của Pin Hà Nội vẫn rất thận trọng, bám sát những dự báo về thị trường nhằm đưa ra mục tiêu phù hợp.
Pin Hà Nội đã lên kế hoạch đạt doanh thu 381,2 tỷ đồng, tăng trưởng 6,6% so với năm 2020. Lãi trước thuế thu được ở mức 34,5 tỷ đồng, giảm 30%. Mức cổ tức dự kiến tối thiểu là 25%.
Việc đưa ra mức lãi kỳ vọng giảm cho thấy sự thận trọng của công ty, ý thức được những khó khăn trong thị trường xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch; đồng thời áp lực cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu nội địa.
Về mảng đầu tư, Pin Con Thỏ lên kế hoạch đầu tư 3,22 tỷ từ nguồn vốn tự có của công ty với bốn hạng mục đầu tư dự kiến bao gồm: (1) đầu tư mới máy cắt via, (2) đầu tư mới máy dập đồng xu kẽm, (3) đầu tư máy nén khí, (4) đầu tư mới hệ thống đường ống nước sạch.
Riêng trong quý 1/2021, Pin Con Thỏ đã có doanh thu 90,35 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 9,8 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra năm 2021, công ty đã hoàn thành lần lượt 23,7% chỉ tiêu doanh thu và 28,5% chỉ tiêu lãi trước thuế.
Kết thúc phiên giao dịch 28/4, thị giá cổ phiếu PHN của công ty đạt 32.400 đồng, tăng gần 18% so với đầu năm. Tại mức giá này, vốn hóa Pin Hà Nội đạt 235 tỷ đồng.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị