Hy Lạp dùng "Visa vàng" thu hút đầu tư, người Trung Quốc lập cả Chinatown, châu Âu lo ngại
Nền kinh tế Hy Lạp đang nhận được sự thúc đẩy từ các nhà đầu tư Trung Quốc, tận dụng lợi thế của chương trình "Visa Vàng".
Thu hút nhà đầu tư Trung Quốc
Nhà đầu tư Trung Quốc Jiang Rungong, người chuyển đến Hy Lạp 3 năm trước từ Thượng Hải, cho biết ông và gia đình không thể hạnh phúc hơn trong ngôi nhà mới của họ trên bờ biển Athens.
"Chúng tôi chọn Hy Lạp vì di sản văn hóa, lịch sử, dân chủ, tự do. Chúng tôi thực sự thích bầu không khí ở Hy Lạp. Kể từ khi chúng tôi nhận được visa, chúng tôi đã đi du lịch đến nhiều nước châu Âu. Và mỗi khi chúng tôi trở lại Hy Lạp, khoảnh khắc chúng tôi đặt chân đến sân bay, chúng tôi cảm thấy như đó là ngôi nhà", ông Jiang nói.
Cậu con trai 18 tuổi của ông, Jiang Semniao, đã hoàn thành chương trình học tiếng Hy Lạp chỉ trong 2 năm và đang theo học tại một trường công lập Hy Lạp, mơ ước trở thành công dân Hy Lạp.
Theo thỏa thuận, công dân ngoài EU được cấp giấy phép cư trú 5 năm để đổi lấy khoản đầu tư từ 275.000 USD trở lên vào bất động sản.
Hy Lạp không phải là quốc gia châu Âu duy nhất thực hiện kế hoạch này. Các thành viên EU đang lâm vào khủng hoảng khác như Bồ Đào Nha, đảo Síp và Tây Ban Nha đã đưa ra các ưu đãi tương tự trong nhiều năm. Sau cuộc suy thoái kéo dài hàng thập kỷ của Hy Lạp, giá bất động sản bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại gần đây nhưng vẫn ở mức đáy trong một thời gian dài.
Cho đến nay chương trình Visa Vàng dường như đang có hiệu quả: số giấy phép cư trú được cấp cho các công dân ngoài EU đã tăng 46% vào năm ngoái. Và trong số khoảng 5.300 giấy phép đã được cấp kể từ khi chương trình ra mắt vào năm 2013, hơn 3.400 là cấp cho công dân Trung Quốc, theo dữ liệu thống kê chính thức.
Trung Quốc và Hy Lạp đã và đang xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư ngày càng chặt chẽ hơn một thập kỷ, kể từ khi hai cảng container chính tại cảng Piraeus được bán cho hãng vận tải biển khổng lồ Cosco của Trung Quốc vào năm 2008.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vừa trở về sau chuyến thăm 4 ngày tới Thượng Hải và đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Athens trong chuyến công du 3 ngày vào Chủ nhật.
Chinatown ở Hy Lạp
Các chuyên gia nói rằng người Trung Quốc không chỉ coi Hy Lạp chỉ là một chân bước vào khu vực Schengen đi lại tự do của EU, mà còn thực sự tận hưởng cuộc sống trong ngôi nhà mới của họ.
"Họ thích ở lại Athens và vùng ngoại ô, tạo thành những khu Chinatown nhỏ. Họ đang mua các căn hộ, nơi tất cả các chủ sở hữu đều là người Trung Quốc", ông Anny Averageouli, giám đốc chính sách di cư của một công ty luật Dedes, có một bộ phận đặc biệt chuyên lo thủ tục thị thực vàng dành riêng cho khách hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, Brussels lo lắng về các chương trình thị thực vàng như vậy.
Trong một báo cáo đầu năm nay, Ủy ban châu Âu đã chỉ ra Síp, Bulgaria và Malta, phàn nàn rằng những người nộp đơn cư trú hoặc xin cấp quyền công dân giàu có không phải đối mặt với kiểm tra an ninh và lý lịch đầy đủ. Tuy nhiên, Hy Lạp đang tuyệt vọng tìm cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và nói rằng họ không thể để mất nguồn thu nhập có giá trị.
Theo Ngân hàng Hy Lạp, kế hoạch này dường như đang kích thích thị trường nhà đất chậm chạp trước đây. Ngân hàng trung ương ước tính đã thu hút 469 triệu Euro vốn Trung Quốc vào năm 2018 và 443 triệu Euro chỉ trong nửa đầu năm nay, so với chỉ 77 triệu Euro trong năm 2017.
Và các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ Euro vào tài sản của Hy Lạp kể từ khi chương trình được triển khai, dữ liệu cho thấy.
Bất động sản chỉ là một khía cạnh của sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Athens và Bắc Kinh kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp, đã khiến nước này mất khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hy Lạp cũng đã ký kết tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một chương trình đầu tư toàn cầu trị giá 1 nghìn tỷ USD nhằm vận chuyển hàng hóa Trung Quốc sang các thị trường xa hơn.
Trí thức trẻ