MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hy sinh tăng trưởng để tái cấu trúc nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 5,52% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại, khi chỉ số GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn GDP cùng kỳ năm 2015, từ nay đến cuối năm cần có những giải pháp đột phá và căn cơ nào để đạt mức tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đã đề ra. PV đã có cuộc trao đổi với TS kinh tế Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KHĐT) về vấn đề trên.

TS Lê Đình Ân cho biết: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp giảm 0,78%. Đây là ngành chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực 1, nên kéo chỉ số tăng trưởng xuống thấp. Ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 cũng chỉ tăng 6,82%, trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng trưởng tới 9,66%. Xuất khẩu cũng đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, nhưng 6 tháng đầu năm 2016 cũng chỉ bằng ½ năm 2015. Điều khiến chúng ta cần phải quan tâm, là tăng trưởng đang chậm lại. Nguyên nhân cơ bản là do 4 - 5 năm nay chúng ta hô hào “tái cấu trúc nền kinh tế”, nhưng thực ra chủ trương thì lớn nhưng chưa được triển khai bài bản, chất lượng chưa được bao nhiêu, chủ yếu là che đậy, lấp liếm các khuyết điểm yếu, chưa mổ xẻ đi vào thực chất vấn đề tái cấu trúc và tìm ra một mô hình tăng trưởng. Tăng trưởng vẫn dựa vào xuất khẩu, dựa vào FDI, nếu cái này “tịt” thì tăng trưởng lập tức giảm.

Thưa ông, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong 6 tháng qua nông nghiệp ở mức tăng trưởng âm là do các yếu tố khách quan như: Hạn hán, ngập mặn, cá chết tại 4 tỉnh miền Trung… Ông có cho rằng đó là nguyên nhân chủ yếu?

- Cần phải nói rằng, 6 tháng liền ngành nông nghiệp không tăng trưởng là hiện tượng đáng lo ngại. Vì cốt lõi của vấn đề là sẽ rất khó ổn định đời sống xã hội nếu không tăng trưởng được nông nghiệp. Các nguyên nhân nêu trên chỉ mang tính tạm thời. Cần phải thẳng thắn nhìn nhận là ngành nông nghiệp hiện nay đang rất lúng túng trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm. Lúa gạo và thủy sản là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhưng cũng chưa có chiến lược xuất khẩu ổn định và đầu ra rõ ràng, nên cứ động đến đâu là tắc tới đó. Chất lượng không đảm bảo, thị trường không ổn định.

Thủy sản cũng như vậy, không có được chiến lược tập trung vào con gì, thị trường nào để ổn định chiến lược và đầu tư tập trung vào đó. Điều cơ bản nữa là đầu tư cho nông nghiệp quá ít, hướng đầu tư cho nông nghiệp không rõ ràng. Tôi cho rằng đưa DN vào lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo được sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, tức là DN tham gia từ đầu đến cuối vào quy trình sản xuất - chế biến - xuất khẩu, tạo chuỗi giá trị bền vững và ổn định. Đây là hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại cần thực hiện sớm chừng nào hay chừng đó. Vì nếu nông nghiệp Việt Nam còn phát triển theo kiểu 95% sản xuất tư nhân thì không thể phát triển được.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7%, trong 6 tháng cuối năm các ngành cần dốc toàn lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trong đó phải đặc biệt tập trung đẩy mạnh vụ hè thu và vụ 3 tại khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, khai thác dầu thô cũng phải tăng vượt 2 triệu tấn so với kế hoạch đặt ra là 14,2 triệu tấn…?

- Tôi không hoàn toàn đồng tình với giải pháp khai thác dầu để bù vào phần GDP thiếu hụt! Từ trước đến nay, cách làm này như “lối mòn” lặp đi lặp lại. Những giải pháp nêu trên chỉ đạt được ý nghĩa là “làm đẹp con số”, không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Chưa kể đến, trước đây giá dầu thô cao, trữ lượng các mỏ đang dồi dào, kỹ thuật khai thác tốt, thì tăng cường khai thác dầu thô là giải pháp tốt. Nhưng nay giá dầu thế giới đã giảm chỉ còn một nửa, các mỏ đã cạn dần tài nguyên, muốn khai thác đạt hiệu suất cao sẽ phải đầu tư vốn, nâng cao kỹ thuật, công nghệ khai thác hiện đại rất tốn kém, trong khi đó, tại thời điểm này, đầu tư lãng phí là điều tối kỵ. Tôi cho rằng, mức tăng trưởng GDP từ 6,3 - 6,5% như hiện nay đã là rất tốt. Tại thời điểm này, không phải là thời điểm thích hợp để bằng mọi giá đẩy GDP lên cao hơn nữa, mà quan trọng nhất là phải cái cấu trúc nền kinh tế. Chúng ta phải dũng cảm hy sinh tăng trưởng để tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng tập trung, hợp lý và bền vững.

Để tăng trưởng, chúng ta cần tập trung giải ngân vốn trong nước, vốn ODA, vốn FDI. Muốn vậy phải cải cách thủ tục hành chính, tạo nguồn lực cho xã hội. Thứ ba, phải đẩy mạnh xuất khẩu, khẩn trương tìm thị trường ổn định, bền vững. Để hỗ trợ xuất khẩu, có thể nghiên cứu khả năng “phá giá” đồng Việt Nam, tức là tăng biên độ tỉ giá VND và USD khoảng 2 - 3%. Trong tình hình hiện nay, điều này là phù hợp và nên làm.

Có ý kiến cho rằng, một phần tăng trưởng chậm lại là do cơ cấu thu/chi ngân sách hiện nay chưa phù hợp. Để đạt được mức tăng trưởng GDP bền vững, cần những giải pháp căn cơ nào, thưa ông?

- Đúng vậy, nguồn thu ngân sách đã ít, mà cơ cấu thu không phù hợp. Ví dụ, các địa phương năm nào cũng vượt, mà vượt rất cao là do được giao chỉ tiêu thấp, chưa sát thực tế. Trong khi đó xuất khẩu đã ít nhưng lại dồn tập trung vào thu xuất khẩu, năm sau thu cao hơn năm trước. Cơ cấu chi hiện nay cũng bất hợp lý, làm không đủ ăn, thu không đủ chi.

Để đạt mức tăng trưởng, chúng ta cần xem lại nhiều vấn đề, trong đó bao gồm vấn đề tổ chức, cơ cấu nhân sự. Bộ máy của chúng ta đang phình ra quá mức. Năm nào cũng nói phải tinh giản biên chế, nhưng thực tế tinh giản được bao nhiêu? Giải pháp mỗi năm giảm theo tỉ lệ % là chưa hợp lý. Mà phải rà soát lại các bộ máy, giảm bớt cơ cấu tổ chức, ví như các bộ phận chức năng như: Thi đua khen thưởng, pháp chế, tổ chức… thì không cần phải tổ chức thành cục, vụ, mà chỉ cần thành lập phòng là đủ. Mặt khác, cần tăng thu, không thể để nợ công ở mức 83 nghìn tỉ, mà nợ thuế lên đến 30 nghìn tỉ. Ngoài ra, cần giảm chi triệt để, tuyệt đối hạn chế các lễ hội, khai trương, xây dựng trụ sở, mua sắm công…

- Xin cảm ơn ông!

Theo Khánh Vũ

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên