MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hyundai: Từ xưởng lắp ráp thuê cho Ford, trở thành tập đoàn ô tô lớn thứ 4 thế giới

25-08-2017 - 09:25 AM | Tài chính quốc tế

So với các hãng ô tô hàng đầu thế giới khác, Hyundai được xem là khá non trẻ khi chỉ mới thành lập vào năm 1967. Sau chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc nhận được sự viện trợ từ Mỹ và Hyundai ra đời với mục tiêu chính là hỗ trợ lắp ráp xe cho Ford.

Và chưa đầy 50 năm sau, Hyundai đã chính thức vượt mặt Ford để trở thành công ty sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau ba gã khổng lồ khác là Toyota (Nhật), Volkswagen (Đức) và General Motor (Mỹ).

Với trụ sở đặt tại Seoul, Hyundai hiện đang vận hành nhà máy ô tô lớn nhất thế giới tại Hàn Quốc với khả năng sản xuất hơn 1,6 triệu xe mỗi năm. Hyundai cũng đang sở hữu hơn 75.000 nhân sự trên khắp thế giới và niềm tự hào của Hàn Quốc này đang xâm chiếm hơn 193 thị trường thông qua hơn 6.000 showroom khác nhau.

Trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm của các hãng ô tô khác trong những năm gần đây, Hyundai liên tục phát triển và mang về nhiều kết quả ấn tượng. Vào năm 2008, công ty này chỉ đứng thứ 8 trên thế giới, nhưng đến năm 2015, Hyundai đã bán được 7.988.479 xe và vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới.

Thêm vào đó, Hyundai không chỉ dừng lại ở sản xuất ô tô, tập đoàn Hàn Quốc này còn phát triển và kinh doanh cả thang máy, tàu biển, thiết bị điện và những dịch vụ khác như bảo hiểm và Logistics.

Đứng sau sự thành công đó, không thể phủ nhận đóng góp to lớn của Chuỗi cung ứng Hyundai, một trong những vũ khí cạnh tranh chính của kẻ khổng lồ trẻ tuổi này.

Từ việc sản xuất theo yêu cầu khách hàng

Nếu bạn có dịp vào một trong những trang web của Hyundai, công ty này cho phép khách hàng được tự thiết kế chiếc xe mong muốn của mình từ những mẫu có sẵn. Sau khi chọn đời xe, bạn có thể lựa chọn từ màu sắc bên ngoài đến cả nội thất bên trong.

Một điểm khác biệt nữa mà Hyundai áp dụng trong sản xuất là khách hàng có thể chọn các loại tay lái khác nhau, kích cỡ, chất lượng và màu sắc đều theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra thì bạn còn có thể thay đổi hoặc thêm các phụ kiện trong xe, từ thảm lót chân cho đến đệm cổ …

Tất cả các dịch vụ này đòi hỏi chuỗi cung ứng của Hyundai phải quản lý tồn kho, sản xuất và vận chuyển cực tốt để luôn cung cấp được những chi tiết mà khách hàng mong muốn, tối thiểu hóa các trường hợp thiếu hàng hay trễ ngày giao ....

Cho đến tấn công các thị trường qua hệ thống đối tác

Hyundai hợp tác với một mạng lưới nhà cung cấp và phân phối khổng lồ để tăng hiệu quả và đáp ứng được tiêu chuẩn của công ty cũng như của khách hàng. Tiêu biểu như tại thị trường Bắc Mỹ, Hyundai hợp tác với công ty Hankook Logitech để quản lý mọi công tác vận chuyển cho thị trường này. Chỉ tính riêng năm 2003, Hankook Logitech đã giúp Hyundai nhập khẩu hơn 700.000 xe để cung ứng cho hơn 1.200 điểm bán lẻ khác nhau.

Với hệ thống thuê ngoài, Hyundai có thể chủ động sử dụng các phương thức sản xuất đẩy và kéo để gia tăng doanh thu.

Và để tấn công nhiều thị trường với hiệu quả cao nhất, Hyundai ưu tiên hợp tác với những công ty có lợi thế tại khu vực, nhưng đồng thời gia tăng tính phức tạp của chuỗi cung ứng khi có quá nhiều bên khác nhau tham gia, buộc chuỗi cung ứng của Hyundai phải quản lý tốt cả hệ thống bên trong và các đối tác bên ngoài.

Và vũ khí bí mật của Hyundai: Công ty Logistics Hyundai Glovis

Hyundai Glovis làm chấn động ngành hàng hải quốc tế khi xuất hiện với sự “chống lưng” của mảng kinh doanh ô tô đang phát triển mạnh mẽ từ tập đoàn mẹ.

Hàng hải quốc tế là một ngành rất khó tham gia khi rào cản số vốn gia nhập thị trường cực cao, nhưng trái với dự tính của nhiều người, Hyundai Glovis không chỉ kinh doanh dịch vụ logistics thông thường, công ty này đã liên tục gia tăng đội tàu của mình từ 5 chiếc vào năm 2010 lên tới 72 chiếc vào năm 2016, một sự phát triển vô tiền khoán hậu trong ngành.

Được thành lập tại Seoul vào năm 2001, thời gian đầu Hyundai Glovis chỉ tập trung vào vận chuyển nội địa cho các thành phẩm của tập đoàn mẹ. Không lâu sau đó, Hyundai Glovis bắt đầu mở rộng ra thị trường toàn cầu với các phòng ban vận chuyển quốc tế, thương mại, kinh doanh xe đã qua sử dụng và công nghệ thông tin.

Vào 2010, Hyundai Glovis mở thêm phòng ban vận chuyển quốc tế chuyên vận chuyển hàng rời, chất lỏng và đặc biệt là xe ô tô.

Hyundai Glovis đóng vai trò là một công ty cung cấp dịch vụ bên thứ ba, hoàn toàn tách biệt với mảng kinh doanh của tập đoàn mẹ khi Hyundai chỉ sở hữu dưới 5% cổ phẩn. CEO của Hyundai Glovis cho biết: “Khi tranh chấp các hợp đồng và dịch vụ vận chuyển từ tập đoàn mẹ Hyundai, chúng tôi đứng với vai trò là một người cung cấp dịch vụ thật sự, và những hợp đồng chúng tôi giành được đều nhờ vào tính linh hoạt và sự tăng trưởng vượt bậc của chính mình.”

Và Hyundai Glovis được tập đoàn Hyundai sử dụng như một vũ khí để gia tăng tính cạnh tranh và chất lượng của các nhà thầu Logistics còn lại. Hyundai Glovis còn đóng vai trò là nhà cung ứng ở một số thị trường khi đảm nhiệm tất cả các trọng trách từ sản xuất đến kinh doanh và vận chuyển đến tay khách hàng.

Ngoài ra, Hyundai Glovis còn phụ trách vận chuyển các phụ tùng thay thế của Hyundai đến khắp thế giới, mảng dịch vụ có yêu cầu về thời gian và độ chính xác cực cao.

Hyundai Glovis tự hào có thể cung cấp thông tin tức thì cho mọi dịch vụ vận chuyển, cho phép tập đoàn mẹ Hyundai có thể vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng kịp lúc.

Kết luận

Hyundai ngày nay vẫn đang phát triển và giữ vững các thế mạnh trên để vượt qua đối thủ, có lẽ nguy cơ lớn nhất của Hyundai hiện giờ không phải là các ông lớn khác mà là trọng trách quản lý một hệ thống chuỗi cung ứng phức tạp trên. Ngoài gia tăng doanh thu, Hyundai còn phải lưu tâm đến tính hiệu quả và sự hài lòng của khách hàng. Liệu niềm tự hào của Hàn Quốc này còn tiếp tục phát triển? Có lẽ chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi này.

Theo Lê Thanh Sang

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên