ICT muốn bán công ty trung gian thanh toán CTIN Pay
CTIN Pay là công ty con do ICT sở hữu 100% vốn, đã được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào tháng 10/2020.
- 16-05-2022Bàn giải pháp đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng ICT trong chuyển đổi số
- 09-03-2022FPT Smart Cloud được vinh danh tại World Mobile Broadband & ICT 2022
- 30-12-2021Thí điểm Mobile Money, hiện tượng "tỷ đô" Axie Infinity và những sự kiện ICT nổi bật nhất 2021
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Viễn thông – Tin học Bưu điện (CTIN – Mã CK: ICT) vừa thông qua việc bán 100% vốn của ICT tại Công ty TNHH MTV Thanh toán Viễn thông Tin học Bưu điện (CTIN Pay).
Việc bán vốn tại CTIN Pay sẽ được ICT thực hiện đấu giá công khai theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Giá khởi điểm cho thương vụ này chưa được tiết lộ. Thời gian đấu giá dự kiến trong quý 4/2022.
CTIN Pay là công ty con duy nhất của ICT do ICT sở hữu 100% vốn điều lệ (50 tỉ đồng). Công ty này được thành lập từ tháng 9/2016 nhằm phục vụ việc kinh doanh các sản phẩm giá trị gia tăng của ICT có liên quan đến hoạt động trung gian thanh toán.
Đến tháng 10/2020, CTIN Pay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số 72/GP-NHNN. Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2021 của ICT cho biết, CTIN Pay vẫn chưa phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính.
“Kết quả kinh doanh của CTIN Pay chưa đáng kể nên về cơ bản kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất không khác biệt nhiều so với kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ”, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của ICT cho hay.
Cùng ngày chốt việc bán vốn tại CTIN Pay, HĐQT ICT cũng thông qua việc chi trả cổ tức còn lại năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 3,5% (1 cổ phiếu nhận 350 đồng cổ tức). Danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức sẽ được chốt vào ngày 14/10/2022.
Thành lập từ năm 2001, ICT là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện các dự án mạng di động tại Việt Nam, chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực dịch vụ xây lắp, tích hợp hạ tầng cơ sở mạng di động cho các nhà khai thác viễn thông như: Vinaphone, Mobifone và Viettel.
Tính đến ngày 30/6/2022, ICT có quy mô vốn điều lệ 321,85 tỉ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với tỷ lệ sở hữu 31,43% vốn cổ phần.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của ICT đạt 684,4 tỉ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 86,7% so với cùng kỳ, xuống còn 3,8 tỉ đồng.
Năm 2022, ICT đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.292 tỉ đồng và lãi sau thuế 72,1 tỉ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành được 30% kế hoạch doanh thu và 5,3% mục tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ICT đạt 1.543,8 tỉ đồng (giảm 26,6% so với đầu năm), chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn (755,2 tỉ đồng) và hàng tồn kho (341,1 tỉ đồng). Lượng tiền và tương đương tiền của ICT là 193 tỉ đồng, giảm 57,8% so với đầu năm.
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của ICT đạt 886,8 tỉ đồng, giảm 36,2% so với đầu năm. Trong đó, số dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm hơn một nửa xuống còn 233,8 tỉ đồng, chiếm 15% tổng nguồn vốn./.
Viettimes