MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IFRS 15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam (tiếp)

09-07-2021 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

IFRS 15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam (tiếp)

Doanh thu là phần tốn nhiều thời gian và công sức nhất trong quá trình chuyển đổi từ VAS sang IFRS. Tuy nhiên, nếu nhà điều hành coi trọng con số này, thời gian và công sức bỏ ra là xứng đáng.

Phần 2 – Thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

Các qui định về ghi nhận doanh thu của VAS được xây dựng theo các chuẩn mực và diễn giải trước đây của IASB. Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) hiện nay, sự khác biệt trong ghi nhận doanh thu sẽ giống như sự khác biệt giữa chuẩn mực doanh thu cũ IASB và IFRS 15 đã đề cập đến ở kì trước.

Trong bối cảnh các công ty đại chúng ở Việt Nam sẽ phải chuyển sang công bố báo cáo tài chính theo IFRS muộn nhất năm vào 2025, đâu là khác biệt mà các nhà điều hành, đầu tư hay phân tích tài chính cần quan tâm?

IFRS 15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam (tiếp) - Ảnh 1.

Một số thay đổi tiêu biểu

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Thành viên điều hành, Dịch vụ Tư vấn Kế toán và Báo cáo Tài chính tại KPMG Việt Nam chia sẻ: Khác biệt lớn nhất và phổ biến nhất đến từ các hợp đồng có nhiều nghĩa vụ thực hiện. Ví dụ như ngành viễn thông với gói điện thoại kèm dịch vụ, hoặc gói gồm nhiều dịch vụ kết hợp; ngành hàng không với các chương trình tích lũy điểm hay kỳ nghỉ trọn gói. Hợp đồng kiểu này còn phổ biến ở rất nhiều ngành khác, như chương trình mua hàng tặng hàng hoặc dịch vụ miễn phí, các chương trình tích điểm, các hợp đồng bán hàng kèm giao hàng miễn phí.

Đối với các hợp đồng kiểu như trên, chuẩn mực cũ không tách hợp đồng thành các nghĩa vụ thực hiện khác nhau. Doanh thu được ghi nhận toàn bộ khi sản phẩm, được xem là sản phẩm chính, được thực hiện. Các chi phí thực hiện các sản phẩm kèm theo, trong trường hợp các sản phẩm này chưa được thực hiện, sẽ được trích trước. IFRS 15 tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác. Các sản phẩm kèm theo được xem là các nghĩa vụ thực hiện tách biệt với sản phẩm chính và theo đó có doanh thu đi kèm. Doanh nghiệp sẽ phải phân bổ tổng giá trị hợp đồng vào các nghĩa vụ thực hiện và chỉ ghi nhận doanh thu khi nghĩ vụ thực hiện tương ứng được hoàn thành. Theo cách tiếp cận mới này, một phần doanh thu thường được ghi nhận chậm hơn.

IFRS 15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam (tiếp) - Ảnh 2.

Một khác biệt khá phổ biến khác là sự tồn tại của các cấu phần tài chính. Về bản chất, cấu phần tài chính là việc hỗ trợ vốn cho một bên trong hợp đồng cung cấp sản phẩm. Ví dụ, khi hợp đồng qui định khách hàng thanh toán trước thời điểm nhận được sản phẩm, khách hàng thực chất đang hỗ trợ vốn cho nhà cung cấp ngoài giá trị phải trả cho sản phẩm. Ngược lại, khi khách hàng được thanh toán chậm hơn hẳn so với thời điểm nhận sản phẩm, khách hàng được nhà cung cấp hỗ trợ vốn. Để phản ánh đúng mỗi giao dịch một cách khách quan, không thể có hỗ trợ miễn phí. Bên hỗ trợ sẽ phát sinh thu nhập và bên được hỗ trợ phát sinh chi phí. Việc giá trị hợp đồng không đề cập đến cấu phần tài chính có nghĩa là cấu phần tài chính nằm ẩn trong tổng giá trị hợp đồng và do đó, cần được tách ra và hạch toán riêng. Cấu phần tài chính này ảnh hưởng khá lớn trong ngành bất động sản và xây dựng.

Một vấn đề nữa mà VAS chưa xử lý là vấn đề chủ thể hay đại lý, vốn đã được đề cập khá kỹ trong IFRS. Chủ thể hay đại lý mô tả vai trò và mối quan hệ của bên phân phối trung gian trong chuỗi phân phối sản phẩm. IFRS 15 đã đưa ra những tiêu chí rõ ràng để xác định nhà phân phối là chủ thể hay đại lý.

IFRS 15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam (tiếp) - Ảnh 3.

Tuy nhiên, việc xác định là chủ thể hay đại lý không hề dễ, vì thực tế rất đa dạng, và các điều khoản hợp đồng không phải lúc nào cũng có sự khác biệt rõ ràng. Vậy tại sao phải xác định? Vì IFRS 15 yêu cầu chủ thể hạch toán doanh thu và chi phí trên cơ sở gộp và đại lý hạch toán trên cơ sở thuần. Như vậy, nếu nhà phân phối hiện đang hạch toán mua/bán trên cơ sở gộp theo VAS, nhưng xét đến các điều khoản hợp đồng, doanh nghiệp này đóng vai trò đại lý, họ sẽ phải chuyển sang hạch toán thuần khi chuyển sang áp dụng IFRS. Vấn đề chủ thể hay đại lý không chỉ ảnh hưởng đến cách hạch toán của nhà phân phối, mà có thể còn ảnh hưởng đến cách hạch toán của nhà cung cấp.

Trên đây chỉ là một số trường hợp tiêu biểu. Thực tế phân tích cho thấy hầu hết các mảng kinh doanh đều có các khác biệt giữa cách thức ghi nhận doanh thu theo VAS hiện nay và theo IFRS 15; nhiều trường hợp làm giảm đáng kể số doanh thu trình bày trên báo cáo tài chính.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Trước hết, họ cần biết các khác biệt nằm ở chỗ nào, và ảnh hưởng tới con số doanh thu là bao nhiêu. Sau đó, họ cần xử lý các khác biệt trên hai phương diện:

Phương diện kế toán: xem xét lại qui trình hạch toán để đảm bảo hệ thống kế toán ghi lại được các tham số cần thiết nhằm thực hiện cách tiếp cận 5 bước trình bày ở trên; xây dựng các mô hình tính toán cần thiết.

Phương diện kinh doanh: xem lại các điều khoản hợp đồng bán hàng nhằm xác định các điều khoản mấu chốt có ảnh hưởng đến cách thức ghi nhận doanh thu. Xem xét khả năng thay đổi các điều khoản đó nhằm ghi nhận doanh thu phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp và kỳ vọng của thị trường. Phần này đôi khi dễ bị bỏ qua do lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng cho rằng việc chuyển đổi sang IFRS là vấn đề kế toán. Điều này có thể khiến cho doanh nghiệp bỏ qua cơ hội thay đổi điều khoản kinh doanh để giảm thiểu tác động không mong muốn trên số doanh thu do áp dụng chuẩn mực mới. Xin xem thêm trong bài viết Chuyển đổi sang IFRS – Có phải là trách nhiệm của riêng kế toán?

Có thể nói Doanh thu là phần tốn nhiều thời gian và công sức nhất trong quá trình chuyển đổi từ VAS sang IFRS. Tuy nhiên, nếu nhà điều hành coi trọng con số này, thời gian và công sức bỏ ra là xứng đáng.

IFRS 15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam (tiếp) - Ảnh 4.

Bài viết tham khảo ý kiến chuyên gia ông Nguyễn Thanh Nghị - Thành viên điều hành, Dịch vụ Tư vấn Kế toán và Báo cáo Tài chính tại KPMG Việt Nam. Trong 22 năm làm việc tại KPMG Việt Nam, ông Nghị đã tư vấn về Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) cho nhiều doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam. Đọc các phân tích chuyên sâu khác và tìm hiểu các workshop về áp dụng IFRS tại Việt Nam tại website ifrsacademy.vn

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên