Imexpharm (IMP): 2 tháng đầu năm doanh thu tăng gần 8%, riêng kênh OTC tăng mạnh do người dân mua thuốc dự trữ giữa mùa dịch COVID-19
Mặc dù thời gian gần đây chịu áp lực chung khiến IMP giảm về mức 44.000 đồng/cp, phía Imexpharm vẫn kỳ vọng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cổ phiếu dược phẩm được quan tâm nhiều bởi xu hướng ngành chung và là cổ phiếu có tính phòng thủ tốt.
CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 2/2020 với tổng doanh thu và thu nhập hơn 162 tỷ, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu thuần tăng 7,6%. Ghi nhận, hàng Imexpharm vẫn chiếm tỷ trong cao 86% trong cơ cấu doanh thu, song song hàng nhượng quyền tăng trưởng mạnh 53% lên 19,4 tỷ đồng.
Mặt khác, tỷ trọng kênh OTC:ETC tính đến tháng 2 là 79,5% và 20,5%. Tỷ trọng kênh ETC bị giảm trong cơ cấu doanh thu do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán nhưng bù lại OTC tăng trưởng nhanh trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, tâm lý người tiêu dùng có xu hướng tăng cường tích trữ thuốc men.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Công ty tăng 1,6% so với năm 2019. Nhìn chung, tình hình kinh doanh của IMP trong 2 tháng đầu năm 2020 ổn định, tăng trưởng không cao so với năm 2019 nhưng nguyên nhân khách quan do đây là giai đoạn có nhiều kỳ nghỉ dài, cộng vào đó là việc hạn chế đi lại do dịch COVID-19.
Kiểm soát nguyên vật liệu ứng phó tình trạng thiếu hụt do COVID-19
Lên kế hoạch cho tháng tiếp theo, Công ty tiếp tục kiểm soát tình hình nguyên vật liệu tồn kho để có những kế hoạch ứng phó kịp thời với khả năng thiếu hụt nguyên vật liệu có thể xảy ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đồng thời, Imexpharm sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động để đảm bảo hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra trong năm 2020, đặc biệt là mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đã được HĐQT nhất trí thông qua trình ĐHĐCĐ.
Năm 2020, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.750 tỷ, lợi nhuận trước thuế 260 tỷ đồng, lần lượt tăng khoảng 23% và 28% so với thực hiện năm 2019. Tại Đại hội sắp tới, HĐQT IMP cũng sẽ thông qua báo cáo tiến độ dự án Nhà máy Công nghệ cao Bình Dương (IMP4) đến 31/12/2019, dự kiến sẽ được xét tiêu chuẩn EU-GMP cuối quý 1/2020.
Bên cạnh đó, HĐQT thống nhất việc ủy quyền cho Tổng Giám đốc nhận hạn mức tín dụng dưới hình thức tín chấp tại các ngân hàng thương mại năm 2020 với tổng hạn mức 300 tỷ đồng.
Lợi thế bởi tiêu chuẩn EU-GMP, cùng với rủi ro trước dịch bệnh giúp cổ phiếu IMP được quan tâm
Về ngành dược, Chính phủ đã ban hành Thông tư 15 (có hiệu lực từ tháng 10/2019) nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ thuốc ngoại sang thuốc nội, thông qua các thay đổi có lợi cho các cơ sở sản xuất tiêu chuẩn EU-GMP.
Kết quả, doanh nghiệp trong nước với dòng sản phẩm tiêu chuẩn EU-GMP sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi trên. Với cùng một tiêu chuẩn, cụ thể là EU-GMP, thuốc Việt Nam rẻ hơn 20-30% do chi phí lao động, xây dựng và vận hành nhà máy thấp hơn so với các nước phát triển.
Trong số các công ty dược niêm yết, IMP là một trong hai doanh nghiệp có nhà máy theo tiêu chuẩn EU-GMP; trong khi nhà máy mới của Dược Bình Định (DBD) vẫn đang chờ được phê duyệt tiêu chuẩn EU-GMP. Giới phân tích cũng khác lạc quan rằng kế hoạch này có thể đạt được khi cả 4 nhà máy đồng thời có doanh thu từ năm 2021.
Chuyển biến mới từ chính sách của ngành dự kiến mang lại một giai đoạn mới cho IMP, khi Công ty có lợi thế về tiêu chuẩn EU-GMP. Cổ phiếu IMP thời gian gần đây cũng được củng cố giá trị. Mặc dù thời gian gần đây chịu áp lực chung khiến IMP giảm về mức 44.000 đồng/cp, phía Imexpharm vẫn kỳ vọng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cổ phiếu dược phẩm được quan tâm nhiều bởi xu hướng ngành chung và là cổ phiếu có tính phòng thủ tốt.
Trí Thức Trẻ