IMF cảnh báo các chính phủ không gây thêm sóng gió khi kinh tế toàn cầu đang chao đảo
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không làm con thuyền chòng chành hơn khi các cuộc chiến thương mại và các tranh chấp đang khiến kinh tế toàn cầu thực sự lao đao.
- 12-04-2019IMF cảnh báo: 70% nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm, mức tồi tệ nhất trong 8 năm qua
- 11-04-2019IMF nói gì về triển vọng kinh tế Trung Quốc?
- 27-01-2019Giám đốc IMF: “Kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhanh mới là điều đáng lo!”
- 14-10-2018Quan chức IMF: Tỷ giá Nhân dân tệ hiện nay “nhìn chung hợp lý”
- 09-10-2018Chủ nghĩa Bảo hộ, Trade War khiến IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu
"Chúng tôi nhìn thấy những rủi ro, đồng nghĩa với việc mọi người nên rất cẩn thận. Với căng thẳng thương mại, không thể biết các chính sách tiền tệ sẽ đi về đâu, không thể biết Trung Quốc sẽ tăng trưởng ra sao. Đây là lúc các nhà hoạch định chính sách không nên có những bước đi khiến mọi thứ tồi tệ hơn", David Lipton, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, cho hay.
Lipton cũng kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác giải quyết xung đột thương mại, rủi ro tài chính mà IMF đã nhiều lần cảnh báo kể từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu áp dụng các biện pháp đánh thuế nhập khẩu hồi năm ngoái.
Mối đe dọa từ những sai lầm chính trị đang xuất hiện trên nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh những phản ứng mạnh mẽ với thương mại tự do cùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy trên toàn thế giới. Tuần này, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 1 thập kỷ trước đó. Điều kiện tồi tệ hơn ở hầu hết các nền kinh tế hàng đầu là nguyên nhân.
Chiến tranh thương mại
Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài gần một năm qua. Các cuộc đàm phán căng thẳng đang tiến triển tốt nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc thỏa thuận, hậu quả sẽ khôn lường khi Bắc Kinh chọn hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và loại bỏ hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á khác, Changyong Rhee, người đứng đầu bộ phận châu Á – Thái Bình Dương của IMF, cảnh báo.
Trong khi đó, những cuộc chiến tranh thương mại khác có thể nổ ra. Liên minh châu Âu (EU) có thể là nạn nhân tiếp theo khi Mỹ đang xem xét các khoản đánh thuế trị giá 11,5 tỷ USD nhằm trả đũa các hoạt động bảo trợ cho Airbus, công ty đối thủ của Boeing.
Theo đó, Mỹ đang xem xét đánh thuế hàng loạt hàng hóa của EU, từ máy bay trực thăng đến phô mai. Việc Mỹ khiếu nại những khoản trợ cấp của EU cho Airbus đã có từ 14 năm trước nhưng Washington có vẻ đang đẩy áp lực để buộc WTO sớm đưa ra phán quyết cuối cùng. Ông Trump cũng nhấn mạnh ông sẽ chờ phán quyết của WTO trước khi đưa lệnh trừng phạt vào thực tế.
Trước câu hỏi về những căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương, ông Pierre Moscovici, Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế, nhấn mạnh rằng đây là lúc để Mỹ và EU hạ nhiệt và tránh xa một cuộc chiến thương mại. Thật vô lý khi Mỹ coi EU là một mối đe dọa như Trung Quốc, Moscovici nhấn mạnh.
Khủng hoảng Brexit
Kinh tế châu Âu đang không khỏe. Trong khi đó, Anh rời EU tiếp tục gặp sóng gió. Vương quốc Anh dự định rời EU vào ngày 29/3 nhưng những lần bỏ phiếu thất bại dường như cho thấy một quá trình Brexit không thỏa thuận có thể diễn ra. Theo kế hoạch mới nhất, Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 nhưng những bất đồng trong chính phủ có thể tiếp tục gây ra những khó khăn.
"Đây rõ ràng không phải một cuộc tranh luận về kinh tế. Thẳng thắng mà nói, nếu vì kinh tế, người Anh sẽ ở lại với EU. Lý do của việc lựa chọn rời đi không phải là vấn đề kinh tế mà là cảm xúc và chính trị", Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond nhấn mạnh.
Thách thức là "tìm ra một con đường để các quyết định chính trị của người dân Anh có thể mở ra con đường để bảo vệ nền kinh tế, việc làm và sự thịnh vượng của Anh", ông Hammond nói.
Các thị trường mới nổi
Tại các thị trường mới nổi, các nhà đầu tư đã được nhắc nhở về những nguy cơ chính phủ ban hành những quyết định có thể tác động tới nền kinh tế. Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro ra lệnh cho Petrobras, một công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước, kiềm chế không tăng giá dầu diesel. Quyết định được đưa ra một cách vội vã đã làm hồi sinh nỗi lo ngại về những chính sách gây tổn thương tới nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, vốn từng được đưa ra bởi các chính phủ trước đây.
Để chắc chắn, có những dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu có thể chuyển hướng. IMF đang dừng việc dự đoán suy thoái kinh tế. Tăng trưởng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay. Các biện pháp kích thích của Trung Quốc đang phát huy tác dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho hay.
"Đúng là có những rủi ro suy thoái lớn. Tuy nhiên, tôi mong rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ được đẩy lên trong nửa cuối của năm. Một môi trường tiền tệ thích hợp sẽ tiếp tục được tiến hành trong khi các hiệu ứng chính sách hỗ trợ của Trung Quốc với nền kinh tế sẽ dần phát huy hiệu quả", ông Kuroda nhấn mạnh.