Indonesia lập kỷ lục buồn, vượt mặt Ấn Độ để trở thành tâm dịch mới của châu Á
Indoneisa ghi nhận 54.517 ca mắc Covid-19 mới vào ngày 14/7, chính thức đẩy quốc gia đông dân thứ 4 thế giới vượt qua Ấn Độ để trở thành tâm dịch mới tại châu Á.
- 13-07-2021Indonesia: Số ca Covid-19 ở trẻ em không ngừng tăng, bác sĩ đau xót thừa nhận thất bại
- 11-07-2021Phép "cộng dồn" chết chóc làm Indonesia thất thủ vì Covid-19
- 29-06-2021405 nhân viên y tế qua đời vì COVID-19, hội bác sĩ Indonesia kêu gọi phong tỏa toàn quốc
- 27-06-2021Indonesia: Bệnh nhân Covid-19 tử vong, nằm trước cửa nhà 12 giờ
- 26-06-2021Chân dung 2 chàng trai mới chỉ ngoài 30 tuổi nhưng đã tạo ra công ty công nghệ lớn nhất Indonesia, đóng góp tới 2% GDP cả nước
Ở thời điểm hiện tại, quốc gia 270 triệu dân đang có số ca mắc Covid-19 hàng ngày nhiều hơn Ấn Độ. Điều đó khiến Indonesia trở thành tâm dịch mới. Nếu tốc độ lây lan không có dấu hiệu chậm lại, hệ thống y tế của nước này sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, những số liệu được thống kê chưa phải những gì tồi tệ nhất. Các chuyên gia ước đoán số người mắc Covid-19 trên thực tế ở Indonesia có thể lớn hơn nhiều bởi khả năng xét nghiệm bị hạn chế. Thậm chí, một cuộc khảo sát cuối tuần trước còn cho biết một nửa trong số 10,6 triệu cư dân Jakarta có thể đã mắc Covid-19.
Các chuyên gia cho rằng Indonesia đang phải trả giá vì không thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội cũng như không đầu tư đủ vào các hệ thống theo dõi. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin nói rằng các nhà chức trách nước này đã không thể lường trước làn sóng lân lan của Covid-19 lại tồi tệ đến vậy.
Việc các bệnh viện đứng trước nguy cơ quá tải bởi số bệnh nhân quá lớn đang trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Indonesia. Riêng trong ngày 14/7, có 991 trường hợp tử vong được ghi nhận, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở nước này lên 69.210 người. Chủng Delta cũng là nguyên nhân của đợt bùng phát dịch mới.
Giống như Ấn Độ vài tháng trước, giá oxy y tế đã tăng mạnh ở Indonesia kể từ cuối tháng 6. Một số bệnh viện đang lâm vào tình trạng thiếu khí ô xy. Thậm chí, hơn 60 người đã chết trong một bệnh viện tại Java sau khi nguồn cung oxy trở nên cạn kiện. Tuy nhiên, người phát ngôn bệnh viện không thể xác nhận tất cả các trường hợp tử vong vì mắc Covid-19.
Trước diễn biến của dịch bênh, Tổng thống Joko Widodo nói rằng vắc xin là "hy vọng cho sự phục hồi của Indonesia sau cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này". Tuy nhiên, chỉ 5,5% dân số Indonesia được tiêm phòng đầy đủ. Tại thủ đô Jakarta, số người được tiêm phòng là 2 triệu người, tương đương khoảng 18% dân số thành phố.
Hôm 13/7, hơn 3,5 triệu liều vắc xin của AstraZeneca đã đến Indonesia thông qua cơ chế COVAX. Quốc gia này đã nhận hơn 14 triệu liều thông qua chương trình này.
Tuy nhiên, Indonesia không phải quốc gia duy nhất đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19. Dù đã bị soán ngôi nhưng Ấn Độ vẫn ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Trong khi đó, Myanmar cũng vừa thông báo về 7.083 ca mắc mới và 145 trường hợp tử vong liên quan tới Covid-19 vào ngày 14/7. Dẫu vậy, người ta lo ngại tình trạng thực tế ở Myanmar có thể tồi tệ hơn rất nhiều.
Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 cũng gia tăng đột biến ở Malaysia. Bộ Y tế nước này thông báo 11.618 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 14/7, biến đây trở thành ngày có số ca mắc kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, có 435.000 liều vắc xin được tiêm ở Malaysia trong cùng ngày, một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm.
Thái Lan cũng đang hứng chịu đợt bùng phát tồi tệ. Các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang phải vật lộn với sự gia tăng các ca mắc. Chậm trễ trong tiêm chủng vắc xin được xem là nguyên nhân chính.