MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Indonesia sẽ dẫn đầu xu hướng giảm ngân hàng truyền thống tại Đông Nam Á

13-09-2021 - 22:13 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong bối cảnh khách hàng chuyển dần từ việc giao dịch ngân hàng truyền thống sang các dịch vụ ngân hàng số, Indonesia có thể dẫn đầu xu hướng giảm số lượng các chi nhánh ngân hàng tại Đông Nam Á trong vòng 10 năm tới.

Trong một nghiên cứu vừa công bố, Tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới Roland Berger ước tính số lượng các chi nhánh ngân hàng hoạt động kiểu truyền thống tại Đông Nam Á sẽ giảm khoảng 18% trong thập kỷ tới. Tỷ lệ này tương đương với con số 11.000 chi nhánh ngân hàng sẽ đóng cửa, trong đó có khoảng 7.000 chi nhánh ngân hàng đặt tại Indonesia. Sau Indonesia, xu hướng sẽ diễn ra mạnh mẽ ở Thái Lan, Malaysia, Philippines. Nghiên cứu cũng dự báo sẽ có tới hơn 2/3 khách hàng mong muốn sử dụng các dịch vụ ngân hàng số hơn là dịch vụ truyền thống.

Bà Aviliani, Giám đốc chính sách thuộc Hiệp hội Ngân hàng Indonesia cho biết, việc Indonesia dẫn đầu xu hướng giảm chi nhánh ngân hàng tại Đông Nam Á là điều không ngạc nhiên, bởi nước này có số lượng chi nhánh ngân hàng nhiều nhất khu vực, bắt nguồn từ sự mở rộng vào những năm 90 thế kỷ trước.

Theo bà Aviliani, động lực thúc đẩy Indonesia chuyển sang các dịch vụ ngân hàng số đến từ sự gia tăng số lượng khách hàng trẻ, những người ngày càng được tiếp cận với công nghệ như sở hữu điện thoại thông minh và dùng Internet. Mức tăng trưởng kinh tế, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số của chính phủ càng khuyến khích cho xu hướng này. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 buộc khách hàng hạn chế các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng để chuyển sang giao dịch kỹ thuật số.

Kể từ năm 2017 đến nay, giá trị dịch vụ ngân hàng internet tại Indonesia đã tăng từ 34% lên 54,4%, trong khi dịch vụ truyền thống của ngân hàng giảm từ 56,9% xuống còn 39,2%. Giá trị các giao dịch ngân hàng trực tuyến (mobile banking) cũng đã gần bằng giao dịch qua máy rút tiền tự động; giao dịch kỹ thuật số được dự đoán có thể vượt qua giao dịch truyền thống vào cuối năm 2021.

Ngân hàng số được đánh giá có tiềm năng phát triển vượt bậc ở Đông Nam Á, khi hơn 400 triệu người dân khu vực đã được kết nối kỹ thuật số. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Indonesia cho rằng, việc đóng cửa ngân hàng truyền thống bước đầu nên thực hiện ở các thành phố lớn, còn các chi nhánh cần giữ lại ở khu vực nông thôn, nơi nhiều khách hàng chưa tiếp cận với công nghệ cao và vẫn có thói quen giao dịch bằng tiền mặt./.

Theo Vũ Giang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên