MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2022 qua những con số

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2022 qua những con số

Nhiều dấu hiệu tích cực được thể hiện trong kỳ công bố tháng 5 của GSO như chỉ số sản xuất công nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giải ngân đầu tư công hay thu ngân sách nhà nước...; bên cạnh việc chỉ số CPI tăng, vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm...

Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về Tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, trong đó cập nhật những thông tin toàn cảnh về tình hình kinh tế xã hội trong giai đoạn.

Theo GSO, với việc thực hiện nhất quán phương châm "Sống chung an toàn với dịch COVID-19", đồng thời đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục giữ vững xu hướng phục hồi, ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp đã thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn để phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 57,8% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 14%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020.

Theo GSO, việc CPI tăng có nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; cũng như giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Trong giai đoạn, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước ước đạt 147,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,7% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính tới cuối tháng 5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 11,71 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên điểm sáng là vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%; đồng thời vốn thực hiện ước đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Đời sống sinh hoạt của người dân cơ bản đã trở về trạng thái bình thường của những năm trước dịch COVID-19, nhu cầu du lịch tăng mạnh cùng với sự kiện SEA Games 31 vừa được tổ chức tại Việt Nam làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 5 trở nên nhộn nhịp và sôi động.

Trong giai đoạn, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Sau 5 tháng đầu năm, NSNN ước bội thu khoảng 217,3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 42 nghìn tỷ đồng so với thống kê cùng kỳ của tháng liền kề.

Những thông tin đáng chú ý khác về hoạt động sản xuất nông nghiệp - công nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn đầu tư và hoạt động bán lẻ - dịch vụ... trong 5 tháng đầu năm 2022 được GSO thống kê trực quan, cụ thể qua Infographic dưới đây:

[Infographic] Toàn cảnh kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2022 qua những con số - Ảnh 1.

Theo Tuấn Việt

BizLive

Trở lên trên