MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

iPhone đã thay đổi cục diện ngành công nghệ châu Á như thế nào?

24-12-2017 - 19:06 PM | Tài chính quốc tế

Từ khi thế giới bắt đầu biết đến iPhone, đã có hơn 1,2 tỷ chiếc iPhone được bán ra trên toàn thế giới, iPhone làm thay đổi Apple và phần lớn ngành công nghệ châu Á.

Năm 2006, tập đoàn Hồng Hải muốn đẩy mạnh phát triển mảng điện tử tiêu dùng dù ở thời điểm đó rất ít tập đoàn Đài Loan biết điều gì đang chờ đợi họ.

Ở thời điểm đó, Hồng Hải chủ yếu kiếm được tiền nhờ lắp ráp máy tính cá nhân cho nhiều công ty lớn của Mỹ như Dell.

Tuy nhiên chỉ với một hợp đồng sản xuất mới, hoạt động kinh doanh của Hồng Hải đã thay đổi bước ngoặt.

Hồng Hải ký hợp đồng sản xuất điện thoại iPhone cho Apple, tập đoàn cũng thay đổi chóng mặt tính từ thời điểm đó.

Trong thập kỷ tiếp theo, iPhone đã giúp cho doanh thu của Foxconn tăng từ 38 tỷ USD lên 145 tỷ USD, Hồng Hải trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Trong lúc đó, Dell, một thời từng là khách hàng lớn của Hồng Hải, nay kinh doanh ngày một sa sút khi máy tính bảng và điện thoại thông minh ngày một trở nên phổ biến.

Tháng 9/2017, Apple công bố điện thoại iPhone X kỷ niệm 10 năm tính từ lần ra mắt chiếc iPhone đầu tiên trên thế giới. Từ khi thế giới bắt đầu biết đến iPhone, đã có hơn 1,2 tỷ chiếc iPhone được bán ra trên toàn thế giới, iPhone làm thay đổi Apple và phần lớn ngành công nghệ châu Á.

Không chỉ biến Hồng Hải thành người khổng lồ, iPhone cũng đã giúp cho hãng sản xuất thấu kính Largan Precision trở thành công ty lớn, trong khi đó nhiều hãng điện tử lớn khác như Acer hay Nintendo đã chịu nhiều thua lỗ.

Trong suốt chặng đường phát triển 10 năm qua, Apple và những nhà cung cấp tại châu Á của hãng đã phải chịu nhiều chỉ trích về việc sử dụng lao động trong khu vực, chính vì vậy hệ thống các nhà cung cấp như Hồng Hải buộc phải thích ứng và điều chỉnh chính sách.

Giờ đây, hãng sản xuất điện thoại iPhone cũng như nhiều nhà cung cấp cho hãng đang đối diện với nhiều thách thức giống như ngành sản xuất máy tính cá nhân từng đối diện cách đây 10 năm.

Từ khi công bố cho đến nay, iPhone X vẫn là chiếc điện thoại bán chạy, ước tính đến cuối năm nay, Apple sẽ bán được khoảng 32 triệu chiếc iPhone X, theo tính toán của Arthur Liao và công ty chứng khoán Fubon.

Tuy nhiên chiếc điện thoại một thời được coi như đỉnh cao công nghệ nay đã trở thành một sản phẩm dần bình thường. Nhu cầu đang tăng chậm lại, cùng lúc đó iPhone phải cạnh tranh với nhiều dòng sản phẩm giá rẻ do Trung Quốc sản xuất. Nhiều nhà cung cấp của Apple đang bắt đầu nói đến khi nào thì Apple sẽ trở thành một tên tuổi cũ kỹ và lạc hậu trong làng công nghệ thế giới.

“Ngành nào rồi cũng thay đổi. Chúng ta sẽ không mãi mãi sống trong kỷ nguyên điện thoại thông minh. Ngành sản xuất điện thoại thông minh đã tăng trưởng được 10 năm. Nhiều người đang hỏi chúng tôi đến khi nào nó sẽ chững lại như ngành sản xuất máy tính”, chủ tịch công ty sản xuất Pegatron, ông Tung Tzu-hsien, chia sr.

Ông Tung cho biết đến hiện tại, ông chưa thấy sản phẩm công nghệ nào có thể thách thức sự tồn tại của điện thoại thông minh, thế nhưng ông nhấn mạnh rằng thời đại Internet sẽ sản sinh ra thêm nhiều sản phẩm khác cải tiến hơn.

Theo kết quả nghiên cứu của công ty IDC, thị trường điện thoại thông minh sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình 3,3%/năm trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021, trong khi đó tốc độ tăng trưởng của năm 2015 đạt 10,4%. Doanh số bán điện thoại iPhone tăng 2,3% trong năm tài khóa gần nhất.

Năm 2016, Apple bán 215,4 triệu chiếc iPhone và giành được 14,5% thị phần thị trường iPhone toàn cầu. Doanh số bán hàng của Apple như vậy thấp hơn nhiều so với con số 309,4 triệu chiếc điện thoại mà Samsung đã bán ra toàn cầu, theo tính toán của công ty nghiên cứu Strategy Analytics.

“Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đang phát triển gần đạt ngưỡng. Chúng ta sẽ vẫn có được mức tăng trưởng 3 đến 4%/năm từ nay trở đi, nhưng chúng ta sẽ không còn có thể có lại tốc độ tăng trưởng ấn tượng như những năm trước”, chuyên gia phân tích tại ICD, ông Sean Kao, nhận xét.

Ít ai còn nhớ rằng khi iPhone mới được bán ra thị trường, Apple đã hạ giá bán 200USD/sản phẩm xuống 399USD để giành được những khách hàng còn đang căn cơ. Tuy nhiên doanh số bán hàng của Apple tăng đến hơn chín lần và đến năm 2017 đạt 229,23 tỷ USD.

Giá trị vốn hóa thị trường hiện được tính toán ở mức 895 tỷ USD đang khiến nhiều nhà đầu tư trên thị trường đặt câu hỏi sau bao lâu nữa Apple sẽ trở thành công ty 1 nghìn tỷ USD.

Sự ra đời của iPhone đã mở ra cuộc cạnh tranh mới về công nghệ giữa các nhà cung cấp và khuyến khích thêm nhiều công ty mới mở rộng nhanh chóng công việc kinh doanh.

Apple cũng hưởng lợi khi mà nhiều công ty đối thủ buộc phải cố gắng trông chờ vào việc bán nhiều sản phẩm giá rẻ để hưởng chút lãi ít ỏi trong khi Apple chỉ cần bán số lượng sản phẩm nhất định cũng đã thừa lãi cao.

Apple lãi cao kéo theo nhiều công ty hưởng lợi bao gồm Samsung của Hàn Quốc, hãng cung cấp mà hình OLED và công ty sản xuất chip TSM của Đài Loan.

Khoảng hơn 70% trong số hơn 200 nhà cung cấp linh kiện cho Apple đến từ châu Á, nhóm các công ty Đài Loan chiếm khoảng 20% trong tổng các nhà cung cấp trên, số lượng các công ty Trung Quốc trong hệ thống các nhà cung cấp đang tăng lên nhanh chóng.

Để có thể thích ứng với việc nhu cầu iPhone tăng cao trong thập kỷ qua, các nhà cung cấp linh kiện châu Á đã tuyển dụng thêm hàng trăm nghìn công nhân, ví như riêng Hồng Hải tuyển đến gần 1 triệu người làm việc.

Sự trỗi dậy của iPhone diễn ra cùng lúc với sự đi xuống của nhiều công ty công nghệ châu Á. Nhiều thương hiệu máy tính như Acer của Đài Loan rơi vào cuộc chiến tranh giá cả đầy khốc liệt.

Và khi mà điện thoại iPhone tích hợp thêm nhiều tính năng khác như chụp ảnh, nghe nhạc hay chơi trò chơi điện tử, công việc kinh doanh của nhiều hãng sản xuất trò chơi hay máy ảnh cũng khó khăn theo.

Nhiều hãng điện tử lớn của Nhật bao gồm Sony, Nintendo, Toshiba, Canon và Nikon đều đã gặp khó khăn. Giờ đây, Sony đang kiếm được nguồn thu không hề nhỏ từ sản xuất linh kiện cho camera của iPhone.

Theo Trung Mến

BizLIVE

Trở lên trên