MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

iPhone tròn 10 năm tuổi: Là một, là duy nhất!

30-06-2017 - 08:59 AM | Tài chính quốc tế

Không có tổng doanh thu 1.000 tỷ USD sinh ra từ tổng cộng 1,2 tỷ thiết bị được bán ra từ trước đến nay, Apple không thể giữ ngôi công ty niêm yết lớn nhất thế giới.

Trong lịch sử hiện đại, có lẽ không có sản phẩm nào thay đổi cuộc sống của nhân loại nhiều hơn những chiếc iPhone. Nếu iPhone không ra đời và mở ra kỷ nguyên bùng nổ điện thoại thông minh, những thứ quen thuộc như dịch vụ đi chung xe, chia sẻ hình ảnh và nhiều ứng dụng thiết thực khác phục vụ cho cuộc sống hiện đại sẽ không thể lan tỏa sâu rộng đến vậy. Không có tổng doanh thu 1.000 tỷ USD sinh ra từ tổng cộng 1,2 tỷ thiết bị được bán ra từ trước đến nay, Apple không thể giữ ngôi công ty niêm yết lớn nhất thế giới. Hàng nghìn kỹ sư phần mềm cũng sẽ nghèo đi: những ứng dụng đã viết cho iPhone giúp họ kiếm được hơn 20 tỷ USD mỗi năm.

Dù sử dụng bất cứ thước đo nào thì iPhone – chiếc điện thoại được Apple ra mắt lần đầu tiên cách đây đúng 10 năm – chính là 1 thành công vang dội. Tuy nhiên, thành công này còn đặc biệt ở chỗ iPhone biến Apple thành công ty công nghệ hướng về người tiêu dùng duy nhất trên thế giới có mô hình kinh doanh không phụ thuộc vào việc thu thập dữ liệu cá nhân.

CEO Tim Cook từng gọi quyền riêng tư cá nhân là quyền căn bản của con người. Tuy nhiên, liệu đây có phải là hướng đi bền vững trong bối cảnh các công ty công nghệ đều sử dụng dữ liệu người dùng để định hướng quảng cáo? Thực tế là cách mà Apple xử lý dữ liệu sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định tương lai của hãng trong 10 năm tới.

Ra đời cách đây hơn 40 năm, ban đầu Apple là 1 công ty sản xuất máy tính tích hợp chặt chẽ phần cứng và phần mềm. Và sự kết hợp ấy vẫn tiếp tục định hình các sản phẩm của Apple cho đến tận bây giờ. Ví dụ, thay vì “đổ” hết dữ liệu người dùng lên hệ thống điện toán đám mây để phân tích, Apple vẫn giữ chúng trên iPhone. Trình duyệt web Safari thậm chí còn được tích hợp các phần mềm hạn chế những quảng cáo không mong muốn.

Tuy nhiên, thời của những thiết bị điện tử “đứng một mình”, dù chúng có mượt mà đến đâu, sắp chấm dứt. Các thiết bị giờ đây trở thành công cụ cho – và cũng được hỗ trợ bởi – những dịch vụ dựa trên máy học và trí thông minh nhân tạo. Và, chất lượng của những dịch vụ này sẽ phụ thuộc rất lớn vào các dữ liệu thu thập được. Ví dụ, trợ lý ảo càng nghe được nhiều câu hỏi thì sẽ càng có nhiều câu trả lời tốt hơn. Mặc dù Siri của Apple là một trong những trợ lý ảo ra đời đầu tiên, đến thời điểm hiện tại các trợ lý ảo của Google và Amazon đang được đánh giá cao hơn.

Để giữ được lợi thế cạnh tranh, Apple sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn thôi thúc hãng phải thu thập và tận dụng triệt để dữ liệu người dùng. Trong áp lực ấy có một cơ hội mở ra cho Tim Cook: hãy xây dựng mô hình đảm bảo cân bằng được hai yếu tố quyền riêng tư và những lợi ích mà dữ liệu đem lại. Điều đó có nghĩa là Apple cần minh bạch họ đang thu thập dữ liệu loại nào và sẽ sử dụng chúng với mục đích gì, là thử nghiệm những mô hình chia sẻ dữ liệu hoàn toàn mới – ví dụ như trả tiền cho người dùng nếu như họ cung cấp những thông tin hữu ích.

Những giải pháp này không đủ đặc biệt để đem về sự thành công cho Apple như suốt 10 năm qua – đơn giản bởi vì có rất ít sản phẩm kết hợp được mức gia cao và nhu cầu không bao giờ cạn từ người dùng như iPhone. Nhưng trong bối cảnh các ông lớn công nghệ khác đang đứng trước áp lực lớn buộc họ phải hạn chế sử dụng dữ liệu người dùng (Google vừa nhận án phạt từ châu Âu vì lạm dụng vị thế thống trị mảng tìm kiếm trực tuyến), một lần nữa Apple đang có cơ hội để lập ra các chuẩn mực.

10 năm nữa, có thể thế giới sẽ ngưỡng mộ Apple không phải bởi vì một thiết bị tuyệt vời mà là bởi đã thành công trong việc pha trộn giữa trí thông minh nhân tạo và quyền riêng tư.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên