MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

iPhone XS, xe máy điện Vinfast giá 0 đồng… và tham vọng của Black Friday Việt Nam

Là năm thứ 5 liên tiếp Bộ Công thương chủ trì, giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số là đầu mối phối hợp tổ chức, Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday (7/12) năm nay được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu doanh số đặt ra là 1.500 tỷ đồng, điều chưa hoàn thành trong năm 2017.

Online Friday là sự kiện được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức thường niên, diễn ra vào Thứ sáu đầu tiên của tháng 12, tức hôm nay 7/12.

Mục tiêu của Online Friday là kích cầu cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Năm 2017, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) nói rằng mục tiêu doanh số là 1.500 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, thực tế doanh số của Online Friday 2017 chỉ đạt 1.223 tỷ đồng.

Năm nay cột mốc 1.500 tỷ đồng doanh số tiếp tục được đặt ra.

Thông tin do Bộ Công thương cho biết từ 0h đêm hôm nay hệ thống mua sắm đã kích hoạt 27.520 sản phẩm chính hãng và hàng triệu sản phẩm trên các website của doanh nghiệp tham gia chương trình.

Lượng người truy cập tại thời điểm 0h ngày hôm nay là 57.000 người. Từ 0h – 6h sáng, hơn 164.000 đơn hàng đã được đặt trong các chương trình khuyến mãi. Theo thống kê, 74% lượng truy cập đến từ điện thoại di động.

Cục Thương mại điện tử cho biết một trong những điểm nhấn về hàng hóa năm nay là khuyến mãi về 0 đồng với những sản phẩm như điện thoại iPhone XS max 256Gb hàng chính hãng, xe máy điện Vinfast Clara… trong chương trình YoYo Online Friday

Một điểm đáng chú ý khác là việc thanh toán của chương trình theo Cục thương mại điện tử cho biết là không dùng tiền mặt. Bởi thanh toán điện tử đang là định hướng của Chính phủ và là nền tảng quan trọng để phát triển thương mại điện tử. Hiện tại, Tỷ lệ COD (Cash on Delivery – Giao hàng nhận tiền) hiện này chiếm đến 90%, là thách thức của toàn ngành.

Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết đến năm 2020, giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 58,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 so với năm 2017. Điều này có được nhờ vào sự phát triển vượt bậc của Internet, thu nhập bình quân đầu người…

Số liệu của Euromonitor cũng cho thấy nếu giá trị thương mại điện tử trong năm 2012 mới chỉ đạt gần 5.000 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên gấp 5 lần, đạt mức trung bình 25,7 nghìn tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 33%/năm, dự kiến giá trị thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mốc 106.000 tỷ đồng trong năm 2022, tương ứng với khoảng 4,6 tỷ USD.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên