MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO tại Việt Nam: Chờ xuôi gió

Chứng khoán Việt Nam, một trong những thị trường IPO hứa hẹn nhất châu Á, trầm lắng, phần nào gây thất vọng cho những người kỳ vọng Việt Nam có thể nối tiếp đà thành công trong năm 2018.

Việt Nam chưa có đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nào trong nửa đầu năm 2019. Tình hình hiện tại trái ngược năm 2018, với 2 đợt IPO giá trị 1,35 tỷ USD của Vinhomes (HoSE: VHM) và 923,4 triệu USD của Techcombank (HoSE: TCB), đưa Việt Nam lên chỉ sau Thái Lan.

Techcombank và Vinhomes đều được định giá trong thời gian thị trường tăng mạnh và niêm yết khi thị trường đảo chiều, khiến nhà đầu tư nhận "trái đắng".

Do đó, không quá bất ngờ khi chỉ có một đợt IPO quy mô nhỏ 5,63 triệu USD của Nhựa Phú Lâm trong nửa sau năm 2018, khi VN-Index giảm từ 1.199,96 điểm hôm 6/4/2018 xuống chỉ còn 880,9 điểm vào ngày 4/1.

“Chúng tôi huy động được 500 triệu USD cho một quỹ IPO đúng lúc thị trường xấu và không có cơ hội giải ngân”, Bill Stoops, giám đốc đầu tư tại Dragon Capital, nói với Finance Asia.

Dấu hiệu phục hồi xuất hiện vào cuối quý I, VN-Index tăng gần 15% và lập đỉnh 1.011 điểm hôm 18/3. Điều này thúc đẩy Ngân hàng Hàng hải (MSB) chuẩn bị cho đợt IPO trong quý II trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) cùng một số cái tên khác, như Ecopark.

Tuy nhiên, thị trường lại đi xuống sau đó, chốt phiên 17/6 ở 946,95 điểm. MSB cuối cùng chọn dời thời điểm IPO sang mùa thu.

MSB đặt mục tiêu huy động khoảng 200 triệu USD và có vốn hóa thị trường quanh mốc 1,1 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa P/E của cổ phiếu MSB là 29,5, dựa trên lợi nhuận năm 2018. Mức định giá này là không thể trong thị trường hiện tại do những ngân hàng nhóm dưới tại Việt Nam thường có P/E khoảng 9 – 10.

IPO tại Việt Nam: Chờ xuôi gió - Ảnh 1.

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM. Ảnh: Nikkei.

Sự khác biệt giữa kỳ vọng của MSB và thị trường thực tế cho thấy khoảng cách đã xuất hiện giữa bên phát hành và nhà đầu tư.

Các nhà quản lý quỹ nói MSB khả năng cao sẽ lên sàn trong năm 2019 bởi ngân hàng này muốn tăng vốn để đứng ngang hàng với 7 ngân hàng khác đã đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II. Trong khi đó, những công ty trong lĩnh vực tư nhân khác, với ít áp lực về tiền, đã rút lại kế hoạch.

“Các công ty đang cố tìm ra thời điểm tốt nhất để lên sàn”, bà Nguyễn Thị Hương Giang, nguyên Giám đốc Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư khu vực miền Nam của công ty chứng khoán SSI, nói. “Hoạt động IPO khá trầm lắng do thị trường diễn biến không mấy sôi động trong khi hầu hết những nhà phát hành tiềm năng đều đưa ra định giá kỳ vọng lúc VN-Index cao hơn nhiều”.

Kevin Snowball, giám đốc điều hành PXP Vietnam Asset Management, chỉ ra rằng giá trị giao dịch trung bình hàng ngày vẫn khá thất vọng. “Trong năm 2018, giá trị giao dịch đỉnh điểm đạt 350 triệu USD/ngày. Con số này giờ chỉ là 150 – 170 triệu USD”.

Bà Giang có cùng quan điểm. Bà mô tả cách các nhà đầu tư cá nhân, bị ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng, đã chuyển tiền sang kênh khác như thế nào. “Lãi suất tiền gửi đã tăng 0,5 - 1% kể từ cuối năm 2018, do đó, nhà đầu tư đang có lợi nhuận điều chỉnh theo lạm phát khoảng 3 – 4% cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng”.

Chờ thuận gió

Khi tâm lý nhà đầu tư phục hồi, số lượng thương vụ đáng quan tâm cũng sẽ tăng theo. Nhiều ngân hàng muốn tháo gỡ tình trạng sở hữu chéo, số khác muốn tăng vốn. Trong số các ngân hàng muốn tăng vốn có Vietcombank, ngân hàng có vốn hóa thị trường lớn nhất.

Cổ đông Vietcombank đã chấp thuận kế hoạch chào bán 340 triệu cổ phiếu để tăng cường nguồn vốn trong bối cảnh ngân hàng này mở rộng hoạt động bán lẻ. Thương vụ sẽ giúp Vietcombank huy động khoảng 870 triệu USD dựa trên giá cổ phiếu hiện hành, định giá hơn 3,5 lần giá trị sổ sách.

Các quan chức tại Vietcombank cho biết họ sẵn sàng phân bổ cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư công. Hồi đầu năm, Vietcombank đã bán 3,1% cổ phần cho Mizuho và quỹ đầu tư GIC của Singapore.

Một thương vụ IPO đáng quan tâm khác là của Ecopark, tên gọi trước đó là CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng. Kế hoạch tăng vốn của Ecopark nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho dự án xây dựng một thành phố xanh ở phía đông Hà Nội trị giá 8 tỷ USD kéo dài 2 thập kỷ. Một công ty như vậy sẽ được chào đón bởi các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục, bên cạnh Vingroup và các công ty thuộc tập đoàn.

Về dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc vào các hành động từ chính phủ trong việc làm rõ hoặc thay đổi các quy tắc từ lâu đã kìm hãm sự phát triển.

Ví dụ, có 4 công ty được thành lập bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) có khả năng niêm yết gồm Santomas (công ty nhựa của Malaysia), Seoul Metal, CTC Bio (công ty dược phẩm Hàn Quốc) và Vietnam Fortress Tools (thuộc sở hữu Formosal Tools, Đài Loan).

Theo pháp luật Việt Nam, bản thân những công ty được gọi là doanh nghiệp FDI này có tư cách pháp nhân chứ không phải chi nhánh công ty nước ngoài. Tuy nhiên, việc phân loại chưa thể thực hiện cho đến khi chính phủ làm rõ các quy định về giới hạn sử hữu nước ngoài và những yếu tố để cấu thành công ty FDI.

Nếu có các quy định rõ ràng, khả năng cao sẽ khuyến khích các công ty FDI khác tại Việt Nam niêm yết, nhất là tập đoàn đa lĩnh vực CJ CGV – từng thử và thất bại trong việc niêm yết công ty ở Việt Nam lên sàn chứng khoán Seoul mùa thu 2018.

Tiếp đó, có các công ty công nghệ trong nước tin rằng địa điểm IPO là New York. Chủ tịch Terry Ting của MoMo phàn nàn về việc thiếu các quy định cho phép niêm yết ở New York trở thành lựa chọn khả thi cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử này. Quản lý ngân hàng cho biết đây chính là lý do tại sao VNG, công ty cung cấp trò chơi và nội dung số, chưa triển khai quy trình IPO trên sàn Nasdaq thông qua ngân hàng chỉ định Goldman Sachs.

Việc Chính phủ hạn chế dòng vốn rời khỏi Việt Nam đồng nghĩa nhà đầu tư trong nước không thể sở hữu cổ phiếu nước ngoài. Một nhà quản lý ngân hàng lý giải: “Một lựa chọn có thể là niêm yết song song, dùng chứng chỉ lưu ký để phản ánh cổ phiếu trong nước. Tuy nhiên, khung pháp lý cần được điều chỉnh cho phù hợp và cần có các thỏa thuận giữa Việt Nam và sàn chứng khoán nước ngoài về những quy định, quy trình cần tuân thủ”.

Cải cách quy định

Về mặt tích cực, chính phủ Việt Nam đang có những điều chỉnh về cách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thể phát hành chứng khoán sau khi chứng kiến hàng loạt thất bại trong năm 2018, trong đó có Genco 3 và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG).

Đầu tháng 5, Bộ Tài chính Việt Nam ban hành thông tư về quy trình dựng sổ, có hiệu lực vào tháng 6. Nhờ vậy, DNNN hiện có thể phát hành cổ phiếu thông qua phương thức dựng sổ, không chỉ qua đấu giá công khai, nhưng từng thương vụ vẫn cần được Thủ tướng ký duyệt. Nếu được chấp thuận, các công ty cần công bố phương án chào bán ra công chúng, tiếp đó là quy trình dựng sổ 5 ngày được cập nhật hàng ngày.

IPO tại Việt Nam: Chờ xuôi gió - Ảnh 2.

Tập đoàn Cao su Việt Nam chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng hồi đầu năm 2018. Ảnh: VTV.

“Phương án dựng sổ rất được ủng hộ bởi đây là cách làm đúng cách”, ông Mike Lynch, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức Chứng khoán SSI, nói. “Nhà đầu tư nước ngoài không thích đấu giá bởi họ có thể hoặc trả giá quá cao, hoặc không mua được cổ phiếu nào dù đã rất nỗ lực”.

Các chuyên gia trong nước cho biết vẫn còn nhiều việc cần thực hiện để đảm bảo quy trình chặt chẽ.

“Giống như những gì đã diễn ra ở các nước khác, như Ấn Độ, các nhà đầu tư đấu giá tiềm năng thường chờ đến ngày cuối cùng mới đặt giá”, nhà quản lý ngân hàng nói. “Sẽ tốt hơn nhiều nếu phải đặt giá hàng ngày”.

Ngoài ra, có những đánh giá được nhà quản lý quỹ chú ý đến khi quá trình cổ phần hoá diễn ra thuận lợi, cân nhắc cẩn thận về quy mô và ý định của các tổ chức muốn đấu giá cổ phiếu.

“Nhược điểm sẽ xuất hiện khi cổ phiếu đưa vào giao dịch nếu đợt IPO chỉ phân phối cho các nhà đầu tư đánh theo xu hướng hoặc các quỹ lớn chỉ nhận phần quá nhỏ, không đáng nắm giữ”.

Một trong những công ty đầu tiên có thể hưởng lợi từ các quy định mới là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Chính phủ đã khuyến khích VNPT lên sàn từ trước năm 2019, sau khi biết Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), một ứng viên tiềm năng khác, chưa sẵn sàng, ít nhất là đến năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cho biết đơn vị quản lý đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu giá trị của việc dựng sổ và đang triển khai phương thức này.

Quốc hội cũng xem xét dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán, có khả năng khởi động quá trình chuyển đổi của thị trường chứng khoán Việt Nam.“Mục tiêu của chúng tôi là đưa quá trình quản lý phù hợp nhất với thông lệ quốc tế”, theo bà Nga. Việt Nam còn đang thắt chặt các quy định về chênh lệch thời gian, từ khi các công ty phát hành cổ phiếu cho đến khi niêm yết trên sàn – một vấn đề khiến nhà đầu tư và ngân hàng đầu tư lo ngại.

Bà Nga cho biết UBCK đạt mục tiêu khi giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam vượt mục tiêu 70% GDP của chính phủ vào cuối năm 2018. Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch cải cách, cho phép vốn hoá thị trường có thể đạt 100% GDP vào năm 2020.

Theo Finance Asia

Theo Như Tâm

Người đồng hành

Trở lên trên