iRender tham vọng bình dân hóa dịch vụ Cloud Computing trong lĩnh vực AI/Machine Learning tại Việt Nam
Với mục tiêu bình dân hóa điện toán đám mây, iRender đưa dịch vụ GPU AI Cloud tới khách hàng một cách dễ dàng chỉ với một vài clicks.
Xu hướng điện toán đám mây - Cloud Computing
Công nghệ điện toán đám mây - Cloud Computing đã và đang phát triển vượt bậc trong suốt hơn 15 năm qua. Một vài năm trước đây, rất ít người có đủ can đảm để nhìn xa hơn vào tương lai của ngành này cũng như đầu tư nhiều hơn vào dạng công nghệ này. So với thời điểm của 6 năm trước, vào năm 2015 khi ngân sách cho điện toán đám mây nói chung trên toàn cầu chỉ vỏn vẹn 2,8 tỷ USD thì năm 2020 đã chứng kiến sự nhảy vọt về ngân sách cho ngành này lên tới hơn 300 tỷ USD. Theo IDC - Công ty Dữ liệu Quốc tế (International Data Corporation), ngân sách chi tiêu trên nền tảng đám mây trong năm 2020 của các doanh nghiệp tăng 34,4% so với năm 2019. IDC cũng dự báo rằng chi tiêu cho dịch vụ điện toán đám mây và cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi, khoảng 500 tỷ USD vào năm 2023.
Hiện nay, công nghệ điện toán đám mây đang là xu hướng công nghệ tất yếu cho mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp trên toàn thế giới, giải quyết rất nhiều bài toán về khả năng mở rộng hạ tầng, lưu trữ dữ liệu, tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm thiểu chi phí vận hành, vv... Tốc độ tăng trưởng của các dịch vụ điện toán đám mây khác nhau đồng thời thúc đẩy mức độ sử dụng Cloud Computing của các doanh nghiệp cho các dự án của họ. Cụ thể, các doanh nghiệp dần sử dụng dịch vụ điện toán đám mây cho lĩnh vực IoT, Trí tuệ nhân tạo (AI) & Machine Learning (ML) hay đồ họa. Đặc biệt, AI/Machine Learning có tốc độ tăng trưởng đáng kể trong năm 2020, tăng 17% so với năm 2019 (theo Flexera), đứng thứ hai trong danh sách top 5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong mức độ sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Câu chuyện về iRender - một doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ điện toán đám mây
Khi Cloud Computing trở nên phổ biến trên thế giới với thị phần hàng trăm tỷ USD mỗi năm, doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy một thị trường thực sự có rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, những cơ hội rõ ràng dường như nằm trong tay các ông lớn trên thị trường với sự sẵn có về tiềm lực tài chính và lợi thế cạnh tranh đặc biệt, như Amazon, Google, Microsoft… Trong phần lớn các dịch vụ Cloud công cộng từ cơ bản đến chuyên sâu, muốn thực sự tham gia vào sân chơi với các ông lớn, việc tìm ra lĩnh vực chuyên biệt là cần thiết và phải làm tốt hơn rất nhiều so với các đối thủ . Đây là lý do chính mà đội ngũ phát triển của iRender hướng tới, cung cấp dịch vụ thực sự chuyên biệt trong lĩnh vực kết xuất đồ họa - graphic render, và tiếp theo là AI/Machine Learning dựa trên nền tảng điện toán đám mây.
Cloud Rendering
iRender Việt Nam được biết đến là 1 công ty công nghệ tiên phong cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong lĩnh vực đồ họa, cụ thể là giải pháp tối ưu sức mạnh kết xuất trong các dự án đồ họa của các họa sĩ 3D, nhà làm phim, kiến trúc sư, vv..
Trong khi Đài Loan - một đất nước nhỏ bé với dân số chưa đến 25 triệu người đã có tới gần chục big-tech như Foxconn, Pegatron, Quanta, thì chưa có "ông lớn" nào đến từ Việt Nam. iRender với khao khát mang thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế, họ đang dần khẳng định mình là một trong những công ty hàng đầu về cloud rendering trên thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với nhiều tên tuổi công nghệ điện toán đám mây cung cấp dịch vụ Cloud rendering, ví dụ như Rebusfarm (Mỹ), Fox Render Farm (Trung Quốc), hay Garage Farm (Hàn Quốc). Khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu cung cấp dịch vụ dựa trên mô hình SaaS (Software-as-a-Service), iRender đi ngược lại với số đông, lựa chọn mô hình IaaS (Infrastructure-as-a-Service) làm chiến lược kinh doanh. Bởi vì, tuy là một giải pháp mạnh mẽ, Cloud Rendering dưới hình thức SaaS đang bộc lộ dần nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ các hệ điều hành khác nhau, các phần mềm khác nhau, các khách hàng sử dụng giải pháp này khó kiểm soát thời gian render, bị động vì phải xếp hàng chờ cùng lúc với khách hàng khác, bị động trong việc tùy biến dự án có những pipeline phức tạp.
Trong khi đó, giải pháp IaaS của iRender là hoàn toàn khác biệt. Họ cho thấy sự ưu việt hơn khi cho phép khách hàng có toàn quyền điều khiển máy chủ vật lý hiệu suất cao, có thể sử dụng bất kì phần mềm nào, không phải xếp hàng chờ, từ đó chủ động kiểm soát và tùy biến theo nhu cầu của dự án. Hệ thống của iRender sẽ tự động lưu lại môi trường làm việc của người dùng sau mỗi phiên dùng và sẵn sàng sử dụng cho những lần tiếp theo. Từ những lợi thế của giải pháp IaaS mang lại, khách hàng sẽ tránh được độ trễ không cần thiết trong quá trình xử lý dự án, những rủi ro trong việc quản lý tiến độ sẽ ít hơn nhiều so với việc phụ thuộc vào dịch vụ của nhà cung cấp SaaS. Chưa có công ty cung cấp dịch vụ Cloud Rendering nào trên thế giới cung cấp được một giải pháp Render dưới dạng IaaS như vậy.
GPU AI Cloud
Cung cấp dịch vụ Cloud Rendering theo mô hình IaaS chính là bước tiền đề giúp đội ngũ của iRender nghiên cứu và phát triển một giải pháp mới cho dịch vụ điện toán đám mây, đó là GPU Cloud dành riêng cho AI/Machine Learning. Việc triển khai các mô hình trong AI/Machine Learning cần đến hiệu suất tính toán cực kỳ lớn, một chiếc máy tính cá nhân khó có thể đáp ứng nhu cầu cho việc này. Giải pháp trên nền tảng điện toán đám mây là hoàn toàn khả thi và đang được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ không còn phải lo chi phí mua sắm và vận hành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy tính. GPU AI Cloud cung cấp giải pháp tối ưu cho các nhà phát triển, đội kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, cụ thể là AI/ Machine Learning.
GPU AI Cloud của iRender rất khác biệt
Thứ nhất, giải pháp IaaS của iRender tối ưu hóa quy trình làm việc cho các dự án về AI/Machine Learning. iRender để khách hàng toàn quyền thiết lập và điều khiển từ xa hạ tầng vật lý có cầu hình phù hợp với công việc của họ. Cấu hình máy là ưu điểm vượt trội của iRender với hàng loạt GPUs mạnh mẽ nhất hiện nay như RTX 3090, RTX 3080, phục vụ riêng cho training AI models.
Thứ hai, iRender hỗ trợ tất cả các frameworks và thư viện của AI/Machine Learning. Người dùng có thể cài đặt bất kỳ phần mềm nào họ muốn trên máy chủ của iRender, ví dụ như TensorFlow, Keras, MXNet, PyTorch, CNTK, Caffe2,vv.
Thứ ba, để giải quyết bài toán lưu trữ dữ liệu và bảo mật, iRender phát triển một ứng dụng gọi là GpuHub_Sync dành riêng cho việc tải và lưu trữ dữ liệu từ máy tính của khách hàng lên các máy chủ từ xa của iRender. Khi điều khiển hạ tầng vật lý, khách hàng có toàn quyền sử dụng mọi tài nguyên của máy, không phải chia sẻ với bất kỳ khách hàng nào khác. Điều đó đồng nghĩa với việc, khách hàng là người duy nhất có quyền truy cập và sử dụng dữ liệu của họ.
Thứ tư, vì là công ty công nghệ Việt Nam, iRender hoàn toàn loại bỏ được rào cản về ngôn ngữ với khách hàng. Không ít người dùng Việt Nam sử dụng dịch vụ của Google, Amazon hay Microsoft gặp khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ khi cần hỗ trợ, giải quyết vấn đề. Với iRender, đội ngũ đến từ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ 24/7 giúp giải đáp mọi thắc mắc và xử lý vấn đề nhanh chóng.
Tham vọng bình dân hóa dịch vụ điện toán đám mây
Theo anh Lương Văn Lý - CTO iRender Việt Nam nhận định: "Nút thắt của thị trường AI/Machine Learning tại Việt Nam hiện nay có 2 vấn đề. Thứ nhất về nhân sự, hiện nay Việt Nam chưa có đội ngũ nhân sự chất lượng đồng bộ đủ cao, đủ nhiều. Thứ hai, hạ tầng điện toán đám mây chưa đủ tiện lợi và rẻ, trong khi nhu cầu về ứng dụng AI/Machine Learning đã hiện hữu trong mọi lĩnh vực của đời sống. Mong muốn của chúng tôi là tháo gỡ được một phần nút thắt, bình dân hóa dịch vụ điện toán đám mây tới mọi người."
Với mục tiêu bình dân hóa điện toán đám mây, iRender đưa dịch vụ GPU AI Cloud tới khách hàng một cách dễ dàng chỉ với một vài clicks. Hiệu suất vượt trội so với các thiết bị cá nhân cũng là giải pháp tháo gỡ nút thắt kỹ thuật của các dự án Trí tuệ nhân tạo - mà thời gian training models được tính bằng ngày, bằng tuần.
Tài chính là một yếu tố quan trọng trong việc một dịch vụ điện toán hiệu suất lớn có thể tiếp cận các khách hàng bình dân. Hiện nay, các nhà phát triển Trí tuệ nhân tạo chỉ có một vài sự lựa chọn nhà cung cấp điện toán đám mây để training models như AWS, Google Cloud với chi phí đắt đỏ. Trong khi đó, iRender cung cấp cấu hình mạnh mẽ tương tự với giá thành thấp hơn tối thiểu là 30%. Khách hàng sử dụng dịch vụ GPU AI Cloud trả phí trên khối lượng công việc thực tế được xử lý - đây là phương thức thanh toán Pay - Per - Use phổ biến trong thời đại hiện nay. Ngoài ra, khá nhiều tính năng miễn phí trên GPU AI Cloud cũng rất có ích cho các khách hàng cá nhân (dung lượng lưu trữ, dung lượng upload - download dữ liệu,...). Nhờ đó, iRender hoàn toàn có thể đưa 1 dịch vụ điện toán mạnh mẽ và hiện đại đến gần với những khách hàng cá nhân hạn chế về tài chính.