MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Israel-Iran nóng rực: Trung Đông bên bờ chiến tranh tổng lực, cơ hội cuối để tránh thảm họa hủy diệt

15-08-2024 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Ngòi nổ hiện nay đang nằm trong tay Iran và Israel. Chỉ một tia lửa nhỏ cũng có thể làm bùng cháy toàn bộ khu vực.

Dư luận quốc tế đang dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình Trung Đông, khi leo thang căng thẳng lên đến đỉnh điểm: hàng loạt các thủ lĩnh chính trị của Hamas và Hezbollah bị Israel sát hại; Tel Aviv vẫn không ngừng tấn công Gaza khiến nhiều người thiệt mạng; Iran và Israel đang chuẩn bị trả đũa lẫn nhau.

Nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh tổng lực, toàn diện đang cận kề. Ngòi nổ hiện nay đang nằm trong tay Iran và Israel. Thế giới đang nín thở chở kế quả đàm phán giữa Israel và Hamas để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Đây là cơ hội cuối cùng để tránh một cuộc chiến tranh hủy diệt ở Trung Đông.

Vì sao Iran chưa đáp trả Israel?

Iran không thể không đáp trả Israel để trả thù cho các vụ thiệt mạng ngày 31/7 của người đứng đầu Văn phòng chính trị Hamas, Ismail Haniyeh tại Tehran và nhân vật số hai của Hezbollah, Fuad Shukr tại ngoại ô Thủ đô Beirut của Lebanon.

Lãnh tụ tối cao, Giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố “sẽ đáp trả khốc liệt” Israel và buộc Tel Aviv phải hối hận về các hành động của mình. Tuy nhiên, đến nay cuộc đáp trả này vẫn chưa xảy ra.

Iran vẫn đang ráo riết chuẩn bị đáp trả Israel, các lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và quân đội Iran đã được lệnh đặt trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng chiến đấu. Iran đã di chuyển các bệ phóng tên lửa đạn đạo hướng về phía Nhà nước Do Thái.

Tuy nhiên, đến nay Iran vẫn chưa phát động tấn công. Điều đó không có nghĩa là Iran đã hủy kế hoạch tấn công Isael. Tehran đang tính toán kỹ, xem xét hình thức đáp trả để tránh thiệt hại lớn, tránh bùng nổ ra một cuộc chiến tranh tổng lực ra toàn khu vực, đặc biệt trong khi Israel với vũ khí vượt trội lại được Mỹ đưa các lực lượng quân sự lớn đến khu vực phối hợp với Israel tấn công trả đũa Iran.

Mặt khác, các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ý, Liên hợp quốc cùng nhiều nước khác kêu gọi hai bên kiềm chế để tránh một cuộc chiến tranh toàn diện, gây thiệt hại không thể lường trước được cho cả hai nước cũng như toàn bộ khu vực.

Việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể khiến Iran kiềm chế tiến hành một cuộc tấn công trả đũa Israel. Iran cho rằng, chính những lời đe dọa tấn công trả đũa Israel đã buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp nhận ngừng bắn và đây được coi là thắng lợi của Tehran.

Israel-Iran nóng rực: Trung Đông bên bờ chiến tranh tổng lực, cơ hội cuối để tránh thảm họa hủy diệt- Ảnh 1.

Vụ sát hại thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh hôm 31/7 đã thổi bùng nguy cơ xung đột giữa Israel với Iran và các đồng minh (Ảnh: Joe Catron)

Khi được hỏi liệu thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có thể ngăn chặn cuộc tấn công của Iran xảy ra hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Đây là điều tôi mong đợi và các cuộc đàm phán đang được tăng cường để đạt được mục tiêu này.”

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Piere nói: “Chúng tôi tin rằng các nhà đàm phán nên ngồi vào bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận ngừng bắn là cách tốt nhất để xoa dịu tình hình căng thẳng ở Trung Đông”.

Các nước đang ép cả Israel và Hamas trở lại bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trao trả những người bị giam giữ. Thủ tướng Netanyahu đã chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán ngày 15/8 theo đề nghị của Mỹ, Ai Cập và Qatar.

Các nhà quan sát cho rằng việc Iran có tiến hành tấn công Israel hay không tùy thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán giữa Israel và Hamas ngày 15/8 và nếu Iran đáp trả thì cũng sẽ thông qua các tổ chức trong “Trục kháng chiến” gồm Hezbollah, Houthi và các lực lượng dân quân Hashd Sha’abi ở Iraq.

Thủ tướng Netanyahu buộc phải tiến hành cuộc chiến đến cùng

Tình hình nội bộ Israel hết sức phức tạp, chia rẽ sâu sắc. Thủ tướng Netanyahu đang chịu nhiều sức ép to lớn trong nước. Ông bị chỉ trích gay gắt vì những sơ hở về an ninh, để xảy ra vụ 7/10/2023 khi Hamas tấn công vào sâu trong lãnh thổ và bắt đi nhiều con tin, chiến dịch quân sự ở Gaza kéo dài không đạt được mục tiêu là tiêu diệt Hamas và lấy lại con tin. Phe đối lập, các cuộc biểu tình lớn bùng nổ đòi ông từ chức và tiến hành bầu cử trước hạn.

Các phần tử cực hữu trong chính phủ, đặc biệt 2 nhân vật hiếu chiến nhất là Bộ trưởng An ninh Quốc gia Ben Gavir và Bộ trương Tài chính Bezalel Smotrish kêu gọi tiếp tục cuộc chiến đến cùng, tiêu diệt Hamas và các tổ chức vũ trang Palestine khác, xóa bỏ vấn đề Palestine, tấn công Iran...

Trong khi đó, Công tố viên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan đề nghị bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant do vi phạm tội ác chiến tranh.

Ngoài ra, ông Netanyahu còn đang vướng vào rắc rối pháp lý với những cáo buộc liên quan tham nhũng, nhận hối lộ, lạm dụng lòng tin... Uy tín của ông xuống thấp chưa từng thấy.

Trong tình hình như vậy, ông Netanyahu trong tình thế "đâm lao phải theo lao", phải tiếp tục cuộc chiến tại Gaza, chống Iran và các tổ chức trong trục kháng chiến do Iran lãnh đạo để duy trì chức vụ Thủ tướng và ngăn cản khả năng chính phủ của mình bị sụp đổ, đồng thời để đánh lạc hướng dư luận trong nước về những vấn đề của ông đang gặp phải.

Ngừng cuộc chiến có nghĩa là ông sẽ phải ra đi, chính phủ sụp đổ và phải tổ chức bầu cử lại.

Israel-Iran nóng rực: Trung Đông bên bờ chiến tranh tổng lực, cơ hội cuối để tránh thảm họa hủy diệt- Ảnh 2.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ tại Washington, ngày 24/7/2024 (Ảnh: Kent Nishimura/Getty Images)

Việc Israel thanh trừng các đối thủ không giải quyết được xung đột

Đây không phải lần đầu tiên Israel ám sát các thủ lĩnh của nhóm Hezbollah và Hamas. Kể từ khi bùng nổ xung đột Israel - Hamas tháng 10/2023 đến nay đã có 6 lãnh đạo cao cấp của Hamas và 3 lãnh đạo cao cấp của Hezbollah bị Israel hạ sát.

Israel không chỉ bị cáo buộc giết thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh mà còn giết cả 7 con cháu của ông này.

Trước đây, Israel cũng đã ra tay với nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của Hamas, trong đó có người thành lập ra phong trào này là Sheikh Ahmed Yassin và Abdel Aziz Al-Rantisi tháng 4/2004, nhưng không giải quyết được vấn để gì và không tiêu diệt được phong trào này.

Hamas không chỉ là một lực lượng quân sự mà còn là một phong trào chính trị có hệ tư tưởng của riêng mình, tuyên bố sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cho lý tưởng.

Quân đội Israel hùng hậu với các loại vũ khí hiện đại nhất, được Mỹ ủng hộ, 10 tháng nay không tiêu diệt được Hamas thì việc loại trừ các nhà lãnh đạo của họ sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho Tel Aviv.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng những hành động ám sát này sẽ có tác dụng ngược. Việc Yahya Sinwar lên thay ông Haniyeh (người vốn có thái độ mềm dẻo, ôn hòa hơn) hoàn toàn không có lợi cho Israel, không có lợi cho các cuộc đàm phán hiện nay.

Ngay sau khi Ismail Haniyeh bị giết 1 tuần, ngày 6/8/2024, Hamas đã bầu Yahya Sinwar, một nhân vật có quan điểm hết sức cứng rắn, đầu não của cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023 và hiện đang dẫn dắt cuộc đối đầu với lực lượng Israel ở Gaza. Ông này từng bị Israel kết án 4 án tù chung thân, đã thụ án được 25 năm và được thả trong một cuộc trao đổi tù binh giữa Israel và Hamas năm 2011.

Israel-Iran nóng rực: Trung Đông bên bờ chiến tranh tổng lực, cơ hội cuối để tránh thảm họa hủy diệt- Ảnh 3.

Yahya Sinwar, nhân vật bị Israel cáo buộc là chủ mưu vụ tấn công đẫm máu ngày 7/10/2023, đã trở thành thủ lĩnh chính trị mới của Hamas sau khi Ismail Haniyeh thiệt mạng ngày 31/7/2024 (Ảnh: AFP)

Trước mắt Hamas có thể suy yếu, nhưng được cho là sẽ phục hồi nhanh chóng và tiếp tục con đường đã chọn. Họ tự dựa vào sức mình và được nhiều nước Ả Rập, các nước Hồi giáo và nhiều bên khác trên thế giới ủng hộ.

Israel cũng đã sát hại nhiều thủ lĩnh cấp cao của của Hezbollah, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), nhiều nhà khoa học hạt nhân Iran, nhưng cũng không làm Hezbollah, PLO thay đổi đường lối và không làm cho Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Việc giết hại các nhà lãnh đạo của nhau và chiến tranh chỉ làm tăng thêm sự thù địch. Con đường duy nhất là đàm phán hòa bình để tìm ra giải pháp cho các vấn đề xung đột.

Ảnh hưởng của cuộc chiến Gaza với chính trường Mỹ

Cuộc chiến của Israel ở Gaza ảnh hưởng rất lớn đến chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Mỹ và ngược lại. Các nhà phân tích chính trị Mỹ nhận định tác động qua lại này có thể sẽ kéo dài đến tháng 11 tới sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên đảng Dân chủ tiếp tục chiến dịch tranh cử của mình.

Mới đây, tại cuộc bầu cử sơ bộ, nghị sĩ đảng Dân chủ Cori Bush đã thua trong cuộc bầu cử sơ bộ trước Bộ trưởng Tư pháp ôn hòa Wesley Bell. Theo USA Today, điều này cho thấy rằng khó có thể bỏ qua vai trò của các nhóm thân Israel đã lợi dụng tình hình để chống C. Bush, phản đối các hành động của Israel ở Gaza.

Lập trường của Cori Bush đối với Israel đã khiến bà thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở St. Louis, đánh dấu lần thứ hai trong năm nay một đảng viên đương nhiệm bị lật đổ trong một cuộc tranh cử tốn kém, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc về cuộc chiến ở Gaza.

C. Bush là nữ nghị sĩ đầu tiên kêu gọi ngừng bắn, và trong nhiều tháng đã công khai chỉ trích Israel, tẩy chay buổi phát biểu của Thủ tướng Israel Netanyahu tại Quốc hội Mỹ ngày 24/7/2024, bà cho rằng đây sẽ là sự tôn vinh một "tội phạm chiến tranh".

C.Bush là thành viên thứ hai của đảng Dân chủ đã thua trong cuộc bầu cử sơ bộ trong năm nay.

Trước đây, tháng 6 vừa qua, nghị sĩ Jamaal Bowman, đảng viên đảng Dân chủ đến từ bang New York, đã thua George Latimer, đối thủ ôn hòa hơn. Giống như C.Bush, Bowman đã chỉ trích Israel và kêu gọi ngừng bắn ở Gaza.

Việc Cori Bush và Jamaal Bowman của đảng Dân chủ có thể ảnh hưởng đến cách ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris thể hiện quan điểm của mình trong chiến dịch tranh cử Tổng thống những tháng còn lại.


Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên