Ít xảy ra tình trạng “nhảy việc” đầu năm
Khan hiếm lao động, doanh nghiệp muốn tuyển nhưng không được. Đó là tình trạng xảy ra đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, khi thị trường việc làm đầu năm không mấy sôi động. Phải chăng thị trường lao động ảm đạm là do tâm lý của người lao động vẫn chưa sẵn sàng sau Tết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia lao động, người lao động hiện nay không còn tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nữa, bởi ngay khi kết thúc kỳ nghỉ Tết đã có đến 99% lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Việc doanh nghiệp khó tuyển dụng đầu năm thực ra là tín hiệu tích cực cho thị trường lao động, bởi tình trạng “nhảy việc” sau Tết đã dần được cải thiện.
Đây là thực tế tại phiên giao dịch việc làm đầu năm mới được Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức. Theo số liệu của trung tâm thì phiên giao dịch việc làm này có 57 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 707 vị trí việc làm. Trong đó, Sàn giao dịch việc làm tại 215 Trung Kính có 21 đơn vị, còn lại 14 sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch vệ tinh mỗi nơi có từ 1- 3 đơn vị.
Tình trạng “ảm đạm” tại các phiên giao dịch việc làm đầu năm.
Vấn đề đáng quan tâm nhất là kết thúc phiên giao dịch việc làm đầu năm nay trong hơn 700 chỉ tiêu việc làm, chỉ có… 1 lao động đến tham gia tuyển dụng. Tình trạng cũng không khá khẩm hơn là hàng loạt trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu năm đều trong tình trạng “ế khách”, như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, có 66 lượt doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm, với nhu cầu tuyển dụng trên 3.700 lao động. Mặc dù số lượng tuyển dụng lớn nhưng số người đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm chỉ khiêm tốn với 278 người, chiếm khoảng 7,4%. Do đó, số lao động được tuyển dụng qua đây cũng không đáng kể.
Tình trạng khó tuyển dụng lao động đang khiến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Linh Hân (chuyên về hàng may mặc xuất khẩu) cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, đơn vị này có nhu cầu tuyển dụng hơn 200 nhân sự cho các vị trí công nhân may, phụ may, tổ trưởng, quản đốc. Nhưng từ sau kỳ nghỉ Tết đến nay, công ty mới chỉ tuyển được 1/4 nhu cầu cần tuyển.
Cũng trong tình trạng “khan hiếm” ứng viên, bà Bùi Tuyết Nhung - Giám đốc Công ty Cung ứng dịch vụ du lịch Nhung Linh (477 Nguyễn Trãi) cho biết, để đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong năm 2019, đơn vị này cần tuyển 20 nhân sự cho các vị trí như: nhân viên sales và điều hành tour nội địa, trưởng phòng kinh doanh, trợ lý giám đốc.
Qua chia sẻ của bà Nhung thì tại phiên giao dịch việc làm đầu năm, công ty này cũng đăng ký tuyển dụng 1 gian hàng tại Trung tâm giới thiệu việc làm cơ sở Trung Kính. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch việc làm đó, không có bất kỳ ứng viên nào ứng tuyển.
Mặc dù thị trường lao động đầu năm khá im ắng nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế thì đây lại là tín hiệu mừng cho thị trường lao động, bởi vì điều này báo hiệu tỷ lệ lao động thất nghiệp không cao. Nhận định về thị trường lao động, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, năm 2019, thị trường lao động toàn quốc nói chung và Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực, đáng mừng. Điều này thể hiện qua tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc sau Tết năm nay khá cao, do vậy doanh nghiệp không phải chịu áp lực về việc thiếu lao động sau Tết.
“Người lao động và người sử dụng lao động đã có tiếng nói chung, có sự gắn kết, nên tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc khá cao. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các chế độ đãi ngộ tốt hơn để giữ chân người lao động. Chính vì vậy, nhu cầu tìm việc khác không xuất hiện vào thời điểm này”, bà Liễu nói.
Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội, Đinh Quốc Toản cũng đánh giá, khác với những năm trước, lực lượng lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi hầu như không biến động. Số lượng công nhân trở lại các doanh nghiệp ổn định. Đáng chú ý, tình trạng "nhảy việc" đã thay đổi theo hướng tích cực do các chính sách hỗ trợ, thưởng Tết và phúc lợi cho người lao động được cải thiện.
“Trong bối cảnh cạnh tranh lao động hiện nay, các doanh nghiệp đều nhận thức rất rõ do đó tạo điều kiện làm việc tốt cho người lao động, xây dựng môi trường lao động an toàn; bảo đảm các chế độ, chính sách bằng và cao hơn quy định của pháp luật, giúp công nhân nuôi sống được bản thân và gia đình. Điều này là cơ sở để người lao động yên tâm gắn bó, làm việc lâu dài”, ông Toản nhận xét.
Ông Toản cho biết, công đoàn các KCN-KCX Hà Nội cũng đã chỉ đạo công đoàn cơ sở vận động công nhân chấp hành tốt các quy định, nội quy của doanh nghiệp, xây dựng công ty ổn định và phát triển, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ để đời sống người lao động được bảo đảm, doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Đối với lao động muốn tìm việc đầu năm, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, đầu năm các doanh nghiệp đều có kế hoạch tuyển dụng cho năm mới, chỉ tiêu tuyển dụng nhiều.
Lợi dụng điều này, nhiều trung tâm môi giới đưa ra lời mời việc nhẹ lương cao, người lao động nên tìm hiểu kỹ, bởi đã có những trường hợp người lao động nộp lệ phí tìm việc nhưng không đòi được tiền, mất cả giấy tờ gốc và tiền đặt cọc. Bà Liễu khuyến cáo, người lao động nên tìm hiểu về đơn vị tuyển dụng về địa chỉ, quy mô công ty, hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng địa chỉ giả mạo.
Công an nhân dân