IVS: TTCK thường điều chỉnh trong khoảng Tháng 8 - tháng 9, nhưng năm nay, tiền vào cực mạnh
Theo thống kê sơ bộ cho dù thanh khoản luôn duy trì mức cao với khoảng 4.500- 5.000 tỷ đồng/phiên nhưng lượng tiền Margin tại các CTCK không tăng quá nhiều. Hơn nữa, xét về các kênh đầu tư đang cho thấy TTCK vẫn là điểm hấp dẫn nhất hiện nay.
- 26-07-2017CTCK nhận định thị trường 26/07: Giải ngân dò đáy, ưu tiên cổ phiếu ngân hàng, thép xây dựng, cao su
- 26-07-2017Các quỹ ngoại vừa trao tay số cổ phiếu FPT trị giá khoảng 270 tỷ đồng
- 25-07-2017Thấy gì qua giao dịch của khối ngoại trên TTCK Việt Nam trong 6 tháng đầu năm?
Trong báo cáo chiến lược quý 3/2017 mới công bố của CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS), các chuyên gia đã nêu lên 7 rủi ro hiện hữu đối với thị trường chứng khoán. Một trong những quan ngại được đưa ra là việc thị trường thường có xu hướng điều chỉnh bắt đầu trong khoảng Tháng 8 đến tháng 9. Nhịp điều chỉnh này thường sẽ kéo dài đến cuối năm hoặc sang đầu năm sau. Thực tế đã diễn ra như vậy, nhưng theo các chuyên gia, điểm khác biệt rất rõ so với mọi năm đó là dòng tiền vào TTCK năm nay cực mạnh.
Dưới đây là 7 rủi ro do IVS nêu lên:
Hệ số PE của nhiều Cổ phiếu cơ bản đã tăng quá cao
Hầu hết giá các cổ phiếu cơ bản đều đã tăng mạnh trong Quý 2 vừa qua đẩy hệ số P/E lên mức khá cao. Chỉ còn 1 số ít cổ phiếu còn có mức P/E tương đối thấp không chỉ so với trung bình ngành mà còn so với chính của cổ phiếu đó trong những năm trước đây. Điều này cho thấy khả năng tăng giá của những cổ phiếu này bị đặt câu hỏi? Không loại trừ sẽ có một nhịp điều chỉnh tương đối mạnh nhưng IVS đánh giá rủi ro với những cổ phiếu này không nhiều do khả năng tạo lợi nhuận tốt.
Chiến lược “tin ra là bán”
Nhiều cổ phiếu hiện nay bị bán mạnh sau khi thông tin được công bố, mà điển hình nhất chính là nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Trước khi Dự thảo xử lý nợ xấu ban hành, nhóm cổ phiếu này tăng giá rất mạnh, nhưng khi Dự thảo được ban hành thành Nghị quyết một cách cụ thể thì cũng là lúc nhóm cổ phiếu Ngân hàng bị chốt lời.
Trong khi đó, nếu theo dõi nhóm cổ phiếu cơ bản như FPT, REE, HBC, HCM... đều nhận thấy đà tăng mạnh vừa qua phản ánh kỳ vọng vào KQKD tích cực của Doanh nghiệp trong quý 2. Tuy nhiên, một khi Doanh nghiệp công bố thông tin đó có thể sẽ là lúc mà những NĐT lớn chốt lời.
Khoảng trống thông tin
Thị trường đang bước vào mùa báo cáo KQKD bán niên, và kỳ vọng sẽ có nhiều bất ngờ giúp thị trường duy trì sự tích cực. Tuy nhiên, ở nửa cuối Quý 3, thị trường sẽ bắt đầu thiếu vắng những thông tin hỗ trợ. IVS cho biết, các chuyên gia chưa nhìn nhận thấy thông tin nào đủ hấp dẫn sau đó và điều này cũng là rủi ro đối với thị trường. Vì thế, câu chuyện sắp tới là gì và động lực tiếp theo của thị trường?
Giá cổ phiếu tạo đỉnh
Thống kê của IVS cho thấy số lượng mã cổ phiếu tạo đỉnh trong vòng 5-8 năm chiếm tỷ trọng cực lớn, đặc biệt là những cổ phiếu Penny có tính đầu cơ mà hoạt động kinh doanh không có nhiều thay đổi. Mặc dù đây không phải là tiêu chí quan trọng để đánh giá nhưng nếu để kỳ vọng giá có thể tăng thêm nữa là không nhiều bởi xét theo hệ số P/E thì những cổ phiếu này không còn rẻ.
“Thống kê của chúng tôi chỉ muốn chỉ ra rằng dòng tiền từ đầu năm đã đẩy giá của rất nhiều cổ phiếu tăng vượt bậc trong thời gian vừa qua” – báo cáo viết.
Chu kỳ điều chỉnh hàng năm
Theo dõi những năm gần đây, thị trường thường có xu hướng điều chỉnh bắt đầu trong khoảng Tháng 8 đến tháng 9. Nhịp điều chỉnh này thường sẽ kéo dài đến cuối năm hoặc sang đầu năm sau. Liệu kịch bản này có xảy ra hay không khi mà giá cổ phiếu đã ở mức khá cao, và thị trường sắp tới sẽ có khoảng trống thông tin.
Tuy nhiên có điểm khác biệt cực rõ so với mọi năm đó là dòng tiền vào TTCK năm nay cực mạnh so với mọi năm. Theo thống kê sơ bộ cho dù thanh khoản luôn duy trì mức cao với khoảng 4.500- 5.000 tỷ đồng/phiên nhưng lượng tiền Margin tại các CTCK không tăng quá nhiều. Hơn nữa, xét về các kênh đầu tư đang cho thấy TTCK vẫn là điểm hấp dẫn nhất hiện nay.
Việc dòng tiền tăng mạnh thời gian qua có thể phản ánh rằng tiền từ nhiều kênh đầu tư khác đang được tập trung sang. Vì thế, đây có thể được coi là yếu tố rất tích cực hỗ trợ cho TTCK trong thời gian tới.
Tăng trưởng M2 không quá mạnh và đang có dấu hiệu yếu đi
Năm 2017 rõ ràng có sự tương quan rất lớn giữa dòng tiền này với chỉ số VN-Index. Đây cũng là tiêu chí quan trọng mà chúng tôi đánh giá thị trường năm nay trong các bản tin Quý 1 và Quý 2. Tăng trưởng M2 quý I/2017 tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng kép giai đoạn 2014-2016 là 15,15%, thấp hơn giai đoạn siêu lạm phát năm 2007 là 20- 30%. M2 của quý I/2017 tăng trưởng 2,9% so với cuối năm 2016, cao hơn M2 cùng kỳ năm ngoái tăng 2,26% so với cuối năm 2015.
Tuy nhiên sang Quý 2 tăng trưởng của M2 chỉ là 5,7% YTD cho thấy dấu hiệu chậm lại. Với việc cố gắng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì việc tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ là công cụ như các năm trước đó là rõ ràng. Tuy nhiên, IVS đang nhận thấy dấu hiệu yếu đi của dòng tiền này và có thể nó cũng sẽ có tác động tới thị trường trong khoảng nửa cuối năm nay.
Rủi ro khác từ thế giới
Những bất đồng và những mối quan hệ căng thẳng trên thế giới đang hình thành với nhiều điểm nóng như: Syria – Triều Tiên và Quatar có thể tạo ra những mối nguy hại khó lường. Trong khi câu chuyện khác liên quan như Brexit của Anh đang bắt đầu quá trình đàm phán hay khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất thêm lần nữa vào tháng 8-9 tới đây theo lộ trình 4 lần/năm.