MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

JBIC nghiên cứu đưa thuật ngữ 'Việt Nam + 1' vào ấn phẩm chính thức

Ngày 7/10, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP HCM (CSID) và công ty Reed Tradex Vietnam đã giới thiệu Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2020 nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tại đây, Trưởng Đại diện JETRO tại TP. HCM, ông Hirai Shinji nhận định, Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có cơ sở ở nước ngoài hiện đang có kế hoạch đa dạng hoá cơ sở hoạt động tại Việt Nam.

Đưa thuật ngữ 'Việt Nam + 1' vào các ấn phẩm chính thức

Cụ thể, một doanh nghiệp Nhật Bản hiện có nhà máy trong khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) và Tân Thuận (quận 7) đang thăm dò một vài tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam để mở rộng cơ sở sản xuất. Đáng chú ý, Acecook là doanh nghiệp Nhật Bản duy nhất đặt nhà máy tại Vĩnh Long. Mới đây, công ty Towa và Furukawa đều đang thăm dò cơ hội đầu tư nhà máy sản xuất mới ở các khu vực này. 

JBIC nghiên cứu đưa thuật ngữ Việt Nam + 1 vào ấn phẩm chính thức - Ảnh 1.

Ông Hirai Shinji

Trưởng Đại diện JETRO phát biểu: "Tôi nhận thấy đây là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có mặt tai Việt Nam".

Đặc biệt, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các chính sách đa dạng hoá cơ sở sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp muốn đa dạng hoá cơ sở sản xuất về vấn đề tài chính. Trong đó, 124 doanh nghiệp đăng ký thì có 30 doanh nghiệp đã được Chính phủ Nhật Bản chấp thuận, trong số đó có 15 doanh nghiệp sẽ mở rộng nhà máy tại Việt Nam.

Ông Hirai Shinji nhấn mạnh: "Năm 2011, có 67,9% doanh nghiệp trả lời chọn Trung Quốc, chỉ có 27,9% chọn Việt Nam. Song sau 9 năm, khoảng cách này chỉ còn hơn 7% với 41% doanh nghiệp chọn Việt Nam. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang giảm vị thế trong danh sách điểm đến mở rộng đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, còn Việt Nam lại đang trên đà bắt kịp".

Trưởng Đại diện JETRO gọi đây là chiến lược 'Việt Nam + 1'. Ngoài việc dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, từng được biết đến với tên gọi 'Trung Quốc + 1', ông Hirai Shinji chỉ ra doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội tiếp tục mở cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam.

Ông cho biết thêm: "Trước xu hướng này, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang nghiên cứu để đưa thuật ngữ 'Việt Nam + 1' vào các ấn phẩm chính thức".

"Từ năm 2019, các doanh nghiệp đã có ý định đẩy mạnh đầu tư ở Việt Nam. Hiện nay, với thành công chống dịch Covid-19 của Việt Nam, thị trường Việt chắc chắn còn được chú ý nhiều hơn. Nhất là đối với các doanh nghiệp chưa từng đầu tư tại Việt Nam, hiện mong muốn đầu tư nhưng chưa thể sang nghiên cứu thị trường thì xu hướng 'Việt Nam + 1' sẽ được thấy rõ hơn", ông Hirai Shinji chia sẻ.

Thách thức về sản xuất nhỏ lẻ, thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp

Mặc dù, các vấn đề như công nghệ lạc hậu, sản xuất manh mún, thiếu hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau. Theo JETRO, tỷ lệ thu mua nội địa của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam chỉ ở mức 36,3%, thấp hơn so với 69,5% của Trung Quốc, 60,8% của Thái Lan, 45,9% của Indonesia và 37,8% của Malaysia.

Trưởng Đại diện cho rằng với ngành chế tạo, tỷ lệ thu mua nội địa của Việt Nam từ sau năm 2010 dần có sự gia tăng, nhưng nếu so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì khoảng cách chưa được rút ngắn. 

Ông Hirai Shinji khẳng định: "Không đơn giản chỉ là việc có công nghệ, trình độ kỹ thuật thì sẽ gia tăng được tỷ lệ này. Ví dụ như các doanh nghiệp muốn mở cơ sở sản xuất tại Cần Thơ, Vĩnh Long,... thì phải xem xét khoảng cách từ đó đến TP HCM, thời gian vận chuyển hàng hoá, đảm bảo tiến độ sản xuất".

JBIC nghiên cứu đưa thuật ngữ Việt Nam + 1 vào ấn phẩm chính thức - Ảnh 2.

Cũng tại triển lãm, Phó Giám đốc, Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh (CSID), bà Lê Nguyễn Duy Oanh nêu rõ rào cản lớn nhất là khả năng sản xuất hàng loạt của nhà máy.

Theo khảo sát của CSID, hơn 50% trong 60 doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ chỉ có thể sản xuất nhỏ lẻ theo từng đơn hàng. Con số này được coi là 'khập khiễng' với nhu cầu lớn về sản lượng của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đại diện CSID phát biểu: "Điều cần nhất là phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất để có thể cạnh tranh với những nhà cung ứng khác. Đây không phải câu chuyện của những 'ông lớn'. Doanh nghiệp nhỏ vẫn làm được nếu quyết tâm và chịu học hỏi".

Cuối cùng, bà chỉ ra các công ty như công ty Hiệp Phước Thành hiện cung ứng các chi tiết nhựa kĩ thuật cho Samsung, Piaggo và nhiều doanh nghiệp Nhật khác, hoặc Cát Thái, Tiến Thịnh cũng đã tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện điện tử của nhiều doanh nghiệp Nhật.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên