MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Jim Cramer: Đại dịch dẫn đến "cuộc chuyển giao của cải lớn nhất trong lịch sử"!

05-06-2020 - 15:05 PM | Tài chính quốc tế

"Đây là cuộc suy thoái đầu tiên mà các doanh nghiệp lớn vượt qua mà gần như không bị tổn thương".

Đại dịch Covid-19 và các lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã mở đường cho "một trong những cuộc chuyển giao của cải lớn nhất trong lịch sử", chuyên gia Jim Cramer của CNBC phát biểu hôm qua (4/6).

Người dẫn chương trình của "Mad Money" nhận định về tình hình hiện nay: thị trường chứng khoán không phản ánh nền kinh tế, mà trường phản ánh tương lai của các doanh nghiệp lớn. Và thị trường tăng điểm mạnh vì kỳ vọng các doanh nghiệp lớn sẽ hồi phục sau khi được mở cửa trở lại, nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì đang "chết như ngả rạ". Do đó kết quả là Covid-19 dẫn đến cuộc chuyển giao của cải từ doanh nghiệp nhỏ sang doanh nghiệp lớn.

"Công ty càng lớn thì càng có những bước tiến lớn so với trung bình, và điều đó quan trọng vì đây là cuộc suy thoái đầu tiên mà các doanh nghiệp lớn vượt qua mà gần như không bị tổn thương", ông nói.

Những bình luận này được đưa ra sau khi phố Wall vừa chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp nhờ niềm hi vọng nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.

Các nhà đầu tư cũng phản ứng với dữ liệu kinh tế tồi tệ hơn dự báo. Bộ Lao động Mỹ hôm qua công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước là 1,877 triệu đơn, trong khi con số dự báo chỉ là 1,775 triệu đơn.

Bất chấp những nỗi đau mà kinh tế Mỹ đang phải gánh chịu, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 42% so với mức đáy lập hồi tháng 3 và lập kỷ lục mới. Chỉ số công nghệ Nasdaq 100 thì đã hồi phục hoàn toàn và lập đỉnh mới. Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược vào kịch bản nền kinh tế sẽ hồi phục theo hình chữ V.

"Tôi nghĩ rằng nhiều người đang trông chờ cú hồi phục hình chữ V trên TTCK, nhưng điều đó chẳng liên quan gì đến cú hồi phục hình chữ V của nền kinh tế", Crammer nói.

Ông bổ sung thêm rằng để giúp các doanh nghiệp nhỏ vượt qua đại dịch, chính phủ liên bang cần phải thông qua 1 gói kích thích kinh tế khác. Trong tháng 5, số công ty Mỹ nộp đơn xin phá sản theo Chapter 11 đã tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Thế giới thực rất tàn khốc, với vô vàn vụ phá sản nhưng trên TTCK chỉ có 1 vụ phá sản duy nhất là công ty cho thuê xe Hertz".

Và hiện nay chúng ta mới chỉ đang chứng kiến "bề nổi của tảng băng chìm" khi nói về những tác động của tình trạng "đóng băng toàn cầu" lên nền kinh tế Mỹ.

Hôm 3/6 vừa qua Thượng viện Mỹ đã trình lên 1 dự luật để Tổng thống Trump phê duyệt, theo đó sẽ nới lỏng các quy định về cách các doanh nghiệp chi tiêu tiền trợ cấp mà họ nhận được từ chương trình Bảo vệ tiền lương PPP.

"Các công ty nhận được tiền đã nhận được ưu đãi rất lớn: để được miễn nợ họ chỉ cần chi 60% số tiền nhận được cho người lao động thay vì 75% như ban đầu. Điều đó quan trọng, vì phần lớn các công ty nhỏ sụp đổ là vì họ không thể trả tiền thuê", Cramer nói.

"Nhưng cuối cùng thì gói kích thích này sẽ là không đủ, vì 1 lý do đơn giản: giãn cách xã hội".

Tham khảo CNBC

An Nguyên

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên