John Keynes - Chân dung nhà buôn tiền lừng lẫy đằng sau những học thuyết kinh tế vĩ đại
Keynes còn là một nhà đầu tư lừng lẫy rất thành công trong việc quản lý tài chính cá nhân, quản lý tài chính cho gia đình và bạn bè, vận hành hai công ty bảo hiểm tại Anh và quản lý rất nhiều quỹ đầu tư mà ngày nay chúng ta gọi là các quỹ đầu cơ.
- 28-07-2015"Cuộc thi sắc đẹp" của Keynes
- 25-09-2014Bí quyết đoán trước tương lai của Keynes
- 18-01-2013Kinh tế Nhật Bản: Keynes, tàu hỏa và xe hơi
Nhắc đến John Keynes, người ta thường nghĩ đến các học thuyết kinh tế vĩ đại của ông. Tuy nhiên, những thành công trong đầu tư của nhà kinh tế học nổi tiếng này mới là điều thú vị ít người biết được.
Cha đẻ của những học thuyết kinh tế vĩ đại
John Maynard Keynes (sinh năm 1883) là một nhà kinh tế học người Anh. Ông nổi tiếng với học thuyết kinh tế Keynes – một học thuyết kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn tới kinh tế học và chính trị hiện đại.
Ông ủng hộ cho sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế, bởi nhờ đó chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để làm giảm đi những ảnh hưởng bất lợi do suy thoái kinh tế hay bùng nổ kinh tế gây ra. Ông là người khai sinh kinh tế học vĩ mô hiện đại và là nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.
Cuộc đại khủng hoảng 1929 -1933 đã ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ của Keynes về kinh tế học. Trước đó, các nhà kinh tế cho rằng, mỗi khi có khủng hoảng kinh tế, giá cả và tiền công sẽ giảm đi; các nhà sản xuất sẽ có động lực đẩy mạnh thuê mướn lao động và mở rộng sản xuất, nhờ đó nền kinh tế sẽ phục hồi.
Nhưng Keynes lại quan sát cuộc đại khủng hoảng và nhận ra rằng tiền công không hề giảm, việc làm cũng không tăng, và sản xuất mãi không hồi phục nổi. Từ đó, Keynes cho rằng thị trường không vận hành hoàn hảo như những gì các nhà kinh tế cổ điển vẫn nghĩ.
Keynes có vai trò rất lớn trong việc giảm những ảnh hưởng bất lợi do cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 gây ra. Ông đã từng gửi thư đệ trình lên Tổng thống Franklin Delano Roosevelt về thâm hụt ngân sách.
Các học thuyết kinh tế của ông được coi là ánh sáng soi đường cho chính sách điều hành kinh tế cũng như tạo việc làm của các quốc gia, trong đó phải kể đến chính sách kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009.
Bên cạnh đó, Keynes còn là cha đẻ của những hiệp định thương mại thời hậu chiến Bretton Woods, một nhà bảo trợ nghệ thuật và một nhà triết học.
Nhà buôn tiền lững lẫy thế kỷ 20
Có lẽ ít người biết rằng, bên cạnh những học thuyết kinh tế vĩ đại, John Maynard Keynes còn là một nhà đầu tư lừng lẫy rất thành công trong việc quản lý tài chính cá nhân, quản lý tài chính cho gia đình và bạn bè, vận hành hai công ty bảo hiểm tại Anh và quản lý rất nhiều quỹ đầu tư mà ngày nay chúng ta gọi là các quỹ đầu cơ.
“John Keynes từng vấp ngã và thất bại rất nhiều lần trước khi chạm tới thành công. Ông từng lâm vào cảnh vô sản không dưới 3 lần nhưng lần nào ông cũng vực dậy và quay trở lại cuộc đua với suy nghĩ sẽ xây dựng tài sản lâu dài” – nhà báo John Wasik nói về Keynes trên tờ New York Times.
Sau chiến tranh, Keynes từng đặt cược rất nhiều vào các đồng tiền nhưng ông đã gần như mất toàn bộ tài sản khi nhiều đồng tiền châu Âu mà ông đặt cược trượt giá đều quay đầu hồi phục vào năm 1920. Không nản lòng, ông tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư vào các loại hàng hóa và cả cổ phiếu phổ thông – một điều mà hầu hết các nhà đầu tư thời kỳ đó không ai dám làm do ưa thích trái phiếu và bất động sản an toàn hơn.
Keynes đã dũng cảm cưỡi sóng, nhưng ở thời điểm năm 1929, ông đã không thành công và bị mất tất cả. Trước hoàn cảnh đó, Keynes tiếp tục thay đổi chiến lược đầu tư và tập trung vào nhiều công ty khác nhau nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Trong giai đoạn những năm 1930, không giống như những nhà đầu tư khác chạy theo từng biến động nhỏ của thị trường chứng khoán, ông tập trung vào phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp như giá trị sổ sách hoặc giá trị thanh lý tài sản để tìm ra danh mục đầu tư tiềm năng nhất. Theo ông, những chỉ số này mới cho thấy giá trị thực của doanh nghiệp kể cả sau khi tách ra hoặc hợp nhất, mà thường không được phản ánh vào giá cổ phiếu. Do đó, ông thường chọn những công ty có tương lai đầy hứa hẹn nhưng lại không được đánh giá cao ở thời điểm đó.
Trước khi mất vào năm 1946, Keynes là một trong những nhà kinh tế giàu có nhất mọi thời đại. Tính theo tỷ giá đô la Mỹ năm 2013, tổng tài sản của nhà kinh tế học này sở hữu lên đến 30 triệu USD, chưa kể bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật quý hiếm của ông.
Bài học đầu tư lớn nhất mà Keynes để lại chính là điều mà các nhà đầu tư hiện nay vẫn hay “thờ ơ”: Một kế hoạch tỉ mỉ sẽ không bị đe dọa bởi những biến động bất ngờ của thị trường, bạn phải tập trung vào giá trị dài hạn và tổng lợi nhuận.
Có thể nói, bên cạnh những học thuyết kinh tế vĩ đại, John Keynes còn là nhà đầu tư thiên tài và là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà đầu tư hiện đại từ Warren Buffett đến Robert Shiller.