MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

John McAfee: “Cài chip gián điệp là chuyện rất bình thường và không có gì đáng ngạc nhiên, mọi thiết bị công nghệ hiện nay đều có thể trở thành gián điệp”

08-10-2018 - 16:04 PM | Tài chính quốc tế

Nhà sáng lập phần mềm McAfee Antivirus đã có những phát ngôn mới gây chấn động.

Cả thế giới đang rất tập trung quan tâm sự việc Bloomberg báo cáo tiết lộ các máy chủ của Apple và Amazon bị cài chip gián điệp của Trung Quốc. Tranh cãi đã nổ ra, khi mà Apple và Amazon đều kịch liệt bác bỏ các cáo buộc của Bloomberg. Hiện tại vẫn chưa thể biết được rằng ai đúng ai sai.

Trong lúc đó, chuyên gia bảo mật John McAfee lại có một phát ngôn gây chấn động. Nhà sáng lập phần mềm McAfee Antivirus cho rằng việc cài chip gián điệp là chuyện rất bình thường trong giới công nghệ. Nó đã được thực hiện suốt 25 năm qua, vì vậy mà vụ việc SuperMicro không có gì đáng ngạc nhiên đối với một chuyên gia bảo mật.

 John McAfee đã đăng một bài viết của mình về vấn đề này trên trang tạp chí trực tuyến Loggia on Fire. Dưới đây là lược dịch lại bài viết của vị chuyên gia bảo mật nổi tiếng này:

“Việc phát hiện những chip gián điệp gần như vô hình trong máy chủ của SuperMicro, không có gì đáng ngạc nhiên đối với một chuyên gia bảo mật và an ninh mạng. Các điệp viên đã từng sử dụng cả biện pháp phần cứng và phần mềm để xâm nhập mạng tình báo của các quốc gia khác trong hơn 25 năm qua.

Thậm chí Chính phủ còn muốn theo dõi cả người dân của mình. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất chính là cài các chuyên gia của mình vào trong các công ty công nghệ hàng đầu. Các công ty này thường rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, do đó việc cài các gián điệp không phải quá khó khăn.

Sau một thời gian, các gián điệp này có thể leo lên những chức vụ cao hơn, từ đó có quyền thay đổi thiết kế sản phẩm để phục vụ một mục đích đặc biệt. Nếu các gián điệp này đủ thông minh, việc phát hiện ra những vấn đề này thường không đơn giản.

Sự việc SuperMicro có thể là một ngẫu nhiên. Xác suất để phát hiện ra một vụ tấn công phần cứng như vậy vẫn là rất nhỏ. Những con chip gián điệp này chắc chắn đã bị cài vào từ nhiều năm trước, và mới chỉ được phát hiện một cách ngẫu nhiên.

Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc bị nghi ngờ, bởi nước này sản xuất tới 75% smartphone và 90% máy tính trên toàn thế giới. Nếu như các phần cứng này được sản xuất tại Châu Âu, Nga hoặc Mỹ thì mới là vấn đề đáng lo ngại.

Những cách thức tấn công bằng phần mềm mới là đáng lo ngại, bởi chúng hoàn toàn vô hình. Sự phức tạp của mạng máy tính và cấu trúc phần mềm ngày nay đã cho phép thực hiện nhiều cách thức tấn công bằng phần mềm khác nhau.

Chúng ta nên biết rằng các gián điệp đã được cài cắm vào rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Do đó mà hầu như tất cả các thiết bị công nghệ hiện nay đều có khả năng trở thành thiết bị gián điệp".

Tham khảo: Loggia on Fire

Theo TVD

Trí thức trẻ

Trở lên trên