MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Johnson & Johnson bồi thường hơn 70 triệu USD vì "phấn rôm gây ung thư"

29-10-2016 - 09:48 AM | Thị trường

Một bồi thẩm đoàn ở TP St Louis – Mỹ hôm 27-10 phán quyết tập đoàn Johnson & Johnson (J&J) bồi thường hơn 70 triệu USD cho một phụ nữ cho rằng bà bị ung thư do dùng phấn rôm Baby Powder của hãng này trong nhiều năm.

Phán quyết của bồi thẩm đoàn đã khép lại phiên tòa xét xử vụ kiện của bà Deborah Giannecchini ở TP Modesto, bang California, bắt đầu từ hôm 26-9. Đơn kiện cáo buộc J&J có “hành vi cẩu thả” trong việc sản xuất và tiếp thị sản phẩm phấn rôm em bé.

Bà Giannecchini bị chẩn đoán ung thư buồng trứng vào năm 2012.

Ông Jim Onder, luật sư của nguyên đơn, cho biết: “Chúng tôi rất hài lòng về việc bồi thẩm đoàn đưa ra quyết định đúng. Một lần nữa, họ tái khẳng định sự cần thiết của việc J&J nên cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ ung thư buồng trứng khi sử dụng sản phẩm của mình”.

Phía J&J vẫn chưa đưa ra bình luận nào về phán quyết trên.

Trong thông cáo cung cấp cho tờ St. Louis Post-Dispatch, bà Carol Goodrich, phát ngôn viên của J&J, cho biết: “Chúng tôi cảm thông sâu sắc với những người phụ nữ và gia đình bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư buồng trứng”.

Người phát ngôn này cho biết J&J sẽ kháng cáo vì sản phẩm phấn rôm em bé Baby Powder đã được chứng minh an toàn.

Vào đầu năm nay, bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết buộc J&J bồi thường tổng cộng 127 triệu USD trong 2 vụ kiện khác ở St. Louis.

Được khích lệ bởi kết quả này, khoảng 2.000 phụ nữ đã nộp đơn kiện J&J và các luật sư đang xem xét hàng ngàn vụ kiện tiềm tàng khác.

Dù vậy, 2 vụ kiện nhằm vào J&J ở bang New Jersey đã bị bác bỏ sau khi thẩm phán cho rằng thiếu bằng chứng thuyết phục về cáo buộc bột tan trong phấn rôm của J&J dẫn đến ung thư buồng trứng.

Nhiều nghiên cứu vẫn không phát hiện mối liên hệ hoặc có rất ít sự liên quan giữa bệnh ung thư buồng trứng và việc sử dụng phấn bột em bé của phụ nữ. Hầu hết các tổ chức y tế lớn đã tuyên bố bột tan trong phấn rôm vô hại. J&J cũng đảm bảo sản phẩm của mình an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, luật sư Onder đã dẫn một số nghiên cứu, theo đó bắt đầu gắn kết phấn rôm với những trường hợp ung thu buồng trứng trong thập niên 1970.

Theo Xuân Mai

Người lao động

Trở lên trên