JPMorgan cảnh báo chiến tranh thương mại có thể kích hoạt làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc
JPMorgan Chase & Co cho biết, căng thẳng thương mại leo thang có thể sẽ khiến hệ thống tài chính Trung Quốc - vốn đang chịu áp lực rất lớn từ chiến dịch giảm đòn bẩy (deleveraging) - ngày càng lún sâu vào tình trạng vỡ nợ.
- 03-07-2018Trung Quốc: Thị trường đang bị phản ứng thái quá, nhà đầu tư cần bình tĩnh
- 03-07-2018Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo
- 02-07-2018Không phải đánh thuế, đây mới là cách tốt nhất để Mỹ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc
Theo bà Jing Ulrich, phó chủ tịch của JP Morgan phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nếu vào cuối tuần này, ông Trump công bố thêm quyết định áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc thì hệ thống tài chính nước này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Lực cầu tiêu dùng và cả nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ bị suy yếu, và "có thể sẽ chuyển biến thành tình trạng chất lượng tín dụng đi xuống."
Việc này sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc khó trả nợ hơn ở thời điểm mà quốc gia này cũng đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng có nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu. Cổ phiếu ngân hàng đã giảm mạnh vào hôm thứ hai. Ngày 6/7 tới thuế quan mới áp dụng với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng cam kết sẽ đáp trả động thái này của Mỹ. Theo Ulrich, những ngân hàng nhỏ lại là những thành phần "yếu thế" nhất khi cuộc chiến thương mại xảy ra.
Các biện pháp nhằm cắt giảm nợ của Trung Quốc đã có những ảnh hưởng không hề nhỏ đến thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Vào tháng 5, tăng trưởng tín dụng của nước này đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương, nguồn tiền đến từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển sang mức âm lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm ngoái, tức là số khoản nợ đáo hạn nhiều hơn lượng được phát hành mới.
Bà Ulrich cho hay, mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn được đánh giá cao hơn nhiều so với hầu hết các thị trường mới nổi khác khi đối mặt với bất kì cuộc chiến thương mại nào. Việc kiểm soát tiền tệ và nguồn vốn hiệu quả giúp ngăn cản dòng vốn bị rút ra ồ ạt, giá trị vốn hóa đã ở mức "hợp lý hơn nhiều" so với giai đoạn khủng hoảng năm 2015. Và hiện tại, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đều được hưởng lợi từ quá trình tăng tỷ lệ an toàn vốn.
JPMorgan cũng đưa ra dự đoán, Trung Quốc sẽ giảm chi phí đi vay cho các công ty không có đủ tiền mặt, chẳng hạn như các công ty nhỏ và các công ty trong khu vực bất động sản, nhằm ngăn chặn sự gia tăng các khoản nợ. Ngân hàng Trung ương đang có kế hoạch cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 2 lần nữa từ nay đến cuối năm để với mục đích thúc đẩy tỉ lệ vay và giảm bớt áp lực lên các công ty Trung Quốc.
Bà Ulrich cho biết: "Rủi ro có thể giảm thiểu bằng cách tăng thanh khoản cho thị trường. Trong tay giới lãnh đạo của Trung Quốc đang nắm giữ nhiều "công cụ" hơn."