MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

JPMorgan: Chuyện đồng USD mất đi thế thống trị toàn cầu là sai hoàn toàn, phi đô la hóa ở Trung Quốc đang bị ‘phóng đại’ quá mức

05-09-2024 - 09:44 AM | Tài chính quốc tế

JPMorgan cho rằng rủi ro đối với thế thống trị của đồng đô la Mỹ là khả năng hệ thống thanh toán quốc tế bị phân mảnh.

JPMorgan: Chuyện đồng USD mất đi thế thống trị toàn cầu là sai hoàn toàn, phi đô la hóa ở Trung Quốc đang bị ‘phóng đại’ quá mức- Ảnh 1.

Các nhận định cho rằng thế thống trị của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu đang đi đến hồi kết là sai hoàn toàn, ông lớn ngân hàng Mỹ JPMorgan khẳng định trong một báo cáo vào thứ Tư (4/9).

Sự vươn lên của Trung Quốc và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với những quốc gia như Nga có thể đã thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa khỏi đồng đô la, JPMorgan nhận xét. Tuy vậy, sự thống trị của đồng bạc xanh vẫn vững chắc nhờ “tính chất cố hữu và cấu trúc” của nó.

JPMorgan cho biết số tiền gửi ngân hàng bằng đô la Mỹ đang tăng lên ở các thị trường mới nổi, các quỹ đầu tư quốc gia và tài sản nước ngoài không thuộc dạng dự trữ.

Tỷ trọng của đồng đô la Mỹ trong tổng nợ phải trả của thế giới vẫn đang tăng lên do số lượng phát hành nợ cao kỷ lục. Phi đô la hóa ở Trung Quốc có vẻ như đang bị “phóng đại” dù có cạnh tranh về địa chính trị, JPMorgan nhận đinh.

Theo báo cáo, “sự xói mòn của thế thống trị của đồng đô la Mỹ có thể mất hàng thập kỷ”. Đồng thời, việc tỷ trọng đồng bạc xanh trong thương mại toàn cầu và tổng lượng dự trữ ngoại hối suy giảm không nên bị đánh đồng với quá trình phi đô la hóa”.

Thị trường hàng hóa đang chứng kiến những thay đổi đáng kể. Ví dụ, các giao dịch dầu mỏ ngày càng được thực hiện bằng các loại tiền tệ không phải là đô la Mỹ. Các ngân hàng trung ương và người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi có nhu cầu lớn đối với vàng.

JPMorgan lập luận rằng “rủi ro bị đánh giá thấp nhất đối với quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ” là khả năng hệ thống thanh toán quốc tế – nơi đồng đô la từ lâu đã nắm quyền lực tuyệt đối – bị phân mảnh.

Trung Quốc và Ấn Độ là những nước dẫn đầu về đổi mới và thương mại điện tử. Trong khi đó, thị phần của Mỹ và Tây Âu hiện chỉ còn dưới 30%.

Việc Washington áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn khiến Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác đang xây dựng các giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Hàng chục ngân hàng trung ương đang thử nghiệm các phiên bản kỹ thuật số mới đối với đồng nội tệ. Việc này cũng có thể giúp họ ‘cắt đứt’ với hệ thống ngân hàng Mỹ dễ dàng hơn.

“Khu vực tư nhân vẫn kiên định tin đồng đô la là một tài sản dự trữ giá trị”, báo cáo của JPMorgan cho biết. “Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến sự đa dạng hóa lớn hơn và những thay đổi quan trọng trong các giao dịch xuyên biên giới do các lệnh trừng phạt đối với Nga, nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ và sự phân mảnh địa kinh tế”, báo cáo chỉ rõ.

Theo Reuters

Y Vân

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên