MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

JVC làm ăn ra sao khi dừng phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư?

13-07-2022 - 11:30 AM | Doanh nghiệp

Nhà đầu tư cẩn trọng khi đầu tư cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ

Nhà đầu tư cẩn trọng khi đầu tư cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ

Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) vừa dừng phát hành lô hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư...

Theo kế hoạch, JVC dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với giá 10.000 đồng/cp. Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung cho nguồn vốn hoạt động kinh doanh của Công ty.

Tuy nhiên, mới đây HĐQT JVC đã ra quyết định dừng triển khai phương án phát hành c ổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư do thay đổi kế hoạch và nhu cầu sử dụng vốn. Theo Ban Lãnh đạo HĐQT, JVC nhận thấy việc thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2021 là chưa cần thiết. Vậy JVC làm ăn ra sao?

Mới đây, JVC vừa công bố văn bản giải trình về biến động hơn 5% ở một số hạng mục giữa báo cáo tài chính hợp nhất 2021 tự lập và kiểm toán. Lỗ sau thuế công ty mẹ JVC tại báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán ở mức gần 30 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với báo cáo tự lập.

Theo giải trình của JVC, lợi nhuận gộp sau kiểm toán giảm 22,8% phần lớn do giá vốn hàng bán đã tăng 12 tỷ đồng (3,6%). Kiểm toán đề nghị không hoàn nhập chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho 10,5 tỷ đồng.Chi phí quản lý tại JVC tăng 5,9%, do báo cáo tài chính kiểm toán năm trước ghi nhận bổ sung chi phí trích lập dự phòng khoản phải thu khác, dự phòng trả trước cho người bán tăng tỷ lệ trích lập theo tuổi nợ. Lỗ thuần của Công ty tăng thêm 12,9 tỷ đồng lên mức 25,7 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận khác chuyển từ lãi gần 7 tỷ đồng thành lỗ 3,7 tỷ đồng do chi phí khác tăng đến 785,5% - tương ứng 10,3 tỷ đồng. Như vậy, các thay đổi trên làm khoản lỗ ròng sau kiểm toán tăng thêm 24,4 tỷ đồng lên mức 29,9 tỷ đồng.

JVC làm ăn ra sao khi dừng phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư? - Ảnh 1.

Cổ phiếu JVC rơi về vùng đáy thấp nhất nhiều năm qua dù Công ty vẫn tiếp tục tái cơ cấu

Đơn vị kiểm toán đưa ý kiến nhấn mạnh rằng JVC và công ty con đã thực hiện xử lý tài chính các khoản nợ phải thu tồn đọng, bao gồm 59,3 tỷ đồng nợ phải thu khách hàng, 14,9 tỷ đồng trả trước cho người bán, 16,7 tỷ đồng khoản công nợ tạm ứng và chuyển theo dõi khoản mục này ra ngoài bảng cân đối kế toán theo nghị quyết HĐQT. Việc theo dõi các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán không làm giảm trách nhiệm thu hồi công nợ của JVC.

JVC vừa đề ra kế hoạch có lãi trong năm 2022, theo tài liệu ĐHĐCĐ vừa công bố. Cụ thể, năm 2022, JVC lên kế hoạch đạt 500 tỷ đồng tổng doanh thu (tăng 28% so với năm trước) và 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với số lỗ sau thuế 30 tỷ đồng năm 2021.

Về phương án phân phối lợi nhuận, hiện tại, Công ty đang lỗ lũy kế 26 tỷ đồng (theo BCTC 2021) và chưa đáp ứng đủ điều kiện để chi trả cổ tức cho cổ đông. Cổ phiếu JVC liên tục giảm, xuất hiện nhiều phiên giao dịch giảm sàn liên tiếp với mức giảm 81,7%, rơi về vùng giá thấp nhất và sau nhiều năm cổ phiếu vẫn chỉ giao dịch xung quay vùng giá thấp này. Có thể thấy, mặc dù đã trải qua nhiều năm tái cơ cấu nhưng JVC vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Trước khi Quỹ PYN Elite thoái vốn tại Công ty, đầu tháng 4/2021, cổ đông lớn đã cũng bán ra và giảm sở hữu về 0%. Đây là một chỉ báo thiếu tích cực về sức khỏe tài chính của JVC.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/7 cổ phiếu JVC, ở mức 5.180 đồng/cp ( giảm gần 60% so với đỉnh 13.500 đồng/cp phiên 29/03. Nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ nặng khi trót đầu tư vào JVC thời điểm dịch COVID-19.

Dòng tiền trên thị trường thời gian qua đang tập trung vào các cổ phiếu nhỏ, có kết quả kinh doanh yếu kém, trong đó có JVC, giúp các cổ phiếu này đạt thị giá cao. Tuy vậy, việc nhiều nhà đầu tư đu theo con sóng này mà phớt lờ sức khỏe của doanh nghiệp yếu kém làm ăn thua lỗ sẽ tiềm ẩn rủi ro cao.

Theo Dương Thùy

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên