JVevermind lên tiếng về loạt đa cấp biến tướng 4.0: ‘Sản phẩm’ chung đều là giấc mơ đổi đời, giàu sang nhưng đỉnh cao phải kể đến Hahalolo, Wefinex
Thay vì bán sản phẩm truyền thống, theo JVevermind, những mô hình đa cấp biến tướng này dựa vào chiêu bài công nghệ để dụ dỗ người dùng.
Đa cấp biến tướng đã xuất hiện từ lâu nhưng đang dần ‘tiến hóa’ thành nhiều hình thức để dễ dàng thu hút người tham gia vào mạng lưới. Trên kênh Youtube của mình, JVevermind gần đây đã có video vừa mang màu sắc giải trí, vừa lên tiếng cảnh bảo người xem về tình trạng nhức nhối này.
Đa cấp là gì?
Nam Youtuber cho biết đa cấp là hoạt động bán hàng sử dụng mạng lưới của các cá nhân tham gia, gồm nhiều cấp, nhiều lớp, nhiều nhánh làm nhà phân phối thay cho các đại lý, cửa hàng, siêu thị truyền thống. Tiền kiếm được hay còn gọi là hoa hồng đến từ việc nhà phân phối có bán được hàng hay không.
"Một công ty đa cấp đúng nghĩa là công ty có sản phẩm đúng nghĩa, đào tạo nhà phân phối thực sự để tập trung bán hàng tạo lợi nhuận. Tức là lợi nhuận chính của công ty đến từ việc bán hàng của các nhà phân phối. Còn đa cấp lừa đảo không tập trung bán hàng vì sản phẩm nghèo nàn, không chất lượng, không thể cạnh tranh. Vậy nên chỉ dùng sản phẩm để làm bình phong cho có, còn "sản phẩm" thực sự đa cấp lừa đảo bán đó là giấc mơ giàu sang, đổi đời mà không phải làm gì", JVevermind giải thích.
Từ sự khác biệt của hai mô hình, JV cho biết lợi nhuận chính của đa cấp lừa đảo đến từ việc tập trung tuyển dụng càng nhiều người càng tốt.
Đa cấp biến tướng thời 4.0
Thực tế, đa cấp biến tướng không phải vấn đề mới mà đã xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000, sử dụng các mặt hàng như thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm,… làm bình phong.
10 năm trở lại đây, khi trình độ dân trí đi lên, để theo kịp thời đại, các công ty đa cấp lừa đảo cũng liên tục tìm cách biến đổi. Kết quả là các chiêu thức mới cùng hàng chục mặt hàng bình phong mới ra đời, từ các khóa học kỹ năng mềm, khóa học làm giàu, bán hàng online, bất động sản, cho đến khởi nghiệp sáng tạo,…
"Nhưng điểm chung là vẫn phải kiếm tiền từ người tham và để lôi kéo họ vào mạng lưới, đa cấp lừa đảo vẫn phải đi bán giấc mơ giàu sang", JV nhận định.
Anh lấy ví dụ về một mô hình đa cấp biến tướng, đó là làm cộng tác viên bán mỹ phẩm online.
Đầu tiên, người mới được mời chào làm cộng tác viên (CTV) đăng bài, bán hàng trên kênh Facebook cá nhân để nhận hoa hồng từ người mua. Sau đó, sẽ bất ngờ xuất hiện nhiều khách đặt hàng, khiến CTV tưởng mình bán tốt, nhưng thật sự chỉ là "chim mồi" gài vào.
Tiếp theo, CTV được mời đi dự hội nghị tại khách sạn hoành tráng, nơi sẽ tôn vinh trao thưởng cho đại lý xuất sắc, đạt doanh thu vài trăm đến cả tỷ đồng. Trên sân khấu sẽ xuất hiện các"chim mồi" lên chia sẻ câu chuyện thành công để truyền cảm hứng. Khi CTV đã chìm vào ma trận này, phía đa cấp biến tướng sẽ tiếp cận và dụ họ làm đại lý, với các gói nhập mỹ phẩm ưu đãi như nộp 100 triệu được chiết khấu vài chục %. Kết quả là hàng nhập xong không bán được, CTV ngậm ngùi ôm đống mỹ phẩm và chịu lỗ.
Tuy nhiên, theo JV, mô hình đa cấp này vẫn chưa được là đỉnh cao đa cấp. "Đó phải là các sản phẩm công nghệ 4.0, đa cấp biến tướng nhưng ở đẳng cấp khác".
Hai cái tên được anh phân tích sâu hơn chính là mạng xã hội Hahalolo và sàn giao dịch Wefinex.
1. Hahalolo
Ngày 10/6/2019, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hạ ra mắt mạng xã hội Hahalolo, đặt mục tiêu sẽ có 2 tỷ người dùng và niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, Nhưng sau đó các hoạt động diễn ra theo mô hình hội thảo dạy làm giàu, có xu hưởng mở rộng về các tỉnh miền Tây.
Ảnh cắt trong video của JVevermind.
"Có thể nhiều bạn băn khoăn, nhỡ đâu hằng trăm hàng triệu người dùng mạng xã hội này thật thì sao? Khi nhiều người dùng thì công ty có lợi nhuận để chia cho cổ đông", JV đặt vấn đề.
Nhưng thực tế theo kết quả Youtuber này tìm được, Hahalolo có lượng truy cập trung bình chưa tới 5.000 mỗi ngày.
2. Wefinex
Wefinex – hay còn được gọi là WinsBO trong đó BO là viết tắt Binary Option, tiếng Việt là quyền chọn nhị phân. Về cơ bản, BO là dạng giao dịch tài chính có nét tương đồng như giao dịch chứng khoán, nhưng ở chứng khoáng dự đoán sự thay đổi giá cổ phiếu còn BO dự đoán sự thay đổi của tỷ giá tiền tệ. Trong chứng khoán, người chơi bỏ tiền ra sổ hữu cổ phiếu còn trong BO bỏ tiền ra để đánh cược vào sự thay đổi tỷ giá chứ không sở hữu gì cả.
"Vì yếu tố rất dễ biến tướng thành cờ bạc mà giao dịch BO bị kiểm soát rất chặt chẽ trên thế giới. Thậm chí cơ quan quản lý chứng khoán và thị trường Châu Âu cấm hẳn loại hình giao dịch này", JV thông tin thêm.
Quay trở lại với mô hình Wefinex, JV cho biết sàn giao dịch này cũng đưa ra 2 cách thức kiếm tiền.
Trước tiên là giao dịch đánh cược. Cứ 1 phút người chơi vào cược 1 lần thắng ăn gấp đôi, thua mất sạch số vốn bỏ ra Hoạt động này "hoàn toàn không dựa vào bất cứ cơ sở gì nên không khác gì một trò cờ bạc online trá hình".
Nếu không thích cờ bạc, thì người chơi có thể tìm đến lựa chọn khác, trở thành đại lý và tuyển dụng những người phía dưới để hưởng hoa hồng.
Chính sách mạng lưới cửa Wefinex
Theo JV, đa cấp lừa đảo sẽ không bao giờ kết thúc, ngày càng biến tướng tinh vi hơn. Những cái tên anh nêu ra có thể chị bằng 1% số lượng thực tế đang tồn tại ngoài kia.
"Một khi bạn vướng phải không ai bảo về quyền lợi các bạn đâu, chỉ mình các bạn chịu hậu quả. Chưa kể các bạn sẽ khó nhận sự đồng cảm của dư luận vì vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm. Để thực sự chấm dứt đa cấp lừa đảo chỉ có cách duy nhất là mọi người đều hiểu đa cấp lừa đảo là gì và mô hình này hoạt động ra sao", JVevermind khẳng định.
Trí thức trẻ