MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kantar Worldpanel: Dịch Covid-19 đang mang lại cơ hội lớn cho Bách Hoá Xanh, BigC, Mega Market… để vượt mặt các kênh truyền thống

15-05-2020 - 10:30 AM | Doanh nghiệp

Các mô hình mua sắm hiện đại qui mô lớn như siêu thị/đại siêu thị, thậm chí là mô hình bán buôn (cash & carry) và các kênh mua sắm mới nổi có thể tăng trưởng vượt các kênh truyền thống (chợ) trong giai đoạn chịu tác động của dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của thị trường thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng. Trong đó, việc mua hàng trực tuyến đang lên ngôi, theo giới quan sát, số lượng đơn hàng tại các sàn ghi nhận tăng đột biến thời gian qua. Nhưng, có một thực tế dù số lượng tham gia tăng mạnh song doanh số không tăng nhiều, nguyên nhân do danh mục sản phẩm đã có sự thay đổi đáng kể.

Khách hàng tăng mua nhóm FMCGs, giảm các mặt hàng giải trí, xa xỉ

Tiếp tục phân tích sâu về xu hướng mới này, Kantar Worldpanel cũng đã công bố kết quả khảo sát, được thực hiện trong 8 tuần đầu tiên kết thúc vào ngày 22/3/2020 rơi vào tháng 2 và tháng 3 sau mùa Tết so với thời gian 8 tuần sau Tết tương ứng năm ngoái, kết thúc vào ngày 31/3/2019.

Kết quả cho thấy, người tiêu dùng bắt đầu hình thành những thói quen mới; trong đó cắt giảm các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài, đặc biệt là xa xỉ phẩm. Ngược lại, họ chuyển sang tập trung vào những nhu cầu thiết yếu, bao gồm thực phẩm tươi sống.

Ghi nhận, chi tiêu cho ngành hàng FCMGs tăng mạnh 2 con số trong quý đầu năm, chủ yếu diễn ra trong giai đoạn 8 tuần đầu sau khi công bố đại dịch, đặc biệt ở khu vực các thành phố lớn nơi có các trường hợp nhiễm bệnh. Điều này cho thấy người tiêu dùng bắt đầu mua hàng dự trữ trước diễn biến dịch lan rộng và thời gian giãn cách xã hội.

Chi tiết về giỏ hàng của người tiêu dùng, theo hãng này đang phản ánh rõ rệt 4 nhu cầu thiết yếu từ nhu yếu phẩm, thực phẩm tiện lợi, sản phẩm tăng cường sức khỏe đến sản phẩm vệ sinh. Bên cạnh đó, các sản phẩm hỗ trợ nấu ăn như gia vị nấu ăn, đồ ăn nhẹ… cũng tăng trưởng giữa trong lúc người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn.

Kantar Worldpanel: Dịch Covid-19 đang mang lại cơ hội lớn cho Bách Hoá Xanh, BigC, Mega Market… để vượt mặt các kênh truyền thống - Ảnh 1.

Cũng lưu ý, hành vi của người tiêu dùng cũng đang thay đổi tùy thuộc theo khu vực. Trong đó, tại khu vực thành thì, nhờ sự phát triển của các mô hình bán lẻ hiện đại nên người tiêu dùng ở đây có thể đi mua sắm với những giỏ hàng lớn hơn, nhiều mặt hàng hơn cùng lúc. Trong khi ở nông thôn, nơi các kênh mua sắm truyền thống chiếm phần lớn thì người tiêu dùng tăng tần suất mua sắm để có thể mua đủ các mặt hàng cần thiết cho gia đình.

Mặc dù vậy, không chắc rằng việc tăng số lượng giỏ hàng có thể bù đắp phần doanh số, khi tần suất mua giảm, chưa kể có sự dịch chuyển mạnh từ hàng cao cấp sang mặt hàng thiết yếu. Kantar Worldpanel cũng nhấn mạnh, thị trường FMCGs trong dài hạn có thể sẽ quay trở lại mức tăng trưởng một con số sau khi dịch đã được kiểm soát.

Kantar Worldpanel: Dịch Covid-19 đang mang lại cơ hội lớn cho Bách Hoá Xanh, BigC, Mega Market… để vượt mặt các kênh truyền thống - Ảnh 2.

Không chỉ thương mại điện tử, dịch Covid-19 cũng mang lại cơ hội lớn cho Bách Hóa Xanh, BigC, Mega Market...

Sau thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, các doanh nghiệp bắt đầu thích nghi dần với tình hình dịch bệnh và đã có những hành động ứng phó nhằm lấy đà cho sự phục hồi sau giãn cách xã hội.

Trong đó, các kênh mua hàng trực tuyến đang là bước đi phổ biến và phù hợp nhất. Lấy ví dụ tại Trung Quốc, có đến một phần ba người tiêu dùng mua hàng online, sử dụng dịch vụ giao hàng để đặt mua trà sữa hoặc trà thảo mộc trong tháng đầu tiên sau khi dịch bùng phát. Như vậy, chuyển hướng đẩy mạnh kênh online đang là lựa chọn ứng phó giúp xoay chuyển tình thế, giảm thiểu rủi ro nhanh và hiệu quả nhất.

Dịch Covid-19 đưa người tiêu dùng đến gần hơn những trải nghiệm mới, trong đó mua sắm trực tuyến hay tại các siêu thị mini nhận được lượng người mua nhiều nhất, đặc biệt số lượng người mua mới tăng đáng kể.

Mặc dù tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, các kênh thương mại điện tử thực tế vẫn còn nhiều tiềm năng để mở rộng, với điều kiện mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng. Kantar Worldpanel nhấn mạnh doanh nghiệp nên nắm được điều này và loại bỏ những rào cản sẽ đạt được mức phát triển mạnh hậu Covid-19.

Nói là vậy, song thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng giữa đại dịch cũng mang lại cơ hội cho nhiều nhà bán lẻ khác nhau. Bên cạnh mảng bán lẻ trực tuyến, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội… cho thấy sự gia tăng về lượng giao dịch hàng hóa FMCGs; thì các nhà bán lẻ truyền thống như Big C, Bách Hóa Xanh và Mega Market đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong khoảng thời gian trước khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội.

Trong đó, sự đa dạng về số lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống – một trong những "mặt hàng hot" trong thời gian giãn cách xã hội - chính là lợi thế đối với các mô hình bán lẻ qui mô lớn thúc đẩy tăng trưởng. Thống kê cho thấy, lượt mua sắm của người tiêu dùng mua sắm ở các kênh này trung bình khoảng 10 ngày/lần trong 4 tuần kết thúc vào ngày 22/3. Tức, các mô hình mua sắm hiện đại qui mô lớn như siêu thị/đại siêu thị, thậm chí là mô hình bán buôn (cash & carry) và các kênh mua sắm mới nổi có thể tăng trưởng vượt các kênh truyền thống (chợ) trong gian đoạn chịu tác động của dịch Covid-19.

Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, tuy nhiên điều này có thể là bàn đạp để duy trì và tiếp tục phát triển trong dài hạn. Bài học cho các nhà sản xuất sau giai đoạn này chính là điều chỉnh và phát triển chiến lược cũng như quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn "bình thường mới" được thiết lập.

Bảo An

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên