KBSV: “Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam rộng mở trong năm 2020”
Theo KBSV, khi được nâng hạng, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các quỹ với quy mô tài sản lớn phân bổ theo bộ chỉ số thị trường mới nổi FTSE, trong đó có thể nhắc tới quỹ Vanguard FTSE Emerging Market ETF – quỹ ETF thị trường mới nổi lớn nhất thế giới.
KB Securities Việt Nam (KBSV) vừa đưa ra báo cáo đánh giá TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để được nâng hạng thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market) của FTSE vào tháng 9/2020.
Theo KBSV, khi được nâng hạng, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các quỹ với quy mô tài sản lớn phân bổ theo bộ chỉ số thị trường mới nổi FTSE, trong đó có thể nhắc tới quỹ Vanguard FTSE Emerging Market ETF – quỹ ETF thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Bởi vậy, dù tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong các bộ chỉ số EM được dự báo ở mức thấp nhưng vẫn sẽ tạo ra một lượng lớn dòng tiền chảy vào TTCK Việt Nam.
Dòng tiền giải ngân của khối ngoại thường sẽ tăng đáng kể khi việc nâng hạng FTSE được thông báo như TTCK Qatar trong giai đoạn 2015.
Tuy nhiên, NĐT cũng cần lưu ý sẽ có sự lệch pha về thời điểm lúc các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên rút danh mục khỏi TTCK Việt Nam và khi các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi bắt đầu giải ngân (thường sẽ có độ trễ). Ngoài ra, dòng tiền chủ động sẽ có thể biến động khó lường trước và sau sự kiện nâng hạng. Một số quỹ chủ động thường đổ tiền vào TTCK Việt Nam để đón đầu sự kiện nâng hạng và sau đó có thể rút ra chốt lời khi TTCK Việt Nam chính thức được nâng hạng.
Giai đoạn phản ánh tích cực nhất sẽ chỉ tập trung vào giai đoạn trước khi được nâng hạng
Theo KBSV, trường hợp tương đồng gần nhất với Việt Nam là Romania, đã tăng gần 38% kể từ đầu năm, đón đầu thông tin nâng hạng Mới nổi hạng 2 vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, NĐT cần lưu ý chỉ số chứng khoán sẽ có thể điều chỉnh sau khi việc nâng hạng đi vào hiệu lực như trường hợp của UAE và Qatar, giảm lần lượt 5% và 20% 1 năm sau khi được nâng hạng.
Thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện đáng kể sau khi nâng hạng. Khi đó, Việt Nam có thể hấp thụ tốt hơn những khoản đầu tư có quy mô lớn.
Việc TTCK được nâng hạng cũng giúp gia tăng tính tương đồng giữa quy tắc, chuẩn mực của TTCK Việt Nam với quốc tế, qua đó tạo dựng niềm tin cho NĐTNN tham gia giao dịch nhiều hơn. Ngoài ra, việc nâng hạng cũng được xem như là động lực cho các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh cải cách và nâng cấp thị trường.
Tuy nhiên, KBSV cũng lưu ý nhà đầu tư sẽ cần phải chú ý nhiều hơn đến yếu tố ngoại biên bởi khi được nâng hạng, tác động của những yếu tố này với thị trường mới nổi sẽ rõ ràng hơn so với thị trường cận biên.
Rào cản và phướng hướng xử lý để Việt Nam nâng hạng trong năm 2020
Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm thị trường Cận biên và đã được thêm vào danh sách theo dõi để phân loại lên thị trường Mới nổi hạng 2 vào tháng 9/2018.
Tuy nhiên, sau 1 năm rà soát, Việt Nam mới chỉ đáp ứng 7/9 tiêu chí xếp loại của FTSE. Trong đó, Yếu tố Hoạt động chứng khoán thông suốt, không có lỗi không được đánh giá. KBSV cho rằng yếu tố này y không phải là rào cản lớn, đơn thuần do việc cung thấp thông tin từ UBCK. Ngoài ra, yếu tố Thanh toán bù trừ T+2/T+3 bị hạ từ Đạt xuống Hạn chế.
Hoạt động thanh toán của Việt Nam nhìn chung vẫn dựa trên quy tắc phải có tiền trong tài khoản mới được giao dịch (pre-funding). Theo FTSE Russell, Việt Nam cần theo thông lệ quốc tế là thực hiện nhận cổ phiếu thì trả tiền (Delivery vs Payment - DvP), tức là chỉ cần kiểm tra số dư tiền vào ngày T+2 rồi thực hiện chuyển giao cổ phiếu và thanh toán, thay vì việc kiểm tra tài khoản và trừ tiền ngay tại thời điểm T+0 như hiện nay.
Cơ sở pháp lý của Việt Nam (theo thông tư 203/2015/TT-BTC), về cơ bản đã bật đèn xanh cho NĐT tổ chức (có tài khoản tại ngân hàng lưu ký) chỉ cần có bảo lãnh thanh toán/xác nhận từ phía ngân hàng là có thể giao dịch ngay. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi ích từ phía ngân hàng còn hạn chế, khiến việc thực thi thông tư trên chưa hiệu quả.
KBSV cho biết một số CTCK đã chủ động cung cấp dịch vụ bảo lãnh/thanh toán với tổ chức nước ngoài và bước đầu ghi nhận một số kết quả tích cực.
Cũng theo KBSV, khoảng thời gian 1 năm sẽ là đủ để Việt Nam giải quyết được vấn đề tồn tại trong thanh toán với NĐT tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, đối với NĐT cá nhân, KBSV kỳ vọng nếu không giải quyết được vấn đề bảo lãnh thì ít nhất cũng tiến tới việc chỉ phong tỏa tiền tại thời điểm mua chứng khoán và T+2 sau (khi chứng khoán về tài khoản) mới trừ tiền. Mặc dù vậy, điều này vẫn có thể là rủi ro cản trở phần nào việc xét duyệt của FTSE.