MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KCN, KKT cần hành lang pháp lý mới: Hóa giải vướng mắc từ thực tiễn

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, lấy ý kiến.

LTS: Việc sửa đổi, thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là yêu cầu bắt buộc để ngành kinh tế này phát triển bền vững hơn.

KCN, KKT cần hành lang pháp lý mới: Hóa giải vướng mắc từ thực tiễn - Ảnh 1.

Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng (Ảnh: Khu Công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh)

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đầu tư Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT), Khu chế xuất (KCX) rất quan tâm và mong muốn có một hành lang pháp lý “đủ rộng, đủ dài” để phát triển.

Lợi thế lớn...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 4 năm 2021, trên phạm vi cả nước có 575 KCN trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219.500 ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước). Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.


Về KKT, có 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853.000 ha. Bên cạnh đó, có 26 KKT cửa khẩu đã được đưa vào quy hoạch, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số KKT cửa khẩu hoạt động có hiệu quả cao; đảm bảo an ninh trật tự, kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến KKT cửa khẩu.

Thời gian qua, các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lũy kế đến cuối tháng 4 năm 2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực khác. Trong đó, nhiều quy định liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các KCN, KKT như trình tự, thủ tục đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT là hết sức cần thiết.

KCN, KKT cần hành lang pháp lý mới: Hóa giải vướng mắc từ thực tiễn - Ảnh 2.

Khu công nghiệp Nam Sách, Hải Dương


Khắc phục bất cập, hài hòa lợi ích

Trong một cuộc họp trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các nhà đầu tư trong khu công nghiệp (KCN) nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, bên cạnh những đóng góp tích cực đó, các KCN, KKT vẫn tồn tại những mặt hạn chế về quy hoạch, mô hình, chất lượng nhiều dự án đầu tư vào KCN chưa đảm bảo cân bằng về yếu tố xã hội môi trường.

Cùng với đó, hiệu quả sử dụng đất tại một số KCN cũng chưa được đánh giá cao. Để khắc phục những tồn tại này, quan điểm sửa đổi Nghị định số 82 nhằm sửa đổi một cách toàn diện, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng KCN, KKT, đồng thời tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp cho KCN, KKT.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý về trình tự, thủ tục, các quy định còn vướng mắc để hoàn thiện nội dung sửa đổi, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả Nhà nước, nhà đầu tư, cũng như khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà các KCN, KKT đang gặp phải.

Chính vì vậy, trong báo cáo mới được công bố, CTCK Bản Việt (VCSC) đã có nhận định: các quy định rõ ràng và toàn diện hơn từ nghị định mới sẽ cho phép chính quyền địa phương và các chủ đầu tư KCN giải quyết các trở ngại hiện có, từ đó đẩy nhanh quá trình phê duyệt và phát triển đồng thời cung cấp đủ quỹ đất KCN để đáp ứng nhu cầu tăng cao hiện tại. Ngoài ra, nghị định mới sẽ cung cấp hướng dẫn và quy định về các mô hình KCN dựa theo kinh nghiệm quốc tế, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.

Theo Duyên - Thu

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên