MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kẻ "ăn quỵt" dùng chiêu thuật gì để qua mắt chủ nhà hàng, bị phát giác cũng không sợ?

30-05-2024 - 14:59 PM | Sống

Nhiều vụ ăn quỵt đã bị phát giác và đưa ra xử lý. Nhưng vì sao chuyện đáng xấu hổ này cứ diễn ra…


“Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế sao” - Rất quan trọng!

Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là hiệu ứng hào quang (Halo Effect). Nói một cách dễ hiểu, hiệu ứng hào quang là hiện tượng tâm lý mà con người dễ bị ảnh hưởng bởi những vẻ đẹp, sự hào nhoáng và lung linh trước mắt.

Lợi dụng tâm lý này, những kẻ "ăn quỵt" thường khoác cho mình một vẻ ngoài hào nhoáng, sang chảnh với niềm tin: Chỉ cần bạn trông có vẻ giống người giàu thì sẽ có những đặc quyền của người giàu.

Nghe có vẻ khó tin nhưng điều này được kiểm chứng qua câu chuyện của Á Kỳ - cô gái sinh năm 2000 nổi tiếng với series 21 ngày sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Với chiếc túi Hermes fake có giá 2.700 NDT (khoảng 9,5 triệu đồng), chiếc nhẫn kim cương giả 18 NDT (khoảng 63 nghìn đồng) và lối trang điểm tinh tế, Á Kỳ đã hóa thân thành một người nổi tiếng, đường hoàng bước vào phòng chờ hạng nhất ở sân bay để ăn buffet miễn phí, uống cà phê thoải mái,...

Kẻ

Á Kỳ ở sảnh khách sạn 5 sao

Kẻ

Chiếc Hermes giả

Chưa hết, cô còn đến nhiều điểm đấu giá, đeo thử những món trang sức trị giá hàng tỷ đồng. Tại đây cô thỏa sức ăn đồ ăn nhẹ như chocolate trắng, gan ngỗng đến khi no thì thôi. Khi đến khách sạn 5 sao, Á Kỳ ngủ ngay tại sảnh chờ, được tắm và xông hơi miễn phí.

Kết thúc 21 ngày, Á Kỳ không bị ai phát hiện. Thậm chí một người bảo vệ khách sạn còn tưởng cô là tiểu thư nhà giàu mới đến Bắc Kinh nên tỏ ra quan tâm, chăm sóc cô, kết bạn trên MXH.

Thực ra đây là tác phẩm tốt nghiệm của Á Kỳ khi cô theo học tại trường Nghệ thuật Thực nghiệm - Học viện Mỹ thuật Trung ương. Nhưng rõ ràng đám đông đã bị đánh lừa bởi vẻ ngoài hào nhoáng của cô. Người ta hoàn toàn tin tưởng rằng cô là một hot girl sang chảnh hoặc tiểu thư hào môn nên vui vẻ dành cho cô những đặc quyền thượng lưu.

Sau khi tác phẩm của Á Kỳ được công bố rộng rãi, nhiều người cho rằng với kiến thức về những nơi sang chảnh như thế thì có lẽ ngay từ đầu đã được sinh ra từ gia đình có điều kiện. Tuy nhiên Á Kỳ khẳng định rằng gia đình mình rất bình thường, quan trọng là sự chuẩn bị kỹ càng. Cô đã học cách trang điểm, bắt chước sự tự tin của các hot girl trên MXH.

Người ta có câu, tâm sinh tướng và ngược lại hoàn cảnh cũng có thể thay đổi tính cách. Khi bạn có một gương mặt tràn đầy tự tin và quyết tâm, một vẻ ngoài có vẻ giàu có thì thế giới sẽ đối xử với bạn một cách thiện chí, ngay cả khi bạn không có đồng nào trong túi.

Nhưng vì những điều phù phiếm nhất thời để bản thân "nhúng chàm" thì không có gì lấy làm vinh dự hay vẻ vang. Bản thân Á Kỳ cũng thừa nhận trong 21 ngày đó, mình luôn ở trong trạng thái nơm nớp lo sợ bị phát giác, bị đuổi ra đường. Ngoài ra bất kỳ ai cũng cần cẩn trọng, "nhìn mặt mà bắt hình dong" đôi khi sẽ sai.

Nhắm vào nhà hàng sang trọng, đắt tiền vì…

Người có vẻ ngoài sang chảnh, mặc quần áo đắt tiền thì hiếm khi ngồi ăn ở quán xá vỉa hè cả. Vì vậy chẳng có gì lạ khi những nhà hàng đắt đỏ, những nơi cung cấp dịch vụ thượng lưu lại lọt vào "tầm ngắm" của kẻ "ăn quỵt" có chủ đích.

Thứ nhất là suy nghĩ lệch lạc: Đằng nào cũng ăn quỵt, tội gì không chọn nơi để được ăn ngon, ăn no cho đã nư?

Tháng 6/2020, một người đàn ông họ Triệu ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã bị cảnh sát xử lý sau khi ăn một bàn tiệc gồm tôm hùm, cua hoàng đế, bào ngư, sò điệp,... ở nhà hàng mà không chịu trả tiền. Anh ta cho biết mình đã bắt đầu đi "ăn quỵt" từ đầu tháng 5 vì thất nghiệp, không có tiền. Lý giải chuyện chọn nhà hàng sang chảnh và gọi đồ ăn ê hề, lão Triệu cho biết mình chỉ ăn 1 bữa như vậy là đủ no cho cả ngày.

Quan điểm không muốn làm mà vẫn muốn có ăn của người này nhanh chóng bị cộng đồng chỉ trích dữ dội. Sau đó anh ta cũng bị lực lượng chức năng tạm giữ và xử phạt.

Kẻ

Lão Triệu ăn uống no nê ở một nhà hàng

Thứ 2, có người lại biện minh rằng: "Những nhà hàng này quá giàu rồi, mình đến ăn một bữa thì có sao?". Tất nhiên là có sao. Để vận hành một nhà hàng sang trọng sẽ tốn rất nhiều chi phí như mặt bằng, nhân viên, dịch vụ,... Kể cả khi chủ nhà hàng có tài sản kếch xù đi chăng nữa thì ăn xong cũng phải trả tiền, dù ăn ở đâu hay ăn của ai thì cũng không có bữa ăn nào miễn phí cả! Và một lý do nữa, việc làm thiếu suy nghĩ của kẻ ăn quỵt có thể để lại hậu quả rất lớn với người quản lý nhà hàng. Họ đơn thuần chỉ là người làm công ăn lương. Gặp phải 1 tình huống trớ trêu với số tiền không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm thanh toán, đối với họ mà nói, đó là một sự cố vô cùng nghiêm trọng thậm chí là một vấn đề khó có thể gánh vác nổi.

Cuối cùng là tâm lý sợ mất mặt của các nhà hàng.

Phải nhắc lại rằng, thực khách ở nhà hàng sang trọng chủ yếu là người giàu có thực sự - đối tượng ưu tiên không gian và trải nghiệm hơn là đồ ăn thức uống. Thử hỏi ai sẽ quay lại một nơi xảy ra ồn ào với khách hàng? Kể cả khi nguyên nhân đến từ khách hàng đi chăng nữa. Vì vậy nhiều nhà hàng chọn cách ngậm bồ hòn làm ngọt nhưng chính điều này lại càng dung túng cho những người thích "ăn quỵt".

Trong tình huống này, chủ quán có thể yêu cầu người ăn thanh toán tiền trước khi rời đi hoặc tạm giữ tài sản có giá trị tương đương số tiền nợ để đảm bảo người này quay lại trả nợ. Việc chủ quán chửi mắng khách, tự ý giữ và nhốt người lại sẽ vô tình đẩy bản thân vào vòng lao lý.

Theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, điều đúng đắn phía nhà hàng cần làm là gọi cơ quan công an đến, lập biên bản xem xét xử lý hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong thời gian chờ cơ quan công an tới thì hành động này không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật.

Ăn nói ngô nghê với hi vọng được cho qua để tránh phiền phức

Một trong những lý do phổ biến khác khiến chủ quán cũng phải ngán ngẩm là cái cớ "ăn quỵt" của các "thượng đế".

Ngày 2/7/2023, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi ở Quảng Đông (Trung Quốc) từ chối thanh toán hoá đơn bữa ăn ở nhà hàng vì nhân viên phục vụ bàn (ngoài 2 tuổi) đã gọi cô là "dì" 2 lần. Chưa hết, người này còn đòi nhà hàng bồi thường cho mình 2.000 NDT (hơn 7 triệu đồng) vì làm tổn hại danh dự và tinh thần của mình.

Sau đó nhà hàng đã mời lực lượng chức năng đến làm việc. Cuối cùng người phục vụ được yêu cầu xin lỗi khách hàng và người phụ nữ được giảm giá 20% tổng hóa đơn.

Ngày 27/10/2022, một cô gái ở Quảng Đông (Trung Quốc) sau khi ăn bữa tối ở nhà hàng đã không chịu thanh toán vì "tôi là thiên thần nhưng hiện đang không có tiền nên hãy ghi vào sổ nợ". Thậm chí "thiên thần" này còn quay ra chê chất lượng đồ ăn và tuyên bố mình có mặt ở đây để loại bỏ cái ác.

Kẻ

Cô gái này tuyên bố mình là thiên thần nên được ăn miễn phí

Một vài người khác lại trắng trợn tuyên bố mình thất nghiệp, không có tiền nên bây giờ có làm gì cũng không trả tiền được.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết, việc đi ăn phải trả tiền, đó là quy luật bất thành văn không cần phải tranh cãi. Tuỳ vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, người không trả tiền có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

"Nếu cần thiết chủ quán có thể báo với cơ quan công an đến lập biên bản xem xét xử lý về gian dối chiếm đoạt tài sản của người khách theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng" - luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự vì hành vi mua hàng nhưng cố tình không trả tiền. Căn cứ quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Huyền Trang

Đời sống và pháp luật

Trở lên trên