Kẽ hở giúp rau bẩn “đội lốt” VietGAP vào siêu thị?
Rau bẩn "đội lốt" rau VietGAP để vào siêu thị là 1 trong những nội dung nổi cộm được đưa ra tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát...
- 05-10-2022Bất ngờ khi Việt Nam nhập ớt Trung Quốc, tồn dư hóa chất diệt côn trùng
- 05-10-2022Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Brazil bật tăng nhờ giá
- 05-10-2022Sau xe Tổng thống, 'Rolls-Royce của nước Nga' tiếp tục tung SUV siêu sang giá nửa triệu USD
Rà soát toàn bộ chuỗi sản xuất rau VietGAP
Ngay sau khi báo nêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp khẩn với các bên. Từ đó đến nay, một số đơn vị liên quan của Bộ đã phối hợp với địa phương, siêu thị, hiệp hội bán lẻ để rà soát toàn bộ quy trình.
Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết, vấn đề cần làm rõ là cần xác định đây là gian lận thương mại, làm giả tem nhãn hàng hóa, hay sai phạm của các tổ chức chứng nhận, các cơ sở doanh nghiệp sản xuất được chứng nhận VietGAP, từ đó mới có phương án xử lý.
"Riêng trường hợp này, chúng tôi yêu cầu ban an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp Lâm Đồng khẩn trương điều tra, xác minh sự việc nêu trong báo, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, các hành vi gian lận thương mại, báo cáo trước 5/10", ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, thông tin.
Vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)
Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện có 45 tổ chức được cấp quyết định là tổ chức chứng nhận phù hợp VietGAP, trong đó Bộ Nông nghiệp quản lý 14 đơn vị, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý 31 đơn vị. Việc có quá nhiều đơn vị cấp giấy chứng nhận VietGAP cũng là lỗ hổng trong việc giám sát chất lượng.
"Theo thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, kiểm tra dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật kim loại nặng 2.503 mẫu, kết quả cho thấy có 40 mẫu vi phạm, để thấy rằng chúng ta không buông lỏng quản lý nhưng để kiểm soát toàn diện hơn, mật độ dày hơn thì chưa làm được", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trên cơ sở này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện việc cấp và quản lý mã số vùng trồng với các vùng sản xuất phục vụ trong nước, đồng thời theo dõi, kiểm soát chặt việc truy xuất nguồn gốc, giảm khâu phân phối trung gian để giảm gian lận thương mại.
Còn nhiều kẽ hở cho gian lận thương mại
Hiện các siêu thị mới chỉ đáp ứng 15% nhu cầu thực phẩm tươi sống của người dân. Mặc dù các hệ thống siêu thị đều có quy trình kiểm soát, nhưng họ cũng thừa nhận khó kiểm soát 100% hàng hóa nếu nhà cung cấp cố tình dùng chiêu trò.
Phần lớn các siêu thị đang phụ thuộc nguồn hàng từ nhà cung cấp. Dựa vào nhu cầu ấy, lợi dụng uy tín nhiều năm, một số nhà cung cấp đã sử dụng chiêu trò để hưởng lợi.
Trên thế giới, ngoài việc áp dụng các quy định nghiêm ngặt, mỗi siêu thị còn có bộ tiêu chí quy định riêng từng nhóm hàng. Mặt khác, những mặt hàng rau củ được ký kết trực tiếp với người nông dân và có đội ngũ giám sát.
Còn tại Việt Nam, số lượng siêu thị ký kết trực tiếp với nông dân không nhiều vì vướng mắc các thủ tục pháp lý. Ngoài ra, họ không đủ nguồn lực để thực hiện nên phải thông qua đầu mối trung gian.
Cần minh bạch sản phẩm VietGAP với người tiêu dùng
Rau được mua từ siêu thị có ghi nguồn gốc xuất xứ. Còn rau củ được mua tại chợ truyền thống không có nhãn chứng nhận rau sạch hoặc nguồn gốc xuất xứ. Khi bỏ bao bì và gộp chung các loại sản phẩm này, mắt thường không phân biệt được sản phẩm có nguồn gốc là đâu.
Nghị định 15 của Chính phủ về quản lý an toàn thực phẩm cho phép doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó. Các chuyên gia cho rằng, đây là kẽ hở cho một số người làm ăn bất lương, vì lợi nhuận đã cố tình trạng trà trộn để biến rau chưa đạt chuẩn thành rau chuẩn VietGAP. Vì vậy, khâu hậu kiểm từ cơ quan chức năng là yếu tố then chốt để minh bạch sản phẩm.
"Nếu mình bắt buộc mọi người phải làm chuyện đó, đưa thông tin online, thanh tra hoàn toàn có thể ngồi ở nhà, dùng máy tính kiểm soát. Kiểm soát trên mạng có thể biết được người ta làm thật hay không và khi thấy có vấn đề cần đến tận nơi kiểm tra", bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho hay.
Người dân mua hàng tại một siêu thị. (Ảnh: TTXVN)
"Đã đưa ra tiêu chuẩn thì phải thi hành, kiểm tra. Tuy nhiên kiểm tra thế nào để đúng tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp đã quy định", bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Tại TP Hồ Chí Minh, đã có gần 600 chuỗi thực phẩm an toàn được thiết lập. Tuy nhiên việc này cũng chưa thực sự khiến người tiêu dùng an tâm khi mua thực phẩm nên trong khi trông đợi vào lương tâm, sự tự giác của những người sản xuất, kinh doanh rau củ quả, việc siết chặt hậu kiểm từ phía cơ quan chức năng vẫn là giải pháp căn cơ để có được nguồn thực phẩm đảm bảo cho người dân sử dụng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có gần 500.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP. Trong đó, rau theo tiêu chuẩn này chiếm khoảng 10%. Sở dĩ tỷ lệ thấp là do chi phí để làm rau VietGAP cao, trong khi giá bán chưa tương xứng.
VTV