MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kẽ hở khâu thẩm định của nhân viên ngân hàng giúp “siêu lừa” chiếm đoạt 433 tỷ đồng

10-03-2023 - 22:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Kẽ hở khâu thẩm định của nhân viên ngân hàng giúp “siêu lừa” chiếm đoạt 433 tỷ đồng

Tại tòa, nhân viên ngân hàng khai quá trình thẩm định đã không nắm thông tin công ty sân sau của "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành dừng hoạt động, không gặp mặt người có tài sản xác nhận việc họ có đồng ý thế chấp tài sản hay không.

Sau gần hai ngày công bố cáo trạng, cuối chiều 10/3, HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết với 17 cán bộ ba ngân hàng NCB, PVcomBank và VAB, chiếm đoạt 433 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (nguyên Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) khai, không có ý kiến với cáo trạng quy kết bản thân đã giúp sức cho Hà Thành lừa đảo.

Theo lời khai của Tùng, bị cáo cùng Hà Thành có quan hệ làm ăn nên quen biết nhau từ năm 2014, khi đó Tùng là người đồng sở hữu Công ty Eurocell Việt Nam. Năm 2017, doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng Tùng vẫn giữ con dấu, hồ sơ công ty. Từ đó, hai bị cáo sử dụng pháp nhân này để vay tiền ngân hàng.

Viện kiểm sát cáo buộc sau khi cùng Hà Thành sử dụng pháp nhân Jeongho Landmark, Tùng đã lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, biên bản đối chiếu công nợ với Công ty Eurocell Việt Nam (đã dừng hoạt động) và Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nguyên, ký giả chữ ký của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án), lăn giả dấu vân tay trên các chứng từ. Qua đó, các bị cáo chiếm đoạt của ngân hàng NCB, PVcomBank và VAB.

Trước những cáo buộc trên, Nguyễn Thanh Tùng cho hay, việc vay bằng tài sản thế chấp với pháp nhân trên là hợp lý. Ngoài ra, Tùng từng nhiều lần vay tiền cho Hà Thành và đều được nhân viên ngân hàng duyệt hồ sơ. Do đó, Tùng đồng ý giúp đối phương nhưng khai không hưởng lợi gì.

Kẽ hở khâu thẩm định của nhân viên ngân hàng giúp “siêu lừa” chiếm đoạt 433 tỷ đồng - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Kẽ hở thẩm định của nhân viên ngân hàng

Bị xác định là người thu thập rồi thẩm định các hồ sơ vay vốn cho Hà Thành, bị cáo Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên cao cấp, Trung tâm giao dịch Vạn Xuân, ngân hàng NCB) cho rằng, Thành vay theo hình thức thế chấp nên chỉ cần thẩm định tài sản thế chấp đó một lần, các lần sau Trung không thẩm định lại, cứ thế ký.

Trung cho hay đó là quy định của ngân hàng nên mình không làm sai. Bị cáo thậm chí không đi gặp chủ tài sản thế chấp là ông Đặng Nghĩa Toàn để xác nhận họ có muốn dùng tài sản (sổ tiết kiệm 50 tỷ đồng) của mình để thế chấp hay không; cũng không nắm thông tin công ty sân sau của Hà Thành (Eurocell) đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã ngừng hoạt động.

Trong khi đó, lãnh đạo của Trung là bị cáo Trần Thị Hoa (cựu phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của NCB) thừa nhận khi được Trung trình duyệt cấp tín dụng cho công ty của Hà Thành vay, cũng không kiểm tra. Bà Hoa còn đốc thúc Trung liên hệ ngay quầy giao dịch, mở tài khoản cho Eurocell để giao dịch.

Tại tòa, cả bị cáo Trung và Hoa cho rằng mình chỉ có lỗi trong việc không phát hiện ra công ty Eurocell của Hà Thành đã ngừng hoạt động, không vi phạm quy định hoạt động của ngân hàng, xin tòa xem xét lại tội danh.

Riêng bị cáo Trung đề nghị HĐXX xem xét lại quan hệ vay nợ của ông Đặng Nghĩa Toàn và Hà Thành, để làm rõ ông Toàn có biết việc sổ tiết kiệm của mình sẽ được Thành mang thế chấp, có sự đồng phạm hay không.

Trước đề nghị trên của Trung, Chủ tọa Phan Huy Cương cho hay, tình tiết này đã được đưa ra trong phiên tòa tháng 5/2022, khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau đó cơ quan điều tra đã làm rõ, ông Toàn không biết và không đồng ý việc Thành mang sổ tiết kiệm của ông đi lừa đảo. Qua nhiều lần điều tra bổ sung, ông Toàn vẫn được cơ quan công tố xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trong khi đó, tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành khai ngắn gọn mọi kế hoạch lừa đảo vay vốn của ba ngân hàng đều do một mình thực hiện, không bàn bạc với ai.

Theo bị cáo Thành, để được vay tiền từ ngân hàng, người này đã dùng các sổ tiết kiệm của ông Đặng Nghĩa Toàn để thế chấp. Trong số các khoản vay của ba ngân hàng, Thành nhớ đã trả hơn 20 tỷ nhưng không nhớ con số cụ thể trả cho từng ngân hàng.

Viện KSND TP Hà Nội cáo buộc, từ năm 2016, để có tiền kinh doanh, Thành dùng nhiều thủ đoạn để huy động tiền từ các tổ chức, cá nhân. Không có tài sản đảm bảo, Thành cùng bị cáo Nguyễn Thanh Tùng sử dụng Công ty Jeongho để lập khống hồ sơ năng lực phục vụ vay tiền. Thành sau đó cầm cố các sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn làm tài sản đảm bảo và giả chữ ký để làm thủ tục vay tiền ngân hàng.

Ngoài ra, Thành còn còn vay tiền của một số người khác bằng hình thức cùng gửi tiết kiệm đồng sở hữu vào ngân hàng. Bị cáo sau đó thoả thuận với nhân viên ngân hàng về việc phát hành thêm hợp đồng tiền gửi, bên cạnh sổ tiết kiệm. Với hợp đồng tiền gửi, Thành đưa cho người đồng sở hữu, còn mình dùng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo để đáo hạn ngân hàng.

Từ tháng 6/2018 - 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản nợ nên nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng và các cá nhân.

Cáo trạng xác định, Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVCombank 49,4 tỷ đồng, VAB hơn 273 tỷ đồng và chiếm đoạt của bốn cá nhân khác hơn 63 tỷ đồng.

Để Thành thực hiện thành việc này, cơ quan truy tố xác định đã có sự giúp sức của các nhân viên ngân hàng.

Theo Hoàng An

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên